Kỳ 3: Để Đề án 06 trở thành trụ cột bền vững của chuyển đổi số

Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là tiếng gọi thiêng liêng và là nhiệm vụ cao cả của mỗi chiến sỹ Công an Lai Châu trên mảnh đất biên cương đầy gian khó. Song, dẫu có gian nan, nhọc nhằn đến đâu, lực lượng Công an tỉnh cũng không quản, quyết tâm hoàn thành việc cấp căn cước công dân (CCCD) và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với mục tiêu: Không để vùng biên đi sau đồng bằng.

Lấy dân làm gốc - không để ai ở lại phía sau
Điểm nổi bật trong quá trình triển khai chiến dịch cấp CCCD chính là lực lượng Công an luôn lấy người dân làm trung tâm. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, Công an các huyện, xã đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, xây dựng danh sách theo từng thôn bản, từng nhóm đối tượng đặc thù như: người cao tuổi, người khuyết tật, người dân không biết tiếng phổ thông...
Công an xã Hua Bum - một xã vùng sâu giáp biên giới của huyện Nậm Nhùn đã phối hợp với các lực lượng khác thực hiện hàng chục đợt cấp CCCD lưu động, trong đó có những đêm trắng làm việc liên tục để đảm bảo kịp tiến độ. “Dân bản quý lắm, thấy Công an lên làm căn cước thì mang gà, mang măng rừng ra cảm ơn. Có người chưa từng có giấy tờ tùy thân, lần đầu tiên được làm CCCD, bà con vui lắm!” - Thượng úy Giàng A Chu (cán bộ Công an xã) chia sẻ đầy xúc động. Còn trong mắt người dân bản Huổi Lạ (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè) - anh Giàng A Páo thì: “Người Mông mình quý người nào giúp dân thật lòng. Công an đi bộ vào bản, có khi trời mưa, bùn đất, người ướt hết mà vẫn làm đến khuya. Có lần tôi thấy chú công an trẻ bị trượt chân, rách cả áo, vậy mà vẫn tiếp tục làm hồ sơ cho bà con. Bà con ủng hộ, thương cán bộ, còn mời cán bộ ở lại ăn cơm, ngủ lại nhà nữa”.
Đến hết năm 2023, 100% công dân đủ điều kiện trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh đã được cấp CCCD gắn chip điện tử. Không chỉ là tấm thẻ định danh, CCCD, còn là “chìa khóa” mở cánh cửa đến với các dịch vụ công hiện đại, tiện lợi.
Cùng với việc cấp CCCD, lực lượng công an đã góp phần quan trọng là “làm sạch” dữ liệu dân cư, cập nhật thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Lực lượng Công an tỉnh đã rà soát, đối chiếu hàng triệu trường thông tin với các cơ sở dữ liệu khác (bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch...). Đồng thời khẩn trương khắc phục sai lệch, bổ sung thiếu sót, đảm bảo mỗi công dân có một mã định danh duy nhất, dữ liệu “đúng - đủ - sạch - sống”.
Thành tích bước đầu, hành trình còn dài
Hiện tại, lực lượng Công an đang quản lý thông tin công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của 105.644 hộ, 498.212 nhân khẩu đăng ký thường trú, 4.876 hộ, 13.417 nhân khẩu đăng ký tạm trú. Công an tỉnh đã chỉ đạo công an cơ sở quyết liệt triển khai các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư và phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện làm sạch dữ liệu chuyên ngành. Theo đó, đã đồng bộ được 438.782/443.198 người đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (đạt 99%). Đến nay đã xác thực được 149.789/150.009 dữ liệu học sinh (đạt 99,9%) và 11.224/11.224 dữ liệu giáo viên, công nhân viên (đạt 100%). 118/118 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tra cứu, khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, căn cước; đã kích hoạt 191.723 tài khoản định danh điện tử. Dữ liệu lao động đã thu thập được 266.683/297.041 phiếu (đạt 89,78%); đã chi trả qua tài khoản là 5.935/6.484 (chiếm 91,5%) và 37,8% tổng số người được hưởng chế độ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ, chiến sỹ Công an Lai Châu đến trực tiếp gia đình các cháu khuyết tật để làm căn cước cho công dân.

Cán bộ, chiến sỹ Công an Lai Châu đến trực tiếp gia đình các cháu khuyết tật để làm căn cước cho công dân.

Bằng tất cả sự tận tâm, tận tình của các lực lượng, đặc biệt là lực lượng công an, tỉnh Lai Châu được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ làm sạch và đồng bộ dữ liệu cao, được Bộ Công an ghi nhận và đánh giá tích cực. Đánh giá toàn diện về những đóng góp nổi bật của lực lượng công an trong thực hiện Đề án 06 và triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu dân cư và CCCD gắn chip (còn gọi là căn cước), Đại tá Lê Anh Hưng - Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Cơ sở dữ liệu dân cư đã và đang được khai thác hiệu quả để phục vụ quản lý nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, minh bạch. Chiến dịch cấp CCCD và thực hiện Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã hoàn thành những mục tiêu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, điều quan trọng hơn là tiếp tục duy trì, khai thác hiệu quả các kết quả đạt được, phục vụ trực tiếp đời sống người dân và nhiệm vụ phát triển của tỉnh. Hiện nay, lực lượng Công an tỉnh đang tích cực phối hợp với các sở, ngành để thúc đẩy ứng dụng dữ liệu dân cư trong các lĩnh vực trọng điểm, đẩy mạnh cấp tài khoản định danh điện tử (VNeID), hướng dẫn người dân sử dụng căn cước để thực hiện các dịch vụ phục vụ đời sống thời đại công nghệ số hiện nay.
Những thách thức
Với bộn bề khó khăn của một tỉnh miền núi, Lai Châu đối mặt với không ít thách thức: hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng đều, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Trình độ công nghệ số của người dân và cán bộ cơ sở còn hạn chế. Thói quen làm việc thủ công, giấy tờ vẫn còn phổ biến trong hành chính địa phương. Tâm lý ngại thay đổi, e ngại công nghệ trong một bộ phận cán bộ, người dân.
Về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, do nhiều xã vùng sâu, vùng xa, biên giới chưa có kết nối internet ổn định hoặc không có sóng di động, ảnh hưởng đến việc khai thác dữ liệu và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Trang thiết bị phục vụ xác thực điện tử, định danh số còn thiếu, đặc biệt tại cấp xã. Mặt khác, Lai Châu còn có rào cản về nhận thức và trình độ dân trí. Một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc, người cao tuổi chưa quen với công nghệ số, chưa nhanh nhạy trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến, định danh điện tử. Khó khăn trong việc tuyên truyền bằng tiếng phổ thông, phải có lực lượng cán bộ biết tiếng dân tộc địa phương để vận động, giải thích.
Nhân lực và áp lực công việc cũng là cản trở lớn khi lực lượng công an xã, công an bán chuyên trách còn mỏng, phải "gánh" nhiều nhiệm vụ cùng lúc, nhất là tại địa bàn rộng, dân cư phân tán. Cán bộ công an phải làm việc cả ngoài giờ, đi bộ hàng chục cây số vào bản để thu thập, cập nhật dữ liệu, cấp căn cước, hỗ trợ kích hoạt VNeID... Điều này được chị Lò Thị Xinh, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Dào San (huyện Phong Thổ) nêu: Tôi mong Nhà nước tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng số cấp xã, tăng cường đào tạo công nghệ thông tin cho cán bộ cơ sở, và đặc biệt là có chính sách động viên lực lượng công an, cán bộ tư pháp làm việc ở vùng sâu, vùng xa. Bởi ở đây, mỗi cán bộ là một “trạm dịch vụ công di động” - mang cả niềm tin và sự công bằng đến cho người dân”.
Mặc dù còn đó những khó khăn song từ những kết quả ban đầu đến tầm nhìn dài hạn, có thể khẳng định, với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành và sự đồng thuận của người dân, Lai Châu hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu về chuyển đổi số khu vực miền núi phía Bắc, trong đó Đề án 06 là trụ cột quan trọng. Tương lai không xa, chính quyền số, xã hội số và công dân số tại Lai Châu sẽ không còn là khái niệm trên giấy, mà là thực tiễn sống động trong từng ngôi nhà, từng bản làng - nơi công nghệ số thực sự phục vụ cuộc sống, vì con người, do con người và vì một Lai Châu phát triển bền vững, hiện đại, nhân văn.

Thu Trang - Xuân Hòa Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/van-de-hom-nay/ky-3-de-de-an-06-tro-thanh-tru-cot-ben-vung-cua-chuyen-doi-so-559227
Zalo