Kon Tum: Phát triển, nâng tầm cây cà phê xứ lạnh theo hướng hiện đại, bền vững
Sở hữu thời tiết, khí hậu thuận lợi, huyện Kon Plông đang xây dựng thành vùng trồng cà phê xứ lạnh (Aribica) trọng điểm của tỉnh Kon Tum. Địa phương đặt ra mục tiêu phát triển cây cà phê xứ lạnh theo hướng hiện đại, bền vững, hình thành chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu 'Cà phê xứ lạnh Kon Tum'.
Cà phê xứ lạnh “bén đất” Kon Plông
Nằm giữa cao nguyên Kon Tum, huyện Kon Plong được biết đến với một đặc điểm thiên nhiên độc đáo, khí hậu mát mẻ quanh năm. Sở hữu khí hậu ôn đới với nhiệt độ trung bình chỉ từ 18 - 22 độ C tạo ra một môi trường lý tưởng cho các cây trồng xứ lạnh, đặc biệt là cà phê Arabica.
Nhiều năm về trước, người dân ở các xã Đăk Long (nay là thị trấn Măng Đen), Măng Bút, Măng Cành và xã Hiếu (huyện Kon Plông) đã đưa hạt cà phê Aribica về trồng tại địa phương. Tuy nhiên, với lối canh tác lạc hậu cùng với việc tự phát, không được hướng dẫn kỹ thuật, phương thức sản xuất nên cây cà phê phát triển kém hiệu quả.
Trò chuyện với PV, anh A Niu (trú tại thôn Kon Chênh, xã Măng Cành) cho biết: “Hàng chục năm trước thấy bà con trong làng mua giống cà phê xứ lạnh về trồng nên gia đình cũng tập tành trồng thử. Đến năm 2014, Trung tâm khuyến nông tỉnh Kon Tum hỗ trợ giống cho các hộ nghèo trong thôn và khuyến khích người dân trồng loại cà phê này.
Tuy nhiên vì không nắm rõ về kỹ thuật cũng như cách thức chăm sóc nên cây kém phát triển, năng suất thấp. Mãi đến những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp vào ngỏ ý xây dựng vùng trồng cũng như là việc bao tiêu sản phẩm nên bà con mới quay trở lại với cà phê. Hiện gia đình tôi cũng đang trồng hơn 5 ha cà phê Aribica”.
Theo Trưởng thôn A Niu, trước đây bà con trong làng trồng cây không ổn định, lựa chọn theo giá cả, cứ mặt hàng nào tăng là phá cây cũ trồng cây mới, không chăm sóc nên hiệu quả không được cao, không có đầu ra ổn định. Hai năm gần đây có Hợp tác xã cà phê xứ lạnh Măng Đen Forest vào liên kết, hướng dẫn đầy đủ quy trình chăm sóc và bao tiêu đầu ra nên bà con trong làng đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Cùng với những hỗ trợ, giúp đỡ từ chính quyền, bà con cũng yên tâm hơn. So với việc trồng bắp, mì thì trồng cà phê mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều.
Được biết, hiện Hợp tác xã cà phê xứ lạnh Măng Đen Forest đang liên kết với hơn 100 hộ dân để xây dựng vùng trồng cà phê Aribica tại xã Măng Cành. Song song với việc xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê cho người dân, hợp tác xã còn chú trọng tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông đánh giá: “Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng trên địa bàn huyện rất phù hợp để cây cà phê xứ lạnh sinh trưởng và phát triển. Theo thống kê, tổng diện tích cà phê hiện có trên địa bàn là gần 1.000 ha. Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê xứ lạnh trên địa bàn còn mang tính quảng canh, manh mún, nhỏ lẻ. Vẫn còn một số hộ dân ít đầu tư chăm sóc, không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật dẫn đến vườn cây cà phê sinh trưởng và phát triển kém, năng suất thấp, vườn già cỗi. Người dân không có điều kiện kinh tế để tái canh, thiếu nguồn vốn đầu tư phân bón, thuê nhân công; dẫn đến năng suất thấp, sản lượng sản phẩm không cao”.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Kon Tum về thực hiện “Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh”, trong những năm qua, huyện Kon Plông có nhiều chính sách hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo đầu tư trồng cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND huyện Kon Plông cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chăm sóc, khôi phục lại vườn cà phê xứ lạnh và triển khai trồng mới; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng cà phê hiểu lợi ích khi tham gia vào hợp tác xã; thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật, quy trình canh tác và cam kết cung cấp đầy đủ sản phẩm cà phê khi thu hoạch.
Phát triển cây cà phê xứ lạnh theo hướng hiện đại, bền vững
Theo UBND huyện Kon Plông, mục tiêu đến năm 2025 huyện sẽ phát triển diện tích trồng cà phê xứ lạnh đạt trên 1.300 ha. Nâng cao năng suất trung bình đối với cây cà phê xứ lạnh giai đoạn thu hoạch tại các xã, thị trấn ở mức 17-19 tạ nhân/ha. Thu hút đầu tư 1 nhà máy chế biến cà phê; xây dựng ít nhất là 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh trên địa bàn với hạt nhân là các hợp tác xã, doanh nghiệp là trụ cột.
Ngoài ra, huyện Kon Plông phải xây dựng ít nhất 5 sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm cà phê xứ lạnh đã qua chế biến; xây dựng ít nhất một thương hiệu cho cà phê xứ lạnh mang bản sắc và đặc trưng riêng của xứ sở Măng Đen. Đồng thời, huyện cũng triển khai áp dụng quy trình kỹ thuật theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận như: Cà phê hữu cơ; RA, cà phê 4C và Viet GAP... theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Mục tiêu đến năm 2030, huyện Kon Plông sẽ phát triển vùng sản xuất cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện đạt 2.000 ha, ổn định năng suất ở mức 20-22 tạ nhân/ha. Cùng với đó là việc hoàn thành xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo tiêu chuẩn ViệtGap, hữu cơ. Nâng cao công suất nhà máy chế biến cà phê, mở rộng quy mô sản xuất chế biến các sản phẩm từ cà phê xứ lạnh. Phấn đấu đạt từ 7 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh trở lên đối với sản phẩm cà phê xứ lạnh.
Ông Đặng Quang Hà – Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Mục tiêu của đề án chính là phát triển mạnh sản xuất cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện theo hướng bền vững; ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đảm bảo sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, xây dựng và phát triển mạnh thương hiệu cà phê xứ lạnh Măng Đen, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cà phê xứ lạnh của huyện…
Địa phương phải xây dựng được các liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh trên địa bàn huyện, các sản phẩm phải hướng đến xuất khẩu và hình thành các vùng trồng cà phê chuyên canh. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh công tác tiếp thị, phát triển thị trường, kết nối các kênh phân phối cho các sản phẩm cà phê xứ lạnh”.
Theo ông Hà, huyện Kon Plông phải thu hút các doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín thực hiện liên doanh, liên kết với người dân và các mô hình kinh tế tập thể để trồng và tiêu thụ cà phê. Đồng thời thúc đẩy hình thành khu trồng cây công nghiệp, vùng trồng cà phê trọng điểm, những nơi có lợi thế kết nối liên vùng; đẩy mạnh đa dạng hóa và thương mại hóa các sản phẩm chế biến để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bài và ảnh: Trần Hiền
.