Kỳ 1: Loại hình nghệ thuật chỉ có duy nhất ở Việt Nam
Nghệ thuật múa rối nước khắc họa đời sống tinh thần của người Việt phong phú, đa dạng. Qua hình tượng rối con người gửi gắm ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc, về những vụ mùa bội thu.
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật xuất hiện từ rất sớm ở nước ta, thời gian chính xác sự ra đời của nó đến nay vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Thế nhưng theo những ghi chép trên bia đá Sùng Thiện Diên Linh thì loại hình nghệ thuật này đã phát triển ở thời nhà Lý và là một hình thức giải trí dành cho tầng lớp quý tộc trong xã hội thời bấy giờ.
Như vậy tính đến nay nghệ thuật múa rối nước đã trải qua quá trình hơn 1000 năm phát triển, hoàn thiện để trở thành một loại hình sân khấu cổ truyền với những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc được kết tinh trong đời sống của người dân Việt.
Loại hình nghệ thuật độc đáo
Múa rối được chia làm hai loại: Múa rối cạn và múa rối nước. Nếu như múa rối cạn khá phổ biến và xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới thì múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo duy nhất chỉ có tại Việt Nam. Khác với loại hình sân khấu khác rối nước được biểu diễn ngay trên mặt nước với thủy đình được dựng làm nơi các nghệ sĩ đứng đằng sau điều khiển các con rối chuyển động. Những con rối được làm từ gỗ sung, một loại gỗ nhẹ và khả năng chống thấm nước tốt. Sau khi đục đẽo những đường nét theo các nhân vật thì rối sẽ được sơn trang trí cho bắt mắt.
Nghệ thuật biểu diễn múa rối nước thu hút được khán giả bởi cái hồn của nhân vật được thể hiện qua những con rối một cách sống động và chân thật. Điều này đạt được bởi từ khâu làm tượng những nghệ nhân đã dùng tâm huyết của mình để thổi hồn cho những khối gỗ vô tri trở nên sinh động và độc nhất dù cho đó là cùng một nhân vật nông dân, lính, vua, hay quan, cho đến những con vật gắn liền với đời sống của người nông dân thì mỗi một bức tượng đều có một đường nét riêng không lẫn với nhau. Cấu trúc của rối nước với phần thân nổi trên mặt nước, bộ phận bên dưới nước của rối được gắn hệ thống điều khiển.
Theo một số nhà nghiên cứu chỉ ra múa rối nước xuất phát từ một hình thức giải trí của người nông dân với môi trường làm việc là đồng ruộng, sông nước. Các tích truyện, tích trò trong nghệ thuật múa rối nước đều gắn liền với đời sống của con người trong nền văn minh lúa nước thời bấy giờ. Các vở diễn mô phỏng đời người nông dân đi cày, đi bừa, đánh cá, úp nơm, cấy lúa, chăm sóc súc vật… những câu chuyện rất dung dị đều được đưa vào để dựng thành những tiết mục múa rối nước rất sinh động, đặc sắc.
Nghệ thuật múa rối nước còn phản ánh thế giới tâm linh người Việt, ở đó chúng ta gặp những nhân vật như cô tiên, rồng, phượng, các hoạt động lễ phật, rước thần… qua các tiết mục múa phượng, múa tứ linh…
Ngoài ra loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này còn ca ngợi những vị anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi… Hay dựa vào các tích chèo để biểu diễn. Sự đa dạng mà gần gũi của múa rối nước thể hiện đời sống tinh thần của người Việt phong phú.
Thông qua hình tượng rối con người gửi gắm những ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc, về những vụ mùa bội thu.
Nghệ thuật sân khấu vươn tầm thế giới
Trong suốt tiến trình phát triển của mình từng có thời gian loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối nước bị xem là loại hình thức mua vui, câu khách và đứng trước nguy cơ mai một. Thế nhưng loại hình nghệ thuật này đã có một có cú chuyển mình hồi sinh ngoạn mục sau Chỉ thị vào tháng 3/1956 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chính thức ra đời của nghệ thuật sân khấu rối chuyên nghiệp Việt Nam.
Từ đó đến nay múa rối nước vẫn tiếp tục không ngừng hoàn thiện và phát triển với việc đưa đa dạng các đề tài sản xuất, chiến đấu vào biểu diễn. Sân khấu múa rối nước không chỉ xuất hiện ở trong nước mà còn vươn tầm thế giới với những vở diễn đạt được thành tích cao ở các cuộc thi quốc tế và được khán giả nước ngoài đặc biệt yêu thích.
Đạo diễn, NSƯT Bạch Quốc Khanh hiện đang công tác tại Nhà hát Múa rối Thăng Long chia sẻ: “Chuyến đi biểu diễn nước ngoài của tôi gần nhất vào tháng 6/2023 tại Liên bang Nga. Để xem chương trình, khán giả nước Nga đã mua vé trước cả tháng trời và không ngại xếp hàng hàng giờ. Không phải một sự kiện văn hóa, loại hình nghệ thuật truyền thống của nước ngoài nào đến biểu diễn cũng được khán giả đón nhận như vậy. Không chỉ ở Nga mà còn nhiều quốc gia khác chúng tôi tham gia biểu diễn khán giả cũng đều được chào đón. Khán giả chăm chú lắng nghe, thậm chí sau buổi biểu diễn còn nán lại để giao lưu với các nghệ sĩ để được hiểu hơn về nghệ thuật múa rối nước cũng như những cái nét đặc trưng văn hóa truyền thống Việt Nam. Điều làm chúng tôi tự hào đó là sau mỗi buổi diễn là những tràng pháo tay ròn rã, nghệ sĩ phải ra chào khán giả mấy lần mới ngớt những tiếng vỗ tay. Chính những điều này là sự khích lệ lớn lao với những người nghệ sĩ chúng tôi khi đi diễn.”
NSƯT Bạch Quốc Khanh cho biết, đối với các nghệ sĩ thì múa rối nước nói chung và ở Nhà hát Múa rối nước Thăng Long nơi anh công tác nói riêng, múa rối nước ngoài là một môn nghệ thuật truyền thống, nơi gìn giữ những tinh hoa truyền thống dân tộc và là cách để quảng bá văn hóa đến với bạn bè quốc tế thì nó còn là cái nghề và cái nghiệp của cuộc đời họ. Người nghệ sĩ gắn bó, tập luyện, biểu diễn và chia sẻ bằng tình yêu của mình đối với văn hóa truyền thống, sự tự hào đối với nghệ thuật truyền thống.
Thành công của một buổi biểu diễn là sự tổng hòa của nhiều bộ phận từ âm thanh, ấm sáng đến hậu kỹ… Trong đó không thể không nhắc đến những người nghệ sĩ đứng đằng sau tấm rèm để điều khiển rối. Người diễn viên múa rối đối mặt với những khó khăn thử thách gì khi làm nghề cũng như nguồn nhân lực trẻ kế cận của loại hình nghệ thuật rối nước hiện nay ra sao mời các bạn đón đọc kỳ 2 với bài viết “Giữ lửa” đam mê nhờ tình yêu văn hóa truyền thống.
Còn tiếp...