Kinh tế vĩ mô nhiều gam xám, chứng khoán sẽ phản ứng ra sao?

Tuần qua, chứng khoán trong nước điều chỉnh sau chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước đó. Số liệu vĩ mô quý II chưa có nhiều cải thiện tích cực khiến một bộ phận nhà đầu tư đã đẩy mạnh chốt lời, và kỳ vọng mua lại cổ phiếu ở vùng giá thấp hơn. Tuần tới, liệu lực cầu bắt đáy có xuất hiện?

Có nên "bắt đáy" trong tuần tới?

Đà phục hồi phiên thứ 6 tuần trước không duy trì được lâu khi áp lực chốt lời xuất hiện ngay từ phiên đầu tuần. Áp lực bán ngày càng gia tăng sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu vĩ mô quý II, chưa có nhiều cải thiện tích cực. Cụ thể, GDP Việt Nam tiếp tục tăng trưởng thấp trong do thiếu hụt đơn hàng cho lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khó có thể kỳ vọng bức tranh kết quả kinh doanh (KQKD) quý II của các doanh nghiệp niêm yết có sự chuyển biến tích cực. Một bộ phận nhà đầu tư đã đẩy mạnh chốt lời và kỳ vọng mua lại cổ phiếu ở vùng giá thấp hơn khi thông tin về KQKD kém tích cực xuất hiện. Chốt tuần giao dịch, VN-Index giảm 9,2 điểm đóng cửa tại 1.120,2 điểm (-0.81% so với tuần trước).

Thanh khoản giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 19.052 tỷ đồng (-2,1% so với tuần trước). Tuần này, khối ngoại tiếp tục bán ròng tuy nhiên với giá trị không đáng kể là 39,2 tỷ đồng (giảm 80% so với tuần trước).

Xu hướng dòng tiền của các nhóm nhà đầu tư tuần qua.

Xu hướng dòng tiền của các nhóm nhà đầu tư tuần qua.

Chuyên gia của Chứng khoán VNDirect nhận định, nhịp giảm điểm tuần qua chưa ảnh hưởng nhiều tới xu hướng tăng của thị trường. Lực cầu bắt đáy sẽ sớm xuất hiện, giúp chỉ số VN-Index phục hồi trở lại khi chạm hỗ trợ là đường xu hướng ngắn hạn (MA20), tương ứng vùng 1.115 -1.120 điểm.

Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu, dòng tiền sẽ không rút khỏi thị trường mà tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Do đó, mặc dù các chỉ số chứng khoán có thể chưa bứt phá mạnh ở thời điểm hiện tại nhưng một số nhóm cổ phiếu vẫn có thể hút dòng tiền và ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung.

"Nhà đầu tư nên tận dụng nhịp tạm nghỉ hiện tại của thị trường để tái cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên lựa chọn những nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ rõ rệt và triển vọng KQKD tích cực trong nửa cuối năm, bao gồm ngành hưởng lợi sớm từ xu hướng giảm của lãi suất (ngân hàng, chứng khoán) cũng như ngành hưởng lợi từ động thái thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Chính phủ và các doanh nghiệp quốc doanh (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng và dầu khí)" - chuyên gia từ VNDirect khuyến nghị.

Theo chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), việc điều chỉnh là cần thiết khi VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.120 điểm, sau giai đoạn dài tăng điểm. Qua đó, chỉ số chính sẽ tiếp tục tích lũy thêm nội lực, trước khi có thể bứt phá dứt khoát khỏi khu vực kháng cự.

SHS cho rằng, thị trường duy trì sóng hồi với sức mạnh ổn định được thể hiện rõ qua từng đợt tăng kèm điều chỉnh tích lũy lại. Với trạng thái hiện tại, khả năng VN-Index sớm tăng điểm trở lại để hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh hơn quanh 1.150 điểm vẫn được duy trì.

“Nhìn chung, thị trường chứng khoán thường sẽ có những phản ứng sớm nên chúng tôi kỳ vọng việc chuyển trạng thái sang vận động tích cực. Tuy nhiên thị trường ngắn hạn dự báo vẫn tiếp tục có các nhịp rung lắc, điều chỉnh trong sóng hồi hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh 1.150 điểm”, SHS nhận định.

Chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, với diễn biến hiện tại, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng và khiến chỉ số chung giảm dưới vùng điểm hỗ trợ 1.120 điểm thì xác suất thị trường tiếp tục điều chỉnh về 1.100 điểm là cần được tính đến. Chỉ số VN-Index khi đó sẽ tiếp tục xu hướng tích lũy với biên độ lớn như giai đoạn đầu năm nay cùng với sự phân hóa mạnh mẽ hơn giữa các nhóm cổ phiếu.

Trong kịch bản này, chuyên gia VCBS khuyến nghị: "Nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, chủ động thu gọn danh mục, nâng cao tỉ trọng tiền mặt thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm".

27 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức

Tuần giao dịch tới (3-7/7), 27 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức, và 2 doanh nghiệp trả cổ phiếu thưởng. Cụ thể, 17 doanh nghiệp đều trả cổ tức bằng tiền mặt, 6 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp phát hành thêm và 3 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp cả cổ phiếu và tiền mặt trong tuần này.

Tuần tới, 27 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức, và 2 doanh nghiệp trả cổ phiếu thưởng (dữ liệu: vietstock)

Tuần tới, 27 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức, và 2 doanh nghiệp trả cổ phiếu thưởng (dữ liệu: vietstock)

Trong số này doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt, CTCP Lương thực Bình Định chi mức cao nhất là 40%. CTCP Lương thực Bình Định (Bidifood, mã: BLT) thông báo, ngày 4/7 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền năm 2022 và tạm ứng cổ tức bằng tiền từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/7.

Công ty dự kiến chi trả với tổng tỷ lệ thực hiện là 40% (1 cổ phiếu nhận được 4.000 đồng). Trong đó, 10% là cổ tức bằng tiền năm 2022 và 30% là tạm ứng cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, không bao gồm lợi nhuận chưa phân phối năm 2022.

Hiện, BLT có 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp cần chi 16 tỷ đồng cho đợt trả này. Ngày thanh toán dự kiến vào 19/7.

Việt Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kinh-te-vi-mo-nhieu-gam-xam-chung-khoan-se-phan-ung-ra-sao-post1547927.tpo
Zalo