Kon Tum: Lý do khó phát triển diện tích chanh dây

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, đến giữa tháng 11/2024, toàn tỉnh mới trồng được gần 340 ha chanh dây, đạt xấp xỉ 34% kế hoạch năm 2024 là 1.000 ha chanh dây của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Huyện Đăk Hà là một trong những địa phương trọng điểm trồng chanh dây của tỉnh Kon Tum, với khoảng 280 ha.

Huyện Đăk Hà là một trong những địa phương trọng điểm trồng chanh dây của tỉnh Kon Tum, với khoảng 280 ha.

Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp xác định không thể hoàn thành chỉ tiêu mà tỉnh đề ra, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu đến từ việc bà con nông dân không mặn mà với loại cây trồng này vì giá cả bấp bênh. Vì vậy, việc sớm có các đơn vị thu mua, chế biến các sản phẩm từ chanh dây trên địa bàn được xem là giải pháp để phát triển diện tích chanh dây theo kế hoạch, đa dạng hóa các sản phẩm từ nông nghiệp của tỉnh Kon Tum.

Không mặn mà phát triển

Cụ thể, trong số gần 340 ha chanh dây, bà con chỉ trồng tại thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy, Đăk Hà. Diện tích trồng cũng khá khiêm tốn, như huyện Kon Plông chỉ được 10 ha, huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum chỉ đạt hơn 34 ha.

Đăk Hà là một trong những địa phương có diện tích trồng mới chanh dây trong năm 2024 lớn của tỉnh Kon Tum, với khoảng 87 ha.

Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà cho biết, gia đình ông trồng 1 ha chanh dây từ tháng 7/2024, với tổng kinh phí hơn 170 triệu đồng. Đến nay, vườn chanh dây của ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Dự kiến, ông Hùng sẽ thu được từ 15 – 17 tấn chanh dây quả ở vụ thu bói; trong đó có khoảng 10 tấn chanh đẹp được thu mua với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Số còn lại được bán ra thị trường địa phương với giá khoảng 12.000 đồng/kg. Nếu số chanh đẹp đảm bảo được các yêu cầu của đơn vị nhập hàng là không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sẽ được thu mua với giá 40.000 đồng/kg.

"Theo tính toán của gia đình tôi, một vụ thu hoạch chanh dây sẽ mang về khoản lợi nhuận khoảng 250 – 300 triệu đồng. Với giá như hiện nay, cùng với việc thu hoạch 2 kỳ trong một năm thì chanh dây mang lại giá trị kinh tế còn cao hơn cả cà phê. Tuy nhiên, gia đình tôi không dám phát triển diện tích chanh dây nữa, vì giá cả bấp bênh quá, như năm ngoái chỉ có 1.000 – 1.500 đồng/kg thì người trồng nỗ nặng. Nếu có đơn vị nào vào ký kết hợp đồng, thu mua với giá đảm bảo thì chúng tôi mới dám trồng", ông Nguyễn Văn Hùng nói.

Ông Đặng Thế Quyết, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 280 ha chanh dây; trong đó, có 87 ha trồng mới trong năm 2024. Trong khi đó, kế hoạch năm 2024 của huyện là trồng mới 170 ha chanh dây.

Huyện Đăk Hà là một trong những địa phương trọng điểm trồng chanh dây của tỉnh Kon Tum, với khoảng 280 ha.

Huyện Đăk Hà là một trong những địa phương trọng điểm trồng chanh dây của tỉnh Kon Tum, với khoảng 280 ha.

Nguyên nhân dẫn đến việc chưa thể đạt chỉ tiêu trồng mới chanh dây là do chu kỳ của loại cây trồng này thường là 2 năm. Trong khi đó, trong những năm gần đây, diện tích cà phê tái canh của huyện tương đối lớn, người dân thường tận dụng để trồng xen vào diện tích cà phê nhỏ. Khi cà phê lớn, bước vào thời kỳ kinh doanh thì người dân sẽ chặt bỏ chanh dây và không trồng lại. Bên cạnh đó, do năm 2022, 2023, giá chanh dây xuống thấp khiến người dân không mặn mà với loại cây trồng này.

Trong khi đó, năm 2024, Công ty TNHH chế biến nông sản Sao Mai (Khu Công nghiệp Sao Mai, tỉnh Kon Tum) đề ra kế hoạch phát triển 1.000 ha chanh dây nguyên liệu. Tuy nhiên đến nay, đơn vị này mới chỉ mới phát triển và ký liên kết được với khoảng 350 ha, xuống giống được hơn 200 ha.

Ông Nguyễn Hồng Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Sao Mai cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc diện tích vùng nguyên liệu chanh dây của công ty không đạt được như kế hoạch là do trong thời gian qua, giá của một số loại cây trồng khác như sầu riêng, cà phê, hồ tiêu đạt được giá bán cao.

Bên cạnh đó, khi chuyển đổi canh tác nông nghiệp, bà con nông dân vẫn chưa tự tin để trồng chanh dây. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất của nhà máy đang tạm thời đáp ứng được nhu cầu của khoảng 350 ha, nên công ty xác định trước mắt sẽ phát triển vùng nguyên liệu theo công suất của nhà máy.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Kon Tum là tỉnh có diện tích nông nghiệp lớn, chính vì vậy, tháng 12/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án xác định, đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển được 2.000 ha chanh dây, tăng lên 2.677 ha vào năm 2030. Cùng với đó, đến năm 2025, hình thành hai vùng sản xuất chanh dây tập trung để làm nòng cốt, hạt nhân thu hút người dân cùng tham gia trồng tại thành phố Kon Tum (100 ha), huyện Đắk Hà (100 ha).

Tuy nhiên, để phát triển diện tích chanh dây, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng xác định, cần thu hút các nhà máy chế biến sâu các sản phẩm trái cây.

Nhìn về quá khứ, năm 2020, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đã đề nghị Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) đặt một nhà máy tại Kon Tum để phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp cho bà con nông dân. Tuy nhiên, DOVECO đã từ chối, phần vì đơn vị này đã có nhà máy tại tỉnh Gia Lai, phần vì hệ thống hạ tầng giao thông tại Kon Tum chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển, logistics của công ty.

Nhà máy chế biến nước ép hoa quả của Công ty TNHH chế biến nông sản Sao Mai, Kon Tum đang được xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động tháng 6/2025, có thể sản xuất 150 - 170 tấn quả tươi chanh dây mỗi ngày.

Nhà máy chế biến nước ép hoa quả của Công ty TNHH chế biến nông sản Sao Mai, Kon Tum đang được xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động tháng 6/2025, có thể sản xuất 150 - 170 tấn quả tươi chanh dây mỗi ngày.

Cũng trong năm 2020, tỉnh Kon Tum đã thu hút Công ty TNHH chế biến nông sản Sao Mai. Đến nay, công ty đã xây dựng xong hệ thống 3 nhà xưởng có diện tích 20.000 m2 tại Khu Công nghiệp Sao Mai với tổng kinh phí khoảng 320 tỷ đồng. Đơn vị sẽ đưa ra thị trường các loại rượu ngâm, nước trái cây, nông sản được thu mua từ người nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đối với nước trái cây, nhà máy có khả năng chế biến và đưa ra thị trường nước ép, nước ép nguyên liệu đối với chanh dây, dứa, ổi, xoài. Với hệ thống máy móc, trang thiết bị được nhập khẩu trực tiếp từ Italia, doanh nghiệp này kỳ vọng các sản phẩm của nhà máy sẽ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc, mang lại giá trị kinh tế lớn cho tỉnh.

Riêng đối với chanh dây, ông Nguyễn Hồng Mạnh cho biết, nhà máy sẽ sản xuất ra nước ép cô đặc đối với loại quả này. Công ty sẽ đầu tư kỹ thuật, phân bón; đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân với giá bảo hiểm là 5.000 đồng/kg. Nếu giá trị trường cao hơn giá bảo hiểm, đơn vị sẽ thu mua theo giá thị trường; nếu giá trị trường thấp hơn giá bảo hiểm, đơn vị vẫn sẽ thu mua theo giá bảo hiểm để đảm bảo bà con nông dân không bị lỗ nếu giá chanh dây xuống thấp.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, để bà con nông dân hiểu được giá trị của chế biến sâu, mang đến lợi ích lâu dài. Từ nay đến tháng 6/2025 – thời điểm hệ thống dây chuyền sản xuất đi vào hoạt động thì sẽ thu hoạch trên diện tích 350 ha, sản lượng từ 35.000 – 40.000 tấn nguyên liệu quả, phục vụ cho việc sản xuất của nhà máy. Về lâu dài, nhà máy có thể tăng thêm gấp đôi vùng nguyên liệu chanh dây để phục vụ cho việc sản xuất", ông Nguyễn Hồng Mạnh khẳng định.

Ông Bùi Đức Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, trong thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, công ty trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chanh dây cho người dân.

"Ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt chú trọng triển khai các chuỗi liên kết giữa công ty với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thông qua ký kết hợp đồng đầu tư sản xuất và thu mua sản phẩm chanh dây tươi với giá sàn cố định trong trường hợp giá chanh dây trên thị trường xuống thấp. Qua đó, đảm bảo tiêu thụ 100% sản phẩm chanh dây tươi cho người sản xuất, hạn chế thấp nhất việc tồn đọng sản phẩm, đảm bảo người sản xuất không bị thiệt hại ở mức tối đa, tránh tình trạng phát triển ồ ạt rồi phá bỏ như những năm trước ở các tỉnh Tây Nguyên", ông Bùi Đức Trung nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kon-tum-ly-do-kho-phat-trien-dien-tich-chanh-day-20241122095540409.htm
Zalo