Kinh tế tuần hoàn lâm sản: Từ tiềm năng đến hành động

Yên Bái - một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn nhất miền Bắc, từ lâu đã xác định lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới nền kinh tế xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn được coi là giải pháp tối ưu để gia tăng giá trị sản phẩm, giảm tác động môi trường.

Chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Kim Gia, Khu công nghiệp phía Nam.

Chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thương mại sản xuất Kim Gia, Khu công nghiệp phía Nam.

Tại Yên Bái, dù đã có một số mô hình tiên phong nhưng kinh tế tuần hoàn vẫn chưa thực sự trở thành động lực thay đổi ngành lâm sản. Vậy, Yên Bái cần làm gì để đưa kinh tế tuần hoàn từ một khái niệm lý thuyết thành một xu hướng phát triển thực tiễn?

Tỉnh Yên Bái tự hào với diện tích đất có rừng ấn tượng, đạt trên 462.536 ha và độ che phủ rừng đạt 63%. Theo quy hoạch đến năm 2030, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh dự kiến mở rộng lên 483.684 ha. Phát huy thế mạnh về tài nguyên, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều cơ sở sản xuất gỗ dán, viên nén sinh học, tinh dầu quế, ván ép, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.

Tuy nhiên, ngành lâm sản Yên Bái vẫn tồn tại những nút thắt cần tháo gỡ để phát triển bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn. Quy trình sản xuất hiện tại vẫn còn nhiều công đoạn chế biến thô, dẫn đến giá trị gia tăng chưa cao, sức cạnh tranh hạn chế. Lượng chất thải từ khai thác và chế biến chưa được quản lý và tận dụng hiệu quả, gây tác động không nhỏ đến môi trường.

Mặc dù Yên Bái đã nỗ lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng xử lý các loại chất thải đặc thù của ngành lâm sản theo hướng kinh tế tuần hoàn vẫn là thách thức lớn. Những năm gần đây, một số doanh nghiệp, hợp tác xã ở Yên Bái đã bắt đầu triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế phẩm để tạo ra các sản phẩm có giá trị.

Đơn cử, Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tại huyện Trấn Yên đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế hữu cơ, tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển cây quế theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị và mở cánh cửa xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm an toàn lao động cho thành viên.

Mới đây, Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái tại Cụm công nghiệp Bắc Văn Yên bằng việc tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp và chế biến lâm sản để sản xuất điện không chỉ giảm thiểu chất thải mà còn tạo ra nguồn năng lượng tái tạo quý giá. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng phế liệu gỗ để sản xuất viên nén nhiên liệu cũng ngày càng được nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ quan tâm và triển khai.

Việc tỉnh Yên Bái chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị cũng là một bước đi đúng đắn, tạo tiền đề tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải trong toàn bộ chu trình sản xuất. Những mô hình này cho thấy kinh tế tuần hoàn không chỉ góp phần bảo vệ tài nguyên mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành lâm sản. Mặc dù đã có những mô hình thành công nhưng vấn đề đặt ra là kinh tế tuần hoàn vẫn chưa thực sự chiếm tỷ trọng lớn trong ngành lâm sản Yên Bái.

Nguyên nhân xuất phát từ nhiều rào cản. Việc áp dụng công nghệ tái chế phế phẩm đòi hỏi vốn lớn, trong khi đa số doanh nghiệp chế biến lâm sản chưa đủ tiềm lực tài chính để đầu tư công nghệ tiên tiến. Các chính sách hỗ trợ tài chính từ Nhà nước vẫn còn hạn chế, chưa tạo động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới mô hình sản xuất.

Chủ trương phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ đặt ra song với các địa phương của tỉnh, chính sách hỗ trợ vẫn còn chung chung, chưa có ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp tái chế phế phẩm lâm sản. Ngoài ra, hệ thống pháp lý về tiêu chuẩn chất lượng, quy trình kiểm định sản phẩm tái chế cũng chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp vẫn tập trung xuất khẩu nguyên liệu thô, chưa chú trọng chế biến sâu. Nguyên nhân không chỉ do thiếu vốn mà còn vì chưa có nhận thức đầy đủ về lợi ích dài hạn của kinh tế tuần hoàn. Khi chưa có áp lực lớn từ thị trường hoặc chính sách bắt buộc, các doanh nghiệp thường chọn cách làm đơn giản hơn là khai thác và tiêu thụ nhanh thay vì tái chế và tối ưu hóa tài nguyên.

Chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành lâm sản Yên Bái hứa hẹn mang lại lợi ích to lớn và toàn diện trên cả ba trụ cột: kinh tế, môi trường và xã hội. Để kinh tế tuần hoàn không còn là một khái niệm xa vời mà trở thành động lực phát triển thực tế, Yên Bái cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tỉnh cần có cơ chế ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư tái chế phế phẩm lâm sản; xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm tái chế; hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường; cần có các chương trình đào tạo, hội thảo nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, giúp doanh nghiệp thấy rõ lợi ích dài hạn của mô hình này; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến sâu thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô.

Để tạo chỗ đứng trên thị trường, Yên Bái cần tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn như tinh dầu quế hữu cơ, than hoạt tính từ vỏ quế, viên nén sinh học; mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu sang châu Âu - nơi có nhu cầu cao đối với sản phẩm thân thiện môi trường.

Yên Bái có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành lâm sản. Nhưng nếu không có những chính sách thực sự mạnh mẽ và sự vào cuộc quyết liệt từ doanh nghiệp, mô hình này sẽ vẫn dừng ở lý thuyết. Để biến lợi thế rừng thành giá trị kinh tế dài lâu, tỉnh cần nhanh chóng tháo gỡ, thúc đẩy liên kết và đầu tư chế biến sâu; tận dụng triệt để nguyên liệu, biến phế thải ngành lâm nghiệp thành tài nguyên. Đây không chỉ là cơ hội để Yên Bái nâng tầm thương hiệu lâm sản mà còn là trách nhiệm bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/348030/kinh-te-tuan-hoan-lam-san-tu-tiem-nang-den-hanh-dong.aspx
Zalo