Kỳ 1: Cần cơ chế, chính sách nâng cao đời sống lao động nữ

Trước sự biến đổi không ngừng của thế giới, khoa học kỹ thuật, lao động nữ phải trên tâm thế sẵn sàng thay đổi, luôn vươn lên, học hỏi và tự đổi mới mình trong thời đại công nghệ số.

ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định, lao động nữ phải luôn vươn lên, học hỏi và tự đổi mới mình để thích ứng với thời đại mới. (Ảnh: NVCC)

ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga khẳng định, lao động nữ phải luôn vươn lên, học hỏi và tự đổi mới mình để thích ứng với thời đại mới. (Ảnh: NVCC)

Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhằm mục tiêu nâng cao hiểu biết và tìm giải pháp cho những thách thức mà lao động nữ đang đối mặt trong bối cảnh hiện nay.

Còn nhiều rào cản đối với lao động nữ

Với tình hình lạm phát tăng cao như hiện nay, đặc biệt là giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng, cuộc sống của nhiều lao động, nhất là lao động nữ đang gặp nhiều khó khăn. Dưới góc nhìn của một Đại biểu Quốc hội, theo bà cần có những chính sách cụ thể nào để hỗ trợ các lao động nữ duy trì cuộc sống ổn định và đảm bảo quyền lợi trong bối cảnh hiện nay?

Giá cả và tình hình lạm phát có chiều hướng gia tăng khiến người lao động gặp nhiều khó khăn, không riêng gì phụ nữ. Tuy nhiên, đối với lao động nữ, dường như thách thức lớn hơn bởi họ là những người có vai trò rất quan trọng trong việc nắm giữ chi tiêu của gia đình. Đặc biệt, đối với phụ nữ trẻ mới lập gia đình, có con nhỏ thì thử thách còn lớn hơn, bởi thu nhập của gia đình còn rất hạn chế.

Theo truyền thống, phụ nữ thường là người tề gia nội trợ, vun vén cho gia đình, cũng là “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Bởi vậy, khi mặt bằng giá cả tăng với tiền lương còn hạn hẹp là thử thách lớn đối với phụ nữ. Vậy làm như thế nào để có thể đảm bảo hơn quyền lợi cũng như cuộc sống của người lao động, đặc biệt đối với lao động nữ? Tôi nghĩ, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp khác nhau. Đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, người lao động đã được tăng lương bắt đầu từ ngày 1/7/2024. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ để đảm bảo cuộc sống người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối với khu vực hưởng lương ngoài ngân sách thì hàng năm, Hội đồng tiền lương của Quốc gia cũng họp để cân nhắc việc tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, hiện nay lương tối thiểu vùng của nước ta vẫn còn khá thấp so với mặt bằng cuộc sống. Do đó, để bù vào phần trượt giá, đảm bảo hơn thu nhập và cuộc sống của người lao động cũng là bài toán khó. Tôi hy vọng, trong bối cảnh mặt bằng giá cả tăng như hiện nay, nên xem xét để tăng lương cho người lao động hưởng lương từ mảng ngoài ngân sách.

Như vậy, để đảm bảo tiền lương cho người lao động, cần nghiên cứu để có những chế độ, chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp. Bởi doanh nghệp có phát triển thì việc làm và tiền lương cho người lao động mới được đảm bảo hơn.

Cùng với đó, từ 1/7/2024, nhiều luật bắt đầu có hiệu lực, như Luật Nhà ở, Luật Đất đai… Trong các luật đó có những nội dung liên quan đến bản thân người lao động. Cụ thể, với Luật Nhà ở có sửa đổi rất nhiều, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội. Dân ta thường nói “có an cư thì mới lạc nghiệp” và với người lao động nói chung, một căn nhà, một chỗ ở đáp ứng được nhu cầu là mơ ước rất lớn. Rõ ràng, khi không tiếp cận được nhà ở giá rẻ thì gánh nặng đè lên vai người lao động nhất là đối với những đối tượng yếu thế như lao động nữ, trẻ em.

Trong thời gian qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể. Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN. Giai đoạn 2011-2015 là 4,53%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,97%/năm.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng chưa đủ nhanh nên khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2020, năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam chỉ bằng 9,1% của Singapore; bằng 26,2% của Malaysia; bằng 46,8% của Thái Lan và bằng 68,7% của Philippines. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, Malaysia 40 năm và Nhật Bản 60 năm.

Có những người, đặc biệt là lao động thu nhập thấp cả đời cũng không thể dành dụm để mua được nhà, không thể tiếp cận được thị trường nhà đất hiện nay. Bởi vậy, tôi mong khi triển khai Luật Nhà ở 2023, phân khúc nhà ở xã hội được các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Vì có phát triển được nhà ở xã hội thì người lao động nghèo, thu nhập thấp mới có cơ hội để tiếp cận nhà ở giá rẻ.

Nếu không an cư, với lao động nữ sẽ vô cùng vất vả, đặc biệt người đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Họ không có chỗ ở ổn định, hay với những đứa trẻ khi bố mẹ chưa ổn định được chỗ ở, nay thuê chỗ này, mai thuê chỗ khác thì việc học hành cũng bị ảnh hưởng, gián đoạn. Thậm chí, có những gia đình lao động nghèo nên con em rất khó đến trường vì không có một chỗ ở cố định.

Đó là một số vấn đề tôi nghĩ cần quan tâm, đặc biệt trong kỳ họp 8 sắp tới được khai mạc vào ngày 21/10, sẽ xem xét và thông qua Luật Công đoàn và Luật Việc làm. Những luật này đều tác động trực tiếp đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Mong rằng, những luật này có những nội dung sửa đổi phù hợp với tình hình hiện tại.

Bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân người lao động thì những chiến lược lâu dài của quốc gia là vô cùng quan trọng. (Nguồn: VGP)

Bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân người lao động thì những chiến lược lâu dài của quốc gia là vô cùng quan trọng. (Nguồn: VGP)

Thay đổi để thích ứng với thời đại mới

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ, có trình độ tay nghề chưa cao. Theo bà, cần có những giải pháp nào để hỗ trợ lao động nữ nâng cao kỹ năng, thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại số?

Thời đại số đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với con người. Lâu nay, chúng ta vẫn tự hào có thế mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đó là nguồn nhân lực dồi dào và nguồn nhân công giá rẻ. Với sự cải tiến của khoa học kỹ thuật, máy móc có thể thay thế hàng loạt sức lao động trực tiếp của con người. Do đó, ưu thế về lao động giá rẻ, nhân lực dồi dào không còn nữa, dẫn tới tình trạng người lao động buộc phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu của hiện tại, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Thực tế hiện nay, chất lượng lao động của Việt Nam chưa cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới; năng suất lao động vẫn còn khá thấp. Trong các phân xưởng, nhất là đối với một số ngành nghề Việt Nam đang có thế mạnh như sản xuất giày da, may mặc, lao động nữ chiếm lực lượng khá đông. Khi đặt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa con người và máy móc, khi nhân công giá rẻ không còn là thế mạnh, bắt buộc lao động Việt Nam phải nâng cao tay nghề, trình độ, năng suất lao động của mình. Điều này phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính bản thân người lao động - tự học hỏi, tự đào tạo, tự bồi dưỡng mình.

Thứ hai, phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô về lao động của quốc gia. Quan trọng nhất phải làm là nâng cao nhận thức cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Họ biết cần phải có những phẩm chất gì và có những sự thay đổi như thế nào để đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Nếu vẫn tự bằng lòng với tay nghề, trình độ vốn có, không cần nỗ lực thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là lao động nữ.

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh lao động nữ vì đây là lực lượng lao động rất lớn, những người quan trọng cả trong việc đóng góp cho xã hội lẫn xây dựng gia đình. Mà gia đình là tế bào của xã hội thế nhưng, phụ nữ Việt Nam hiện nay vẫn đang vấp phải nhiều rào cản. Trong đó, rào cản lớn nhất là gánh nặng về công việc gia đình, nội trợ. Sau khi kết hôn, sinh con, gần như tất cả việc nội trợ, chăm sóc gia đình, con cái mà chúng ta gọi là “lao động không được trả lương” dồn hết lên vai người phụ nữ.

Trong khi, họ vẫn phải lao động kiếm tiền để chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Do vậy, trước áp lực cuộc sống, người phụ nữ sau khi kết hôn thường rất ít đi học thêm để nâng cao tay nghề, trình độ, kiến thức. Bởi lẽ, họ không còn nhiều gian và sức lực vì đã dành hết cho gia đình và con cái, tạm bằng lòng với sự nghiệp cũng như công việc hiện tại.

Được biết, nhiều lao động nữ sau khi lập gia đình, việc sinh con ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Có khi họ buộc phải tìm một công việc khác để có thể chăm lo cho con cái tốt hơn, đồng nghĩa với thu nhập ít hơn. Không ít lao động trẻ chịu áp lực phải hy sinh sự nghiệp, cơ hội thăng tiến của bản thân để ở nhà chăm sóc con cái. Đặc biệt, đối với những phụ nữ sau khi sinh con, nếu đứa con không khỏe mạnh, cần thời gian dài để điều trị, thì người đồng hành cùng con ở Việt Nam hầu hết là người mẹ. Lao động nữ vì thế ít có cơ hội học thêm, tự nâng cao tay nghề và nâng cấp bản thân.

Bởi thế, việc nâng cao nhận thức cho người lao động là cần thiết. Trước sự biến đổi không ngừng của thế giới, khoa học kỹ thuật, phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng phải trên tâm thế sẵn sàng thay đổi, luôn vươn lên, học hỏi và tự đổi mới mình trong thời đại công nghệ số.

Bên cạnh sự nỗ lực của chính bản thân người lao động thì những chiến lược lâu dài của quốc gia cũng đóng vai trò then chốt. Những cơ chế, định hướng cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ đối với việc đào tạo và đào tạo lại người lao động để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn là vô cùng quan trọng.

ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, thực tế hiện nay nhiều lao động nữ không nắm được quyền lợi của mình. (Ảnh: NVCC)

ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, thực tế hiện nay nhiều lao động nữ không nắm được quyền lợi của mình. (Ảnh: NVCC)

Cải thiện, nâng cao đời sống lao động nữ

Để giải quyết các vấn đề trên, vai trò của các doanh nghiệp và cộng đồng là rất quan trọng. Theo bà, cần có những cơ chế, chính sách nào để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào việc cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của người lao động (nhất là lao động nữ), đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay?

Trên thực tế, tôi nhận thấy có nhiều cơ sở sử dụng lao động, doanh nghiệp hiện nay thực hiện rất tốt các chế độ liên quan thai sản, ốm đau, khám chữa bệnh cho lao động nữ; đảm bảo quyền lợi của bà mẹ và trẻ em. Như ở Hải Dương, trong thời gian tiếp xúc cử tri, tôi biết có nhiều công ty còn tạo điều kiện cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ được vắt sữa giữa ca, có trang bị phòng vắt sữa, tủ chứa sữa và các dụng cụ cần thiết.

"Phần lớn lao động nữ vì nhiều lý do nên không chú ý đến quyền lợi của mình, dẫn đến tình trạng dễ dàng bị mất quyền lợi mà không biết. Do đó, phải nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động".

Qua quan sát, tìm hiểu, tôi biết chế độ, chính sách liên quan thai sản, ốm đau, nuôi con nhỏ đã được thực hiện rất tốt ở một số doanh nghiệp nhưng không phải tất cả. Thậm chí, ở nhiều nơi, lợi dụng tình trạng thiếu hiểu biết của lao động nữ về chế độ chính sách, nên quyền lợi của lao động nữ còn bị cắt xén. Thực tế, nhiều người lao động chỉ quan tâm việc đi làm cho đúng giờ, đúng kỹ thuật, tăng ca để thêm thu nhập, đạt được mức tiền lương mà họ mong muốn. Nhiều nữ công nhân ít tìm hiểu quy định của pháp luật liên quan quyền lợi của chính mình. Cho nên, một số công ty đã thực hiện không tốt, thậm chí vi phạm quy định của pháp luật liên quan quyền lợi của lao động.

Ở một số công ty, phúc lợi của người lao động nhiều khi còn bị cắt xén, đặc biệt là tiền thai sản, ốm đau của lao động nữ. Thực tế hiện nay, phần lớn lao động nữ vì nhiều lý do nên không chú ý đến quyền lợi của bản thân, không biết rõ mình được hưởng là gì, dẫn đến tình trạng dễ bị mất quyền lợi mà không biết.

Tôi nghĩ, chúng ta phải nâng cao được hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn - tổ chức bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Chúng ta cũng cần tuyên truyền các chính sách pháp luật nhiều hơn đến người lao động về vai trò của công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn cấp cơ sở.

Quốc hội đang cho ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Tôi mong nâng cao vai trò và vị trí của tổ chức công đoàn, nhất là trong thời kỳ hiện tại, khi mà chính sách pháp luật của chúng ta có nhiều thay đổi, thường xuyên có chính sách mới được ban hành, sửa đổi để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tổ chức công đoàn phải tuyên truyền đến người lao động những quyền lợi của họ, để họ biết mình có được hưởng quyền lợi theo đúng quy định hay không?

Thứ hai, chúng ta phải thực sự quan tâm đến việc phổ biến kiến thức pháp luật. Tôi nhận thấy, công tác phổ biến giáo dục pháp luật toàn dân vẫn còn rất yếu, hiệu quả chưa cao. Tôi vẫn hay trò chuyện với đội ngũ công nhân, hỏi họ về những vấn đề liên quan đến họ như lương, quy định chế độ thì tìm hiểu ở đâu? Cũng có chị nói rằng, không quan tâm lắm đến quy định của pháp luật mà chỉ chú ý đến nội quy của công ty.

Hiện nay, chúng ta đang rất nỗ lực để xây dựng một Nhà nước pháp quyền, mà ở đó - mỗi một công dân sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Muốn vậy, người ta phải hiểu được pháp luật. Hiện nay, có nhiều người vẫn chưa hiểu được, có những trường hợp vi phạm pháp luật do không biết, không hiểu. Vậy nên, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật là vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với đội ngũ lao động.

Chúng ta phải có nhiều hình thức thiết thực hơn nữa. Nếu chỉ đơn thuần đưa lên cổng thông tin điện tử, tuyên truyền trong những đợt cao điểm, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực sự đối với tầng lớp người lao động, nhất là lao động nữ rất ít khi tiếp cận được.

Ví dụ, có những nữ công nhân đi làm 10 tiếng, 12 tiếng một ngày thì thời gian họ được về nhà để nghỉ ngơi không nhiều. Có khi gói gọn trong việc nấu cơm, ăn xong rồi đi ngủ để đảm bảo sức khỏe, không xem ti vi, không đọc báo, không nghe đài… Ngày chủ nhật, có khi họ phải tranh thủ làm việc nhà, về quê thăm người thân, chăm sóc con cái, có khi làm thêm những công việc khác để tăng thu nhập. Cho nên, việc sinh hoạt cộng đồng, tự học nâng cao trình độ hay đọc báo để hiểu biết về pháp luật là rất hạn chế. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, nhất là lao động nữ hiện nay chưa đủ, chưa hiệu quả, chưa thực sự gần gũi.

Trong thống kê, hiện nay tỉ lệ người dân Việt Nam sử dụng thiết bị thông minh khá cao. Internet đã phủ sóng từ thành thị đến nông thôn, đến vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, lao động trẻ, ai cũng sử dụng thiết bị thông minh. Tuy nhiên họ chưa tận dụng công nghệ để tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, họ cũng chưa có kỹ năng tìm kiếm thông tin hữu ích cho bản thân như đọc những quy định luật pháp có liên quan.

Vì thế, theo tôi phải quan tâm hơn nữa đến các hình thức tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho mỗi cá nhân sao cho hiệu quả hơn, từ đó hình thành cho người lao động thói quen khi có vướng mắc về pháp luật thì tra cứu và tìm hiểu ở đâu. Đó là kỹ năng vô cùng cần thiết và hoàn toàn có thể thực hiện được trong thời đại kỹ thuật số để lao động, đặc biệt là lao động nữ biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Xin cảm ơn ĐBQH!

Theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu đang mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người lao động đồng ý.

Bên cạnh đó, lao động nữ mang thai được chuyển việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt giờ làm nếu làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Ngoài ra, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới. Ngoài ra, theo Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi không bị xử lý kỷ luật lao động.

Theo Điều 138 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ.

Theo Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.

Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Kỳ 2: Bình đẳng giới trong phân công lao động - "chìa khóa" đến từ người trong cuộc

Nguyệt Anh (thực hiện)

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ky-1-can-co-che-chinh-sach-nang-cao-doi-song-lao-dong-nu-290532.html
Zalo