Kỳ 2: Tài nguyên hữu hạn - tiêu thụ vô hạn

Tình trạng sa mạc hóa đã trở thành nỗi lo toàn cầu. Trong khi Liên hợp quốc (LHQ) từng cảnh báo 'quá trình này đã trở thành một trong những thách thức môi trường lớn nhất của thời đại chúng ta' thì từ lâu, các chuyên gia đã nhận thấy sa mạc hóa là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, môi trường… của nhiều nước trên thế giới.

Những con số báo động

Có thể hiểu tài nguyên hữu hạn là khi tình trạng đất đai bị đe dọa do nhiều nguyên nhân, trong đó mỗi năm có khoảng hơn 12 triệu héc-ta đất mất vì nhiều lý do và theo ước tính, mỗi phút lại mất thêm nhiều mẫu đất, diện tích đất lành bị suy thoái mỗi phút tương đương 4 sân bóng đá và số bị suy thoái mỗi năm lên tới 100 triệu héc-ta, chất dinh dưỡng có trong đất dần cạn kiệt dẫn đến mất khả năng sản xuất. Nguyên nhân có nhiều, trong đó chủ yếu là mất rừng tự nhiên do khai thác, đốt phá, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy; ngoài ra còn tình trạng khai thác bừa bãi mỏ quặng và than cũng dẫn đến sa mạc hóa cục bộ.

Càng đáng báo động hơn khi theo thống kê, số thực phẩm nhiều nơi trên thế giới đang lãng phí mỗi năm tương đương với năng lực sản xuất từ 1,4 tỷ héc-ta đất. Và với số liệu đáng báo động về tình trạng đất đai hiện nay, tính đến năm 2030 thế giới cần thêm hàng trăm triệu héc-ta dành cho sản xuất lương thực mới có thể bảo đảm vấn đề an sinh. Nhưng đất chẳng thể sinh sôi, dẫn đến chất lượng cuộc sống, môi trường ngày càng xấu đi đồng thời đe dọa đến sự phát triển bền vững.

Trong bài phát biểu nhân Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6/2024), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trăn trở, do tình trạng dân số ngày càng tăng trong khi sản xuất không bền vững dẫn đến nhu cầu ngày càng cao về tài nguyên thiên nhiên, gây áp lực lớn lên đất đai dẫn đến suy thoái. Bên cạnh đó, sa mạc hóa cũng khiến hàng chục triệu người có nguy cơ phải di dời, mà theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu.

"Phục hồi đất" cũng được LHQ xem là mục tiêu hàng đầu nhân kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 và là một trong những mục tiêu chính của Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của tổ chức này (giai đoạn 2021-2030).Qua đó giúp ngăn chặn tình trạng suy thoái đất, làm chậm biến đổi khí hậu và giúp giảm nghèo.

Một hồ chứa ở Tây Ban Nha cạn trơ đáy vào tháng 7/2023 Ảnh : AFP

Một hồ chứa ở Tây Ban Nha cạn trơ đáy vào tháng 7/2023 Ảnh : AFP

Với nhận định "khả năng giữ nước cao của đất sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt" và nếu nhiệt độ trái đất ngày càng tăng, phần lớn diện tích đất liền sẽ dần biến thành sa mạc, Liên minh Châu Âu (EU) đã kêu gọi chiến lược phục hồi đất mang tính căn cơ "đất khỏe mạnh phải có khả năng chống biến đổi khí hậu tốt hơn" đồng thời nhấn mạnh tình trạng sa mạc hóa còn là một trong những trở ngại chính trong việc bảo đảm các nhu cầu tối thiểu của con người.

Châu Phi và "bức tường xanh vĩ đại"

Báo cáo tình trạng tổn thương do biến đổi khí hậu năm 2018, trong số 10 thành phố chịu nhiều rủi ro nhất do nguyên nhân này có 8 đại diện của "lục địa đen". Trước thực trạng trên, lãnh đạo 17 quốc gia vùng Sahel của châu lục này đã thảo luận về "kế hoạch đầu tư khí hậu" trị giá gần 400 tỷ đôla trong giai đoạn 2018-2030, gồm thực hiện chương trình ưu tiên, tập trung vào những dự án hỗ trợ các nước chống sa mạc hóa, cũng như các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.

Trước đó, năm 2007, 11 quốc gia Châu Phi từng ký kết dự án mang tên "Bức tường xanh vĩ đại" với mức đầu tư 2 tỷ đôla nhằm tái phát triển rừng, chống tình trạng sa mạc hóa ở Sahel và hiện đã có hơn 20 quốc gia chung tay thực hiện, tạo ra phòng tuyến cây dài trên 7.700 km trải dài qua lãnh thổ Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Sudan, Chad, Niger, Nigeria, Mali, Burkina Faso, Mauritania, Senegal. "Vạn lý trường thành xanh" này giúp che phủ gần 900.000 héc-ta cây trồng, trở thành vành đai bao bọc "lục địa đen" chống lại tình trạng sa mạc hóa, góp phần giúp cuộc sống người dân khởi sắc thêm.

NGUYỄN XUÂN (theo Toutiao)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-2-tai-nguyen-huu-han-tieu-thu-vo-han_169546.html
Zalo