Kỳ 1: Khi hai thôn về chung 'một nhà'

Tỉnh Bắc Kạn đang tập trung thực hiện việc sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn nhằm góp phần tinh gọn bộ máy ở cơ sở. Đây là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, tuy nhiên quá trình thực hiện có nhiều khó khăn vướng mắc, cần quyết tâm cao của hệ thống trị chính, sự đồng thuận của Nhân dân.

 Sau khi sáp nhập năm 2021, đồng bào Dao, Tày thôn Bản Mún, xã Dương Phong (Bạch Thông) luôn đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương.

Sau khi sáp nhập năm 2021, đồng bào Dao, Tày thôn Bản Mún, xã Dương Phong (Bạch Thông) luôn đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, giai đoạn 2019 - 2023 tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện 02 đợt sáp nhập thôn, tổ dân phố. Không chỉ giảm số lượng mà việc sáp nhập thôn, tổ dân phố còn đem lại những lợi ích thiết thực.

Ý Đảng hợp lòng dân

Năm 2021, thực hiện chủ trương của cấp trên, thôn Bản Mún 1 và Bản Mún 2, xã Dương Phong (Bạch Thông) sáp nhập thành một thôn lấy tên chung là Bản Mún. Bản Mún 1 là địa bàn sinh sống của đồng bào Dao, trong khi Bản Mún 2 lại chủ yếu là người Tày. Sự khác biệt về dân tộc, văn hóa, phong tục tập quán lúc đầu khi có chủ trương sáp nhập cũng khiến lãnh đạo địa phương và người dân hai thôn có chút lo lắng. Nhưng đến nay, sau gần 04 năm hợp nhất, Bản Mún đang mang trên mình diện mạo mới, sức sống mới và niềm tin vững chắc. Nhà Văn hóa thôn khang trang với 100 chỗ ngồi là minh chứng cho sự đổi thay, đoàn kết giữa hai thôn sau sáp nhập. Những buổi họp thôn, những lần tổ chức văn nghệ, thể thao góp phần thêm gắn kết, hiểu biết nhau giữa đồng bào Dao và Tày.

Anh Lý Đình Văn, Trưởng thôn Bản Mún chia sẻ: “Dù sáp nhập từ hai thôn có thành phần dân tộc khác nhau nhưng bà con luôn giữ gìn sự đoàn kết, xây dựng quê hương. Hết năm 2023, thôn còn 04 hộ nghèo, giảm 04 hộ so với năm 2022. Sự đồng thuận ngay từ lúc khảo sát, lấy ý kiến của Nhân dân đã giúp cho việc sáp nhập và lãnh đạo thôn sau này thuận lợi hơn”.

Giai đoạn 2019-2023, Bắc Kạn đã triển khai thực hiện 02 đợt sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 26/8/2019 và Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của HĐND tỉnh. Một trong những nhân tố bảo đảm thành công cho quá trình sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn là sự đồng thuận của người dân.

Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức rõ chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính. Đặc biệt là tại các thôn, tổ dân phố dự kiến sáp nhập vào năm 2019 và 2021, công tác tuyên truyền, vận động được đặc biệt quan tâm để cán bộ, quần chúng hiểu, đồng thuận với chủ trương của cấp trên. Nhờ đó, qua khảo sát giai đoạn trước cho thấy phần lớn người dân ở các thôn, tổ phố dự kiến sáp nhập đều đồng tình ủng hộ, thôn có tỷ lệ đồng ý thấp nhất là 72%, thôn có tỷ lệ đồng ý cao nhất là 100%. Khi ý Đảng hợp lòng dân thì việc các thôn “về chung một nhà” diễn ra cơ bản thuận lợi, mang lại nhiều lợi ích.

Thành quả sau sáp nhập

 Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và thôn giúp xã Quân Hà (Bạch Thông) có thêm nguồn lực phát triển.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và thôn giúp xã Quân Hà (Bạch Thông) có thêm nguồn lực phát triển.

Trước năm 2019, thôn Nà Vả, xã Quang Phong (Na Rì) có 27 hộ dân, thôn Nà Cà bên cạnh cũng chỉ có 34 hộ dân. Cả hai thôn không đủ tiêu chí dân số nên được sáp nhập thành một, lấy tên chung là Nà Vả như lịch sử vốn có từ trước. Sau sáp nhập, có đôi chút xáo trộn và vất vả cho đội ngũ lãnh đạo thôn nhưng theo đánh giá của ông Hà Văn Lượng, Trưởng thôn Nà Vả: “Khó khăn chỉ là lúc ban đầu chứ cái lợi từ việc sáp nhập thôn vẫn nhiều hơn. Đó là giảm một nửa cán bộ không chuyên trách và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn so với để nguyên hai thôn như cũ, phụ cấp cán bộ thôn cũng được nâng cao. Thôn có đông người sẽ giúp việc huy động nhân lực tham gia các hoạt động cộng đồng dễ dàng hơn, trong khi những khoản đóng góp để xây dựng công trình chung sẽ giảm bớt”.

“Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn và tổ dân phố không chỉ gia tăng diện tích, dân số về mặt cơ học mà còn tăng sức mạnh nội tại của địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách thôn giảm sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chăm lo đời sống cho người dân”, Chủ tịch UBND Văn Vũ, huyện Na Rì, ông Nông Văn Sang đánh giá.

 Việc sáp nhập các xã, thôn, góp phần có thêm nguồn lực để nâng cao phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. (ảnh: Cán bộ thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong tuyên truyền cho người dân về chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Việc sáp nhập các xã, thôn, góp phần có thêm nguồn lực để nâng cao phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. (ảnh: Cán bộ thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong tuyên truyền cho người dân về chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, sau 02 đợt sáp nhập (năm 2019 và 2021), toàn tỉnh giảm được 129 thôn, tổ dân phố, tiểu khu (giảm từ 1.421 thôn, tổ còn 1.292 thôn, tổ). Đồng nghĩa với việc giảm khoảng 1.600 người làm việc ở các thôn, tổ dân phố, kinh phí tiết kiệm được khoảng 140 triệu đồng/thôn, tổ sau khi sáp nhập.

Đánh giá lại việc thực hiện sáp nhập, thôn tổ phố theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ông Lê Văn Hội, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở; giảm được nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ, khắc phục tình trạng manh mún, chia cắt giữa các thôn, tổ. Cùng với đó, việc sáp nhập giúp tăng tính tự quản của người dân. Đội ngũ đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn tăng về số lượng, chất lượng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Qua đó, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được truyền tải đến người dân một cách đầy đủ, thuận lợi hơn, tạo điều kiện để triển khai sôi nổi, sâu rộng các hoạt động, phong trào thi đua.

Dù còn một số những khó khăn, hạn chế nhưng có thể khẳng định, sau 05 năm thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố đã mang lại những lợi ích cụ thể, thiết thực, giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở. Kết quả này cũng sẽ là điều kiện cần thiết để Bắc Kạn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sáp nhập thôn, tổ dân phố trong năm nay với quy mô lớn hơn và dự báo sẽ có nhiều khó khăn./.

(Còn nữa)

Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ky-1-khi-hai-thon-ve-chung-mot-nha-post66249.html
Zalo