Kỳ 3: Chung tay xóa tan 'mây mờ'

Những người lính mang quân hàm xanh lấy nhiệm vụ bảo vệ biên giới làm trọng tâm cốt lõi; xây dựng thế trận lòng dân, giúp dân an cư yên tâm bám đất, giữ vững đường biên mốc giới là nhiệm vụ thường xuyên. Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng (BĐBP) Lai Châu còn góp sức, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị mang ánh sáng văn hóa đến với mảnh đất biên cương, xóa tan những đám mây mờ của đói nghèo, lạc hậu.

Kỳ 1: Trọn lời thề

Kỳ 2: Hai chữ “vì dân”

Dưới chân Sơn Bạc Mây
Sơn Bạc Mây là đỉnh núi cao, bao bọc lấy đồn biên phòng và 153 hộ dân đồng bào dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ). Cái tên Sơn Bạc Mây nghe đã thấy thơ mộng, trữ tình, nhưng ít ai biết được rằng khoảng 20 năm về trước, người dân nơi đây chìm trong những cơn say mà phải mất hàng thập kỷ mới có thể dứt ra.
Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ len lỏi dưới những vườn đào tươi tốt, chúng tôi ngược dốc lên thăm cơ sở rèn gia truyền của gia đình ông Vàng A Dinh. Dừng tay sau những tiếng búa đóng chan chát, A Dinh xa xăm nhớ lại những năm tháng tăm tối của đời mình: “Ngày đó, những cánh rừng trước mặt tôi chỉ là những đồi thuốc phiện. Nhà nào cũng trồng, trồng để hút như hút thuốc lào vậy. Lúa, ngô, sắn có thể không trồng nhưng thuốc phiện phải có. Không có không được. Ngoài ra còn cái món “men rượu”, vừa hút thuốc phiện, vừa uống rượu, uống say mới thôi” - A Dinh hồi tưởng lại ký ức một cách sinh động.
Sau nhiều lần trốn biệt vào rừng để cai nghiện theo cách của riêng mình, A Dinh đều cai không thành, thậm chí tự giác tìm đến trung tâm cai nghiện của tỉnh, đến trụ sở xã với hy vọng từ bỏ được nàng tiên nâu nhưng đều thất bại. Mỗi lần nhìn cảnh 7 đứa con nheo nhóc, bữa cơm chỉ có củ sắn, củ mài, vợ gầy rộc, phờ phạc, tôi cũng đặt quyết tâm cao để cai nghiện. Rồi các anh BĐBP, cán bộ xã cứ tối tối lại đến nhà thăm hỏi, trò chuyện, tuyên truyền, phân tích về tác hại của thuốc phiện, của nghiện rượu; các anh còn bảo nếu giúp được gì sẽ giúp hết sức để tôi từ bỏ cái chất ma quái đó. Tôi còn nhớ mãi câu nói: “Bỏ thuốc thì mới có gia đình, có tương lai, làm lại cuộc đời được. Mình là đàn ông, đừng để vợ con khổ”. Thế rồi lại bao nhiêu ngày tháng vật lộn, quay cuồng đấu tranh vượt qua chính mình, năm 2004, tôi mới chính thức bỏ hẳn. Bỏ xong, gia đình tôi chuyển nhà đi nơi khác làm lại từ đầu, quên hết dấu vết xưa đầy tăm tối.
“Những ngày đầu trên vùng đất mới, cán bộ biên phòng đến giúp chúng tôi dựng nhà, hướng dẫn nuôi gà, lợn, trâu, bò… Gia đình tôi làm theo, dần dần kinh tế vực dậy và bắt đầu làm du lịch theo phong trào của bản. Giờ các con tôi làm homestay phục vụ khách du lịch, tôi rèn dao cho vợ bán ở chợ phiên; trồng thảo quả, sơn tra, lúa, ngô bán cho thương lái và phục vụ đủ nhu cầu của gia đình” - A Dinh kể câu chuyện cuộc đời mình như một thước phim quay chậm. Ngày nay, người dân trong bản nhắc đến A Dinh như một tấm gương can đảm chiến thắng sự cám dỗ của nàng tiên nâu để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng (huyện Mường Tè) giúp người dân Hà Nhì treo ảnh Bác Hồ.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng (huyện Mường Tè) giúp người dân Hà Nhì treo ảnh Bác Hồ.

Sin Suối Hồ ngày nay trở thành điểm du lịch có sức hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Mọi người nhớ đến Sin Suối Hồ - một bản người Mông với lối sống văn minh, tiến bộ nhưng vẫn giữ gìn được những nét đẹp truyền thống của tổ tiên. Trong sự thành công đó, bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn in đậm hình bóng của những người lính biên phòng luôn ngày đêm trăn trở, vận động, giúp đỡ bà con nơi đây vượt qua đói nghèo, lạc hậu, chung sức, chung lòng xây đắp cuộc sống mới, tốt đẹp hơn. Trưởng bản Vàng A Chỉnh khi nói đến phát triển du lịch, ánh mắt anh vẫn sáng lên lấp lánh: Bây giờ, Sin Suối Hồ đã rũ bỏ chiếc áo cũ ngày xưa, khoác lên mình một màu áo hoa sặc sỡ với đa dạng cách làm du lịch, phong phú về văn hóa bản địa và là điểm sáng của văn hóa người Mông. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, BĐBP đã giúp chúng tôi nhận ra đâu là ánh sáng, đâu là bóng tối, sống có nguyên tắc, kỷ luật, đoàn kết, đồng lòng, từ đó đã làm nên thương hiệu của bản “5 không”: Không uống rượu, hút thuốc; không bạo lực gia đình; không trộm cắp; không xả rác bừa bãi; không thả rông gia súc, gia cầm. Nhà nào cũng sạch sẽ không gợn rác, an ninh trật tự đảm bảo tuyệt đối đã giúp bản tạo thành thương hiệu là điểm đến lý tưởng của du lịch Đông Nam Á.
Hướng về phía mặt trời
Dân tộc Mảng có 653 hộ dân, trên 3.100 nhân khẩu cư ngụ tại 15 bản thuộc các xã: Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải, Nậm Pì và Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn). Câu chuyện “nhà có cây đu đủ giàu nhất bản” đã trở thành câu chuyện phiếm của nhiều người. Nhưng điều đó phần nào vẫn còn “dấu vết” của những khó khăn, tệ nạn và hủ tục ở vùng đồng bào này. Đó là lý do vì sao Thiếu tá Bùi Văn Hoàn - cán bộ Đồn Biên phòng Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) được tổ chức phân công tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Ban. Những câu chuyện đầy trăn trở mà anh tâm sự với chúng tôi đã hiện lên bức tranh một thời nơi đây hủ tục vây quanh, đói nghèo bám lấy. Và bây giờ là cuộc sống mới với nhiều niềm hy vọng mới.
Hủ tục đầu tiên ở đây phải gọi tên “lá ngón”. Người dân nơi đây hiểu biết ít, va chạm xã hội hạn hẹp, tư duy hạn chế. Chỉ cần bực bội, không hài lòng chuyện gì đều có thể tìm đến lá ngón như một liệu pháp giải tỏa tinh thần. Nhưng khổ nỗi, hành động dại dột ấy lại dẫn đến hậu quả khôn lường chứ không đơn giản chỉ giải tỏa cơn bực tức, mà là tự tìm đến “con đường chết”. Chính sai lầm đó đã có những cái chết tức tưởi, oan uổng, “lãng xẹt”. Thêm vào đó, tục uống rượu một thời cũng là vấn nạn ở Nậm Ban. Chẳng cần “đồ nhắm”, đàn ông, đàn bà, thanh niên, người già có thể uống rượu ngày qua ngày, vùi trong những cơn say, cơn mê, không lúc nào tỉnh táo để ra khỏi nhà, đi lao động, sản xuất.
Sự việc diễn ra triền miên và không ai thấy đó là điều khác thường. Tiếp cận địa bàn ở nhiệm vụ, trọng trách mới, Thiếu tá Bùi Văn Hoàn sau nhiều đêm trăn trở nghĩ suy đã tìm ra cách là thành lập đội tuần tra ban đêm. Theo đó, đội sẽ đề ra quy định người dân không được gây ồn ào quá khuya làm ảnh hưởng đến an ninh bản và cuộc sống của các gia đình khác. Muốn làm tốt việc này, anh Hoàn đã chỉ đạo xã đưa vào quy ước của các bản và làm căn cứ bình xét thi đua gia đình văn hóa hằng năm. Bằng nhiều cách tuyên truyền vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn dựa trên việc tạo dựng niềm tin với nhân dân, đến nay, hủ tục uống rượu đã giảm, không còn cảnh uống rượu gây rối trật tự; những cây lá ngón gây chết người đã được bà con nhổ bỏ, thay thế vào đó là những cánh rừng trồng quế xanh tốt, nhiều nhất là ở bản Nậm Ô, Nậm Vạc. “Khi cán bộ biên phòng xây dựng được thế trận lòng dân vững chãi, thì việc nhỏ hay lớn đều được người dân tin tưởng báo cáo. Phụ trách công tác đảng nhưng từ những việc nhỏ nhất như: mất điện, mất nước, mất trộm tài sản hay có người lạ ra, vào bản, bà con cũng báo cho tôi” - Thiếu tá Hoàn không giấu nổi niềm tự hào.
Niềm tin đó còn được thể hiện rõ qua sự việc ngày 31/8 vừa qua, một cặp vợ chồng từ thành phố Lai Châu vào bản Nậm Vạc 2 hỏi vợ cho con (có kèm sính lễ). Thấy có người lạ vào bản, người dân thông tin cho cán bộ xã cùng xuống nắm tình hình thì được biết, người con gái đang được nhà trai đến dạm hỏi đó mới tròn 17 tuổi. Cán bộ xã, trưởng bản, bí thư chi bộ bản đã đến nhà phân tích cho bố mẹ hai bên hiểu là con gái chưa đủ tuổi lấy chồng theo Luật Hôn nhân và Gia đình nên sẽ không đủ điều kiện đăng ký kết hôn. Nếu cứ lấy nhau, sinh con thì con sẽ không được đăng ký khai sinh. Sau khi vận động, tuyên truyền, giải thích, cả 2 bên gia đình và cặp đôi hiểu ra và cảm ơn cán bộ vì nếu không được giải thích thì đã vô tình vi phạm pháp luật.
Trên những nẻo đường dẫn về phía ánh mặt trời, nhiều đơn vị biên phòng đã có những việc làm khác nhau hướng người dân đến cuộc sống mới. Ở địa bàn Lai Châu, nhiều nơi do thiếu hiểu biết, bà con chữa bệnh bằng cách “làm lý” trước khi đưa đến cơ sở y tế. Nhưng những nhân viên quân y các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh đã dùng cách thức điều trị khoa học “phá tan” cái “lý” thật vô lý đó. Những người lính mang quân hàm xanh còn tham gia “gieo chữ” trên những đỉnh non ngàn, được bà con tặng cho cái tên thân thương: “thầy giáo biên phòng”. Bao nhiêu lần xuống với dân, các anh lại mang thêm một cái mới: tư duy mới, việc làm mới. Khi thì hướng dẫn người dân dọn dẹp nơi ở, khơi thông cống rãnh, cải tạo vườn tạp, trồng cây; khi lại giúp người dân treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ ở những nơi trang trọng nhất.
Những việc làm của lực lượng BĐBP đã và đang thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy Lai Châu về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030. Nghị quyết ban hành phù hợp với tính cấp thiết trong đời sống, do đó nhận được sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, trong đó lực lượng bộ đội biên phòng đóng vai trò tích cực, có ý nghĩa đặc biệt với đồng bào các xã vùng biên.
Những người lính ấy cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của đồng bào với những việc tưởng chừng như “chẳng liên quan gì đến công tác biên phòng”, thế nhưng lại làm sáng lên những vùng quê biên giới.
Mùa này trên những triền đồi miền biên viễn Lai Châu bắt đầu vàng rực màu hoa dã quỳ. Cái lạnh hanh hao với gió, với nắng biên thùy không khỏi chạnh lòng những người lính xa quê khi trời bắt đầu vào đông. Thế nhưng “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, chúng tôi tin những người lính biên phòng luôn chắc tay súng, vững niềm tin để toàn Đảng, toàn dân được đón thêm những mùa xuân tươi đẹp, ấm áp và tràn đầy hy vọng mới ở tương lai.

Bạch - Vương - Trang

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ninh-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng/k%E1%BB%B3-3-chung-tay-x%C3%B3a-tan-m%C3%A2y-m%E1%BB%9D
Zalo