Kinh tế Việt Nam tiếp đà hồi phục trên nhiều lĩnh vực
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, và đang nỗ lực để có thể về đích với mức tăng trưởng GDP 7%.
Công nghiệp, xuất khẩu tiếp tục “kéo” kinh tế đi lên
Kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi rõ nét trên các lĩnh vực. Các chỉ số kinh tế vĩ mô mà Tổng cục Thống kê công bố cuối tuần qua cho thấy điều đó. Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng nhấn mạnh điều này.
“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn”, Thứ trưởng nói và viện dẫn một loạt con số.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ, 8 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%.
Động lực cho sản xuất công nghiệp phục hồi chính là xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 8 tháng tăng lần lượt 16,7%, 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 19,1 tỷ USD.
Ít hôm trước, Ngân hàng Thế giới (WB) khi công bố báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam đã dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, sau đó tăng lên 6,5% trong 2 năm 2025 và 2026. Dự báo này được đưa ra dựa trên các đánh giá về khả năng tiếp tục tăng trưởng của thương mại hàng hóa, sự phục hồi của thị trường bất động sản, sự cải thiện của nhu cầu trong nước…
“Trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi”, ông Sebastian Eckardt, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB đã nói như vậy.
Và có lẽ, sự hưởng lợi này sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm. Theo báo cáo mới công bố của S&P Global, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,4 điểm trong tháng 8/2024. Tuy con số này giảm so với mức 54,7 điểm trong tháng 7, nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh vào thời điểm giữa quý III. Sản lượng và các đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể.
“Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam có sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại so với mức đặc biệt cao được ghi nhận trong tháng 6 và tháng 7. Những mức tăng này luôn khó duy trì và tốc độ tăng trưởng vẫn đáng kể, nên có rất ít lý do phải lo ngại về khía cạnh này”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nói.
Các lĩnh vực khác của kinh tế Việt Nam cũng tiếp đà phục hồi và sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng. Đơn cử, ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ. Tháng 8/2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,43 triệu lượt người, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, con số là hơn 11,4 triệu lượt người, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra Covid-19.
Phía trước là khó khăn, áp lực
“Nền kinh tế đã phục hồi tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch, với nhiều điểm sáng, nhất là trong xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương một lần nữa nhấn mạnh. Đánh giá này nhận được sự đồng tình của các thành viên Chính phủ.
Một điểm tích cực hơn nữa, đó là IIP 8 tháng năm 2024, nếu so với cùng kỳ năm trước, đã tăng ở 61 địa phương và chỉ còn giảm ở 2 địa phương. Tức là qua tháng 8, đã có thêm một địa phương “thoát âm”.
Tuy vậy, một lần nữa, áp lực trong điều hành kinh tế vĩ mô, những rủi ro, khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt vẫn tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh. Đó là các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần quyết liệt cải thiện, tháo gỡ; sản xuất công nghiệp vẫn phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế và sức mua của các thị trường lớn; tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án bất động sản, triển khai các dự án đầu tư còn chậm, nhất là các dự án có quy mô lớn, dự án sử dụng vốn đầu tư công...
Trong khi đó, đầu tư phục hồi chậm; sức mua trong nước 8 tháng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019. Khu vực doanh nghiệp còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường vẫn ở mức cao. Chưa kể, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Những nỗi lo đó đã nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại các phiên họp thường kỳ Chính phủ. Lần này cũng vậy, nỗi lo chưa nguôi…
Trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam, các chuyên gia của WB cũng cảnh báo, một trong những rủi ro chính đối với tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là sự bất định của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… “Những diễn biến đó có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo của Việt Nam và ảnh hưởng tới tăng trưởng”, chuyên gia của WB nhận xét.
Chưa kể, theo WB, các vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô cũng có thể tác động đến niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, tác động xấu đến đầu tư của khu vực tư nhân…
Để thúc đẩy tăng trưởng, WB cho rằng, cần đẩy mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn, vừa góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt hạ tầng, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và logistics - những nút thắt đang cản trở tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát sao chất lượng tài sản của các ngân hàng do nợ xấu gia tăng…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đưa ra hàng loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,5-7% trong năm nay. Không chỉ tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu, Bộ một lần nữa nhấn mạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các động lực tăng trưởng mới, như bán dẫn, AI… Và đặc biệt, tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý của tất cả dự án để giải phóng tối đa các nguồn lực còn đang tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển.
Nhằm khơi thông nguồn lực, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nỗ lực sửa đổi Luật Đầu tư công, cũng như các luật Đấu thầu, PPP, Đầu tư, Quy hoạch…