Kỳ 3: Hệ quả lớn về cả mặt pháp lý và xã hội
Theo các chuyên gia, bạo lực khi xảy ra va chạm là vấn đề nghiêm trọng và đang ngày càng gia tăng, với những hệ quả lớn về cả mặt pháp lý và xã hội. Các hành vi bạo lực này không chỉ gây tổn hại về thể chất tinh thần cho người khác mà còn tạo ra môi trường giao thông mất an toàn, gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Bạo lực từ những va chạm – cách nào ngăn chặn?
Dùng bạo lực xử lý va chạm khiến tình trạng xấu hơn
Theo anh Nguyễn Văn Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) việc dùng bạo lực để xử lý khi xảy ra va chạm là điều vô cùng tệ hại. “Chưa bàn đến hậu quả pháp lý, mà cách ứng xử thiếu văn minh đó sẽ ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng đến tư duy, đến suy nghĩ của những người khi chứng kiến những cảnh đó” – anh Nguyễn Văn Linh nói.
Theo anh, không thể chắc chắn rằng khi câu chuyện lấy bạo lực ra để “xử” nhau giữa đường như thế không khiến người khác nhìn và học theo. Bởi khi có quá nhiều những tình huống tương tự xảy ra, người ta sẽ coi đó là chuyện bình thường và coi nhẹ nó.
Đó là chưa nói, nếu như các hành vi đó được diễn ra trước mặt con trẻ. Tất cả thái độ, lời nói và hành vi của người lớn là bài học sống động cho trẻ con. Trên đường phố khi tham gia giao thông, có rất nhiều trẻ nhỏ đi cùng bố mẹ. Nếu chẳng may có va chạm giao thông nhẹ, người lớn cần đặc biệt chú ý cách hành xử để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
“Trẻ em thường nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng và bắt chước những hành vi và lời nói từ người lớn, đặc biệt trong những tình huống căng thẳng” – anh Nguyễn Văn Linh cho hay. Vì vậy, người lớn cần giữ bình tĩnh, tránh la hét, chửi bới hay có hành động bạo lực với đối phương. Thay vào đó, cha mẹ cần thể hiện thái độ hòa nhã, giải quyết tình huống một cách văn minh và tôn trọng. Điều này giúp trẻ cảm thấy an tâm và là tấm gương giúp trẻ học bài học về cách đối mặt và xử lý xung đột phù hợp.
Còn chị Nguyễn Thanh Loan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại cho rằng, việc dùng bạo lực xử lý va chạm giao thông không chỉ khiến tình trạng vốn đã xấu trở nên xấu hơn. Ngoài việc những người trong cuộc “thiệt đơn, thiệt kép” thì còn ảnh hưởng rất nhiều đến những người khác, đến tình hình giao thông ở khu vực đó.
“Tôi cũng không hiểu sao khi va chạm người ta ngại nói câu xin lỗi nhau đến thế. Ở góc nhìn văn hóa xã hội, khi mỗi người chủ động xin lỗi lúc xảy ra va chạm giao thông, sẽ xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, đôi khi, nhiều người không xin lỗi vì nghĩ nếu mở lời là đang nhận sai và phải bồi thường” - chị Nguyễn Thanh Loan nói.
Chị Nguyễn Thanh Loan cũng cho biết, nhiều năm chị ở nước ngoài thì thấy rằng, nhiều người sau khi va chạm có thể xin lỗi ngay cả khi họ không có lỗi, đó như câu cửa miệng. Nhưng ở nước ta, chị có cảm giác họ coi câu xin lỗi như 1 điều gì rất “hạ đẳng”. “Xin lỗi không có nghĩa là nhận lỗi, phải bồi thường, đúng sai khi xảy ra va chạm giao thông sẽ được pháp luật phân định” – chị Nguyễn Thanh Loan nêu quan điểm.
Việc đổ lỗi cho hoàn cảnh cá nhân không chỉ làm giảm tính nghiêm trọng của hành vi mà còn không giúp người gây xung đột học cách xử lý tình huống một cách phù hợp, dẫn đến khả năng tái diễn…
Bạo lực khiến nạn nhân lại trở thành người có lỗi
Nhìn ở góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn, Công ty Luật E&D cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những cuộc ẩu đả, gây thương tích nghiêm trọng khi mâu thuẫn trong quá trình tham gia giao thông hoặc những mâu thuẫn khác trong đời thường chỉ do những va chạm nhỏ.
Tuy nhiên người trong cuộc thiếu kiểm soát cảm xúc và hành vi dẫn đến động tay động chân. Hành vi này sẽ bị xem xét là hành vi mang tính côn đồ, hung hăng, coi thường pháp luật, thiếu kiềm chế và không chuẩn mực. Tùy mức độ, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, hành vi đánh người sau khi va chạm có thể xem là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác, có thể bị phạt tiền từ 5 triệu tới 8 triệu đồng, đồng thời buộc chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho người bị đánh.
Mặt khác, hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác, theo điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Khi đó, khung hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm, và cao nhất có thể lên tới chung thân.
Hoặc nhẹ hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng, nhẹ nhất là bị phạt tiền 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 2 năm, cao hơn có thể tới 7 năm tù.
“Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp do nhận thức chưa đầy đủ, không hiểu rõ hết các quy định của pháp luật, do tâm lý bức xúc bởi những hành vi sai trái của đối phương, nên đã không kiềm chế được cảm xúc và hành vi dẫn đến có sự xô xát sau va chạm giao thông hoặc đánh ghen, thậm chí có trường hợp dẫn đến nạn nhân tử vong” – theo luật sư Đỗ Thị Thanh Nhàn.
Nhiều trường hợp từ “nạn nhân” (những chị vợ đi đánh ghen) lại trở thành người bị xử lý (hành chính hoặc hình sự) do những hành vi vi phạm pháp luật trong lúc nóng giận gây ra…
(Còn nữa)
Còn theo các chuyên gia tâm lý, một số người khi bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, bị dư luận chỉ trích... thì giải thích hành vi đánh người, ẩu đả là do áp lực cuộc sống. Nhưng các chuyên gia cho rằng, áp lực cuộc sống là điều mà bất cứ ai cũng phải đối mặt. Vậy nên không thể dùng nó như một lý do biện hộ cho hành vi bạo lực, bởi điều này không chỉ làm tổn hại đến người khác mà còn phá vỡ các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.