Kỳ 1: Yêu nước - nguồn lực của thịnh vượng

Từ thuở khai hoang, mở cõi mà nhất là trong thời đại dưới sự lãnh đạo của Đảng, người Đồng Tháp (chính xác hơn là người Việt Nam ở mảnh đất Đồng Tháp) đã thể hiện tình cảm yêu nước thiết tha. Họ lao động cần cù và chiến đấu gan dạ để bảo vệ, kiến tạo nên một quê hương ngày càng trù phú. Tình cảm yêu nước mà cụ thể là yêu quê hương sẽ trở thành nguồn lực vô tận để những con người ở đây xây dựng Đồng Tháp thịnh vượng, văn minh. Nhận ra “tài sản vô giá” và tìm cách nhân lên sức mạnh của nó là việc phải làm và cấp thiết.

Nghĩa ban đầu của khái niệm yêu nước (lòng yêu nước hay tinh thần yêu nước) là yêu quê cha đất tổ, nơi cội nguồn sinh ra. Đó là cảm xúc, tình cảm, tinh thần yêu thương về quê hương (nói rộng là đất nước). Tình cảm này là tự nhiên và thiêng liêng. Nó bắt nguồn từ tình yêu với những con người thân thuộc, có liên hệ với nhau về nguồn gốc. Ngay từ trong nôi, lời ru đã ngân vang và thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Và, cùng với điều kiện khách quan phải “chung lưng đấu cật” chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và đấu tranh với các thế lực ngoại xâm, tinh thần yêu nước của người Việt Nam được bồi đắp cao độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thấu suốt khi cho rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Lịch sử Việt Nam nói chung, quá trình xây dựng và phát triển Đồng Tháp nói riêng mà nhất là từ khi Đảng lãnh đạo đã chứng thực hoàn toàn cho nhận định đó.

Dù là người bản địa hay người “tứ xứ” hội tụ về đây, như một lẽ tự nhiên, lớp lớp người Đồng Tháp đã tự nguyện tham gia vào các tổ chức, hoạt động trong các lực lượng bán vũ trang và lực lượng vũ trang, bám địa bàn hay tập kết ra Bắc đều một lòng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Vì quê hương yên bình và đất nước thống nhất, người Đồng Tháp cùng với Nhân dân cả nước “xuống đường”, “hành quân” để “giang sơn thu về một mối” bằng cuộc tổng tấn công và nổi dậy vĩ đại Mùa xuân năm 1975.

Rồi ngay sau đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương và hỗ trợ của các địa phương bạn, người Đồng Tháp đã kiên cường bảo vệ biên giới và góp phần giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Chính tình yêu mảnh đất này, người Đồng Tháp từng bước khai phá, chinh phục vùng đất hoang vu; xây dựng, kiến tạo phát triển ngành nghề, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất để Đồng Tháp “thay da, đổi thịt”. Lòng yêu quê hương là dạng tình cảm có sức mạnh phi thường. Nó đã và sẽ trở thành nguồn lực làm cho quê hương thịnh vượng, văn minh.

Ngày nay, yêu nước không chỉ là việc bảo vệ vững chắc bờ cõi, chủ quyền của Quốc gia và chế độ chính trị, mà quan trọng hơn là làm cho Tổ quốc trường tồn. Và để một đất nước “bất khả chiến bại”, nội lực của nó phải đầy đủ, sung túc. Nói cách khác, đất nước ấy dân giàu, nước mạnh, văn minh và khoa học - công nghệ tiên tiến. Ở đây, mỗi người cần nhận thức và bồi dưỡng tình cảm yêu nước. Mặc dù tình yêu đất nước “tự nhiên” trong huyết quản của người Việt, nhưng nó cần được vun trồng, bồi đắp. Trách nhiệm này thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội mà trong đó gia đình có vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh sự ngọt ngào từ bầu sữa mẹ, những năm tháng đầu đời của tuổi thơ nếu được tiếp nhận lời ru, điệu hò, câu ca sẽ đánh thức, lan truyền và nuôi dưỡng tình yêu quê hương cho đến cuối đời. Bằng hệ thống lý thuyết căn bản, nhà trường cung cấp cho người trẻ nhận thức tình yêu quê hương từ lý trí và tình cảm sâu sắc để định hướng hành động đúng đắn. Thông qua môi trường xã hội, tình yêu nước được hiện thực hóa và kiểm nghiệm trong cuộc sống với đầy đủ cung bậc của nó. Từ tình yêu thương, con người cảm thấy tự hào và nhận thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với quê hương. Một khi có tình yêu đất nước mãnh liệt, con người có khát vọng lớn lao và tinh thần cống hiến không mệt mỏi. Yêu nước được thể hiện qua những hành động cụ thể bởi “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Nhiều tấm gương bình dị hay những nhân vật phi thường đã và đang làm cho quê hương, đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” và qua đó, họ cũng làm rạng danh chính mình, gia đình và dòng họ.

Người Việt Nam nói chung, người Việt Nam ở Đồng Tháp nói riêng có sẵn “nguồn tài nguyên” vô giá về mặt tinh thần - lòng yêu nước. Nó đã tạo nên sức mạnh phi thường của các tầng lớp nhân dân đứng lên chống áp bức, xâm lược và kiến tạo nên quê hương trù phú - “Đất lành”. Với sự định hướng đúng đắn của cả hệ thống chính trị và được tôi luyện của xã hội, tình cảm yêu nước ấy tiếp tục nung nấu những đứa con của quê hương thành những người dân (công dân) “Tiêu biểu”, “Danh dự” Đất Sen hồng. Và họ sẽ xây dựng Đồng Tháp thành nơi đáng sống.

DÂN BIỆN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/ky-1-yeu-nuoc-nguon-luc-cua-thinh-vuong-128737.aspx
Zalo