Kỳ 2: Những số phận bi thảm nơi 'địa ngục trần gian'

Theo Liên hợp quốc, có hàng trăm ngàn người đã bị buôn bán vào khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Myanmar, Campuchia và Lào, từ các chiêu trò lừa đảo tuyển dụng. Đáng quan ngại hơn nữa là những nạn nhân này đã phải trải qua quãng thời gian dài 'sống không ra sống' trong những nơi mà theo họ chẳng khác nào 'địa ngục trần gian'.

Chia sẻ với giới truyền thông sau khi được giải thoát khỏi các trung tâm lừa đảo vùng biên giới, hầu hết các nạn nhân cho biết ngoài bị đánh đập, tra tấn bằng điện, việc "bị ép làm việc" trong các "ổ nhền nhện" mới trở thành nỗi ám ảnh đeo bám họ cả ngày lẫn đêm. Lừa đảo hẹn hò trực tuyến, gian lận tiền điện tử, lừa đảo đầu tư cùng hàng loạt hình thức khác được thực hiện trong những căn phòng tách biệt kiểu "giam lõng" để các nạn nhân buộc phải tìm kiếm con mồi qua mạng như... vật thế thân, làm việc kiệt sức không lương tới gần 20 tiếng mỗi ngày! Nếu không hoàn thành có người phải bò trên nền đá cho đến khi đầu gối tóe máu, ốm cũng không được nghỉ. Trong cơn quẫn bách, nhiều người nảy sinh ý định bỏ trốn nhưng không thể thoát khỏi "địa ngục trần gian".

Nhiều khu phức hợp ở những nơi chính phủ khó kiểm soát mọc lên, nhưng ẩn sau vẻ hào nhoáng là hoạt động tội phạm tinh vi đánh vào lòng tham của con người với những lời quảng cáo "có cánh" trên mạng xã hội về việc đổi đời. Chiêu dụ được con mồi, các đối tượng sẽ cung cấp vé máy bay đến Myanmar, Campuchia, Lào... trước khi rơi vào "bẫy". Tất cả không đủ tỉnh táo để nhận thức được đó chỉ là những lời hứa suông trong khi cái giá phải trả quá đắt: Đằng sau những lời hứa hẹn có thể là cạm bẫy bị bóc lột, tra tấn, thậm chí phải bỏ mạng nơi xứ người.

Một khu phức hợp tại Myanmar gần biên giới Thái Lan. Ảnh: Reuters

Một khu phức hợp tại Myanmar gần biên giới Thái Lan. Ảnh: Reuters

Anh Nayah (21 tuổi, quốc tịch Bangladesh) được giải cứu khỏi khu phức hợp lừa đảo kể lại: "Chúng tôi phải tìm cách moi tiền khách hàng thông qua những lời đường mật, lừa đảo những người đàn ông qua ứng dụng tin nhắn tin như WhatsApp; nếu không, chúng tôi sẽ chịu phạt bằng đòn roi". Nằm trong số nạn nhân Trung Quốc thoát khỏi "địa ngục trần gian", anh Lưu mô tả hình phạt kinh hoàng gồm cả chà mặt xuống tấm lưới kim loại trên sàn, có người mất tay, chân vì bị tra tấn do "làm việc kém".

Trường hợp Ahmed (26 tuổi, nạn nhân đến từ Ethiopia) càng xót xa hơn khi được bạn cũ mời sang Lào làm việc với mức lương 500USD/tháng, trong khi nơi quê nhà chỉ khoảng 24USD. Gom đủ 1.600USD, Ahmed lên đường và rơi vào đường dây lừa đảo, bị đưa sang Myanmar và bị buộc phải trả 5.000USD để đổi lấy tự do. Các trung tâm lừa đảo ngày càng nhắm đến người châu Phi, bởi họ khao khát việc làm và có kỹ năng sử dụng công nghệ cao. Các nạn nhân bị đưa đến một khu trại tồi tàn, tường còn vấy máu. Khi về đến nhà, Ahmed phát hiện người thân đã xoay xở 2.000 USD để chuộc anh.

Câu chuyện của hàng trăm nạn nhân chính là lời cảnh tỉnh cho những ai đang mơ mộng về "việc nhẹ, lương cao" ở nước ngoài. Các nhóm buôn người thường nhắm vào những nạn nhân có lợi thế về kỹ năng công nghệ để buộc họ lừa đảo qua mạng. Càng đáng lo hơn là khi bị triệt phá, các băng nhóm nhanh chóng dời hang ổ với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

NGUYỄN XUÂN (theo The National, Bangkok Post)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/ky-2-nhung-so-phan-bi-tham-noi-dia-nguc-tran-gian_177670.html
Zalo