Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Những điểm nhấn trên thị trường vốn

Theo một chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới, hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi.

Trong nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Trong nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Tháng 8/2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều đánh giá tích cực. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 lên 6,1% từ mức 5,5% trước đó. Tăng trưởng trong hai năm 2025 và 2026 cũng ước đạt 6,5%.

Theo WB, trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô vững vàng, thị trường vốn ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Mặc dù vậy, các chỉ số thị trường vốn của Việt Nam vẫn cho thấy cơ hội tiếp tục tăng trưởng.
Kinh tế hưởng lợi nhờ nhu cầu xuất khẩu phục hồi

Với tiêu đề “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn”, báo cáo của WB ghi nhận khả năng chống chịu của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng trên toàn cầu. GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,4% trong nửa đầu năm 2024 (so với cùng kỳ năm trước), cao hơn mức tăng 5% của nửa đầu năm 2023, nhờ xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến phục hồi, cũng như đầu tư và tiêu dùng cao hơn.

Mặc dù đóng góp ròng của xuất khẩu (chênh lệch xuất nhập khẩu) cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng tăng trưởng thương mại đã góp phần giúp nhu cầu trong nước từng bước phục hồi. Trên phương diện sản xuất, các lĩnh vực chế biến chế tạo, các ngành dịch vụ liên quan đến xuất khẩu và du lịch đạt mức tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng nền kinh tế vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19. Theo WB, dù đang hồi phục nhưng chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp hơn mức tăng trưởng được ghi nhận trong giai đoạn trước đại dịch.

Các chuyên gia của WB cho rằng tăng trưởng tín dụng có cải thiện, tuy nhiên chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là một quan ngại lớn. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi. Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng gấp 2,5 lần trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, do các ngân hàng tận dụng môi trường lãi suất thấp để đảo nợ trái phiếu.

“Trong nửa đầu năm nay, kinh tế Việt Nam được hưởng lợi do nhu cầu hàng xuất khẩu phục hồi”, ông Sebastian Eckardt, Trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cho biết. Theo ông, “để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trong thị trường tài chính”.
Tầm quan trọng của việc phát triển các thị trường vốn

Một chuyên đề đặc biệt của báo cáo “Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn” nhấn mạnh rằng việc phát triển các thị trường vốn sẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô vững vàng, thị trường vốn ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế tích cực, lạm phát thấp và tỷ giá ổn định, kết hợp với ổn định chính trị khiến thị trường vốn của Việt Nam đang bắt kịp với các quốc gia so sánh trong khu vực xét về quy mô, đạt trên 90% GDP vào năm 2023, tương đương với Indonesia. Các thị trường vốn vận hành tốt là điều kiện quan trọng để huy động nguồn lực trong tổng thể thị trường tài chính mang tính bao trùm.

Báo cáo chỉ ra rằng các chỉ số thị trường vốn của Việt Nam vẫn cho thấy cơ hội tiếp tục tăng trưởng. Những thách thức chính của thị trường vốn, bao gồm tỷ trọng thấp của các nhà đầu tư tổ chức trong cơ cấu nhà đầu tư và đầu tư từ quỹ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) chưa được khai thác đúng mức.

FDI tiếp tục là điểm sáng

Để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam Dorsati Madani cho rằng, Việt Nam cần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Để duy trì dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam Dorsati Madani cho rằng, Việt Nam cần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Báo cáo của WB khẳng định dòng vốn FDI vào Việt Nam dự kiến vẫn ổn định trong ngắn và trung hạn, do nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có niềm tin với triển vọng kinh tế của Việt Nam và do các chuỗi cung ứng tiếp tục dịch chuyển trên khắp khu vực.

Phương Nga (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-viet-nam-qua-goc-nhin-quoc-te-nhung-diem-nhan-tren-thi-truong-von/345370.html
Zalo