Kỳ 2: 'Hệ sinh thái' của bà Nguyễn Thị Út Em và Trường AISVN có gì?

Dư luận đặc biệt quan tâm tới các động thái và nhất là 'hệ sinh thái' của bà chủ Trường AISVN với rất nhiều thông tin bất ngờ…

"Hệ sinh thái giáo dục" nợ chồng chất

Hiện nay, bà Nguyễn Thị Út Em vẫn đang bị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh vì lý do nợ thuế thu nhập cá nhân. Thông tin này được UBND TP Hồ Chí Minh đề cập trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Trường AISVN.

Khu đất mà Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trúng đấu giá với giá gần 200 tỷ đồng nhưng chưa thể nhận tài sản của mình.

Khu đất mà Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trúng đấu giá với giá gần 200 tỷ đồng nhưng chưa thể nhận tài sản của mình.

Bà Nguyễn Thị Út Em (SN 1963, quê Vĩnh Long) ngoài là Chủ tịch Hội đồng Trường AISVN còn đang sở hữu/đại diện hay liên quan hàng loạt doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái chủ yếu liên quan đến lĩnh vực giáo dục với những cái tên na ná nhau: Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ (sở hữu Trường AISVN), Công ty Cổ phần Đầu tư Đại học quốc tế Mỹ, Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục quốc tế, Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Mỹ, Chi nhánh Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ (AIS), Trường AISVN…

Tuy nhiên, hiện hệ thống này được cho là đang nợ nần, thua lỗ. Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Mỹ, có địa chỉ trụ sở tại 209/21B Tôn Thất Thuyết, phường 3, quận 4, có giấy phép đăng ký kinh doanh từ 11/1/2018, chủ sở hữu người đại diện pháp luật bà Nguyễn Thị Út Em (địa chỉ tại 76 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3). Công ty này có ngành nghề chính là giáo dục nhà trẻ.

Tại địa chỉ 209/21B Tôn Thất Thuyết có trụ sở của Công ty Cổ phần Đầu tư Đại học quốc tế Mỹ, được thành lập vào ngày 7/3/2017, cũng có người chủ sở hữu/đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Út Em.

Ngoài ra, hàng loạt công ty khác đều có địa chỉ trụ sở tại 209/21B Tôn Thất Thuyết. Riêng Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ (sở hữu Trường AISVN) có trụ sở tại 220 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, thành lập vào ngày 15/10/2018, có ngành nghề chính là giáo dục tiểu học.

Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ khi mới thành lập có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Út Em nắm 90% vốn, ông Hồ Quang Trung nắm 9,9% và ông Hồ Quang Tri nắm 0,1%. Bất ngờ, ít ngày sau đó (ngày 25/10/2018), công ty này đã nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, gấp 20 lần số vốn ban đầu.

Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ ghi nhận doanh thu thuần hơn 482 tỷ đồng năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 100 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu thuần công ty tăng nhẹ gần 3%, đạt gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gánh nặng chi phí tài chính cao, kết quả công ty báo lỗ hơn 300 tỷ đồng.

Trong năm 2022, mặc dù doanh thu của Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ giảm mạnh, tới 46% đạt gần 268 tỷ đồng, song lại thu hẹp được khoản lỗ, khi ghi nhận ở mức âm 176 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2022, công ty ghi nhận thêm khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn 1.923 tỷ đồng, nợ vay tài chính ngắn hạn gần 252 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 1/2024, Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ đã nợ 9 tháng BHXH, với tổng số tiền chậm đóng là hơn 200 triệu đồng. Chi nhánh Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIS) - Trường AISVN nợ 26 tháng BHXH, với số tiền chậm đóng là 11,5 tỷ đồng. Chưa hết, Trường AISVN còn nợ lương, các khoản phúc lợi khác của giáo viên, người lao động nhiều tháng, khiến họ đồng loạt đình công, dẫn tới khoảng 1.400 học sinh phải nghỉ học gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Đến nay, Trường AISVN vẫn chưa có phương án cụ thể về tài chính để có thể quay trở lại hoạt động bình thường. Trong khi phụ huynh cho rằng, ẩn dưới các vỏ bọc "Hợp đồng cho vay", hoặc "Hợp đồng góp vốn đầu tư"... tổng số tiền mà trường đã huy động và đang nợ tiền của họ lên đến hơn 3.200 tỷ đồng...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ (sở hữu Trường AISVN) còn 1 lô trái phiếu (AIECH2224002) phát hành ngày 8/9/2022, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 10,5%/năm. Tổng giá trị theo mệnh giá đang lưu hành gần 318 tỷ đồng và Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) là đại lý lưu ký thanh toán cho lô trái phiếu này. Ngày 20/9/2023, PSI cho biết Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ đã không thanh toán đầy đủ đúng hạn tiền lãi vào ngày đến hạn thanh toán và không thể khắc phục được trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn…

Bà Nguyễn Thị Út Em trong một lần trao đổi với báo chí vào tháng 7/2024.

Bà Nguyễn Thị Út Em trong một lần trao đổi với báo chí vào tháng 7/2024.

Bà chủ trường dính vào hàng loạt vụ lùm xùm, kiện cáo

Công ty CP Quản trị Tài nguyên Tri Thức (IRM, thành lập năm 2010) - doanh nghiệp mà bà Nguyễn Thị Út Em cùng các cổ đông Hồ Quang Tri, Hồ Quang Trung sở hữu, với tỷ lệ lần lượt là 80%, 0,1% và 19,9% (hiện ông Hồ Quang Trung đang là người đại diện pháp luật của công ty này) đã bị Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn khởi kiện ra TAND quận 12 vì hành vi chiếm giữ tài sản trái pháp luật.

Theo tài liệu, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn tham gia đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất, tại lô số 14 của Công ty IRM vào ngày 11/9/2020 khi công ty đấu giá hợp danh Mộc An Thịnh tổ chức đấu giá tài sản.

Có 2 đơn vị tham giá đấu giá là Trường Cao đẳng Quốc tế Cetana PSB Intellis và Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn. Mức giá khởi điểm là 190,63 tỷ đồng. Sau 2 lượt trả giá, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trúng đấu giá tài sản này ở mức giá 191,03 tỷ đồng. Tuy vậy, sau phiên đấu giá, phía Công ty IRM không bàn giao tài sản mà vẫn chiếm giữ, đồng thời cũng kiện Công ty đấu giá hợp danh Mộc An Thịnh ra TAND quận Gò Vấp, để yêu cầu hủy kết quả đấu giá.

Lần lượt TAND quận Gò Vấp, rồi TAND TP Hồ Chí Minh đều tuyên xử "Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty IRM". Dù Tòa phúc thẩm đã tuyên và yêu cầu Công ty IRM bàn giao tài sản nhưng phía doanh nghiệp này vẫn chây ì không thực hiện…

Vào tháng 5/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thông báo với Công ty IRM và bà Nguyễn Thị Út Em về việc thu giữ 5.646m2 đất và tài sản gắn liền với đất tại lô số 14, Công viên Phần mềm Quang Trung, quận 12 để xử lý thu hồi nợ. Lô đất kể trên sau đó được SCB đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 191 tỷ đồng. Và đơn vị trúng đấu giá đã phải trầy trật đi đòi tài sản cho đến nay…

Trường AISVN được khởi công xây dựng vào năm 2009, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Chủ đầu tư thời điểm đó chính là Công ty IRM mà bà Út Em nắm 80% vốn. Trường có khuôn viên rộng 6,5ha tại số 220 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè.

Ngày 15/1/2024, tổ công tác liên ngành của thành phố đã được thành lập và báo cáo UBND thành phố về kết quả kiểm tra hoạt động của Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ, Trường AISVN.

Đáng nói, pháp nhân sở hữu Trường AISVN là Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ được tách ra từ Công ty IRM. Trường AISVN được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng của Công ty IRM. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã có báo cáo rằng quá trình chia tách doanh nghiệp của nhà đầu tư chưa đúng quy định; dự án đầu tư có bổ sung nhiều mục tiêu hơn so với giấy chứng nhận đầu tư được cấp nhưng nhà đầu tư không thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị nhà đầu tư báo cáo để xác định các hành vi vi phạm. Về nội dung lô đất xây dựng Trường AISVN đang thuộc quyền sử dụng của Công ty IRM, Sở GD-ĐT và các sở, ngành liên quan đang xây dựng phương án khả thi để yêu cầu chuyển đổi quyền sử dụng đất sang cho Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ. Việc pháp nhân sở hữu Trường AISVN không sở hữu quyền sử dụng đất, gây khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu cũng như xử lý nợ...

(Còn nữa)

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/ky-2-he-sinh-thai-cua-ba-nguyen-thi-ut-em-va-truong-aisvn-co-gi--i741632/
Zalo