Kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho các chủ hộ kinh doanh

Ngày 3/1, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật BHXH số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH. Cuộc họp do Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chủ trì.

Toàn cảnh cuộc họp thẩm định.

Toàn cảnh cuộc họp thẩm định.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: theo quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995, Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ, Luật BHXH các năm 2006 và 2014 thì đều không quy định Chủ hộ kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; từ năm 2008 trở đi, nếu có nhu cầu thì chủ hộ kinh doanh có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật BHXH số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH là cần thiết nhằm giải quyết hạn chế, vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh thời gian qua.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày nội dung chính của dự thảo Nghị quyết.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày nội dung chính của dự thảo Nghị quyết.

Qua đó đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo cơ sở pháp lý trong việc thực hiện thu và giải quyết chế độ BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh trong giai đoạn trước ngày Luật BHXH số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành. Đồng thời đáp ứng nguyện vọng và đảm bảo quyền lợi cho các chủ hộ kinh doanh và góp phần mở rộng bao phủ đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng BHXH.

Tham dự cuộc họp, thành viên Hội đồng thẩm định đã cho ý kiến cụ thể về tên gọi, sự cần thiết và nội dung dự thảo Nghị quyết. Theo đó, đại diện Bộ Công an cho rằng, nên quy định rõ chủ hộ kinh doanh phải nộp lại toàn bộ số tiền đã được hoàn trả vào quỹ BHXH; đồng thời quy định cụ thể thời gian phải nộp lại số tiền để thuận tiện cho việc thi hành Nghị quyết. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, củng cố thêm Báo cáo đánh giá tác động chính sách theo đúng biểu mẫu đã được quy định.

Còn đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá dự thảo Nghị quyết đã phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc chủ hộ kinh doanh, nếu có nguyện vọng ghi nhận thời gian đã đóng BHXH bắt buộc trước đó thì phải nộp lại toàn bộ số tiền đã được hoàn trả vào quỹ BHXH hay có thể nộp lại một phần số tiền.

Ngoài ra, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng nêu lên một số vấn đề như: việc hoàn trả BHXH có làm phát sinh thủ tục hành chính hay không; hiệu lực thi hành của Nghị quyết phải phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật BHXH số 41/2024/QH15…

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp thẩm định.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng kết luận cuộc họp thẩm định.

Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhất trí việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chính sách, chế độ BHXH và đảm bảo quyền lợi của chủ hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tính toán tổng số tiền và thời hạn thực hiện hoàn trả tiền đóng BHXH; cân nhắc, lựa chọn sử dụng thuật ngữ trong dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.Thứ trưởng cũng gợi mở việc giao cho Bộ chủ quản có hướng dẫn trong trường hợp phát sinh thủ tục hành chính.

Lê Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kip-thoi-giai-quyet-che-do-bao-hiem-xa-hoi-bat-buoc-cho-cac-chu-ho-kinh-doanh-post536765.html
Zalo