Kinh tế tuần hoàn: 'Chìa khóa' giải quyết bài toán chất thải rắn

Sáng 12/7 tại Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo 'Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chính sách và thực thi'.

Hội thảo do Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hanns Seidel Foundation tổ chức, nhằm đánh giá hiệu quả của báo chí và tham vấn, đề xuất các giải pháp trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh.

Kể từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 142) và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020. Các quy định pháp luật này đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý chất thải như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...

Ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện chính sách, Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo

Ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện chính sách, Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Thanh Dung – Phó Viện trưởng Viện chính sách, Tài nguyên và Môi trường cho biết: Quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, ước tính lượng CTRSH phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16 % mỗi năm. Năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 26.100 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng 22.400 tấn/ngày. Trong khi đó, ở khu vực thành thị, vẫn còn khoảng 5-10% chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom, và ở các vùng nông thôn, tỷ lệ này khoảng 30-45%. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng 10% lượng chất thải nguy hại hiện vẫn chưa được thu gom, xử lý.

Đồng thời, việc xử lý chất thải rắn hiện nay vẫn còn khá nhiều hạn chế; việc áp dụng các công nghệ xử lý tiên tiến, đặc biệt là công nghệ biến chất thải thành năng lượng, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Mai Thanh Dung cho biết, Kế hoạch hành động quốc gia về Kinh tế tuần hoàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ, sau khi được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ tiến hành triển khai thực hiện tại các địa phương trên cả nước. Điều này sẽ giúp cho công tác thực thi bảo vệ môi trường được tốt hơn cũng như thúc đẩy các ngành kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Ông Lê Anh Vũ - đại diện Hanns Seidel Foundation Việt Nam chia sẻ: Tại Việt Nam, Hanns Seidel Foundation đã hợp tác với các Bộ, trường đại học, tổ chức phi chính phủ, địa phương, Văn phòng Quốc hội để hỗ trợ quá trình hoàn thiện chính sách trong các lĩnh vực liên quan đến bảo trợ xã hội, phát triển bền vững và chính sách môi trường.

Ông Lê Anh Vũ đã nhấn mạnh 2 khía cạnh được ông cho là quan trọng trong việc quản lý chất thải rắn trong quá trình chuyển đổi tuần hoàn. Thứ nhất, thay vì tiêu hủy, xử lý chất thải thì có thể áp dụng những phương pháp mang tính tuần hoàn, các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải được coi là những biện pháp hữu hiệu để giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm các nguy cơ về môi trường.

Thứ hai, việc sử dụng tầm quan trọng của tính tuần hoàn để thúc đẩy sự đổi mới trong công nghệ quản lý chất thải rắn. Với các biện pháp khuyến khích phù hợp, đầu tư vào các giải pháp xử lý rác thải bền vững và tăng cường khả năng kỹ thuật số cũng như cung cấp hỗ trợ cho các nhà khoa học. Điều này sẽ cần sự tham gia mạnh mẽ của khu vực tư nhân, học thuật cũng như các cấp địa phương.

Ông Đào Duy Vinh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh

Ông Đào Duy Vinh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh

Ở góc độ quản lý nhà nước tại địa phương về môi trường, ông Đào Duy Vinh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quang Ninh cho biết: Quảng Ninh là tỉnh có nhiều loại khoáng sản có giá trị công nghiệp, quan trọng nhất là than đá chiếm trên 90% trữ lượng của cả nước, cùng với đó là danh thắng Yên Tử, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, trung tâm logistics... đồng thời Quảng Ninh cũng là cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, hệ thống cảng biển thuận tiện, có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước trên thế giới...

Trong những năm qua, Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 – 2030 đã xác định mục tiêu: Tỉnh Quảng Ninh sẽ trở thành điển hìnhtrong thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về tiêu chí tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Quảng Ninh xác định đó là cần ưu tiên thực hiện là sớm xây dựng được cơ chế, chính sách thuận lợi để: đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài vào hoạt động thu gom, phân loại chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải; coi chất thải là tài nguyên, thực hiện quản lý chặt chẽ và khơi thông biến rác thải thành nguồn lực cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh’- ông Vinh cho hay.

Tại hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp trong quản lý chất thải rắn: Đơn cử như Hitachi Zonsen với giải pháp thu hồi vật liệu từ các chất tái chế tại các cơ sở tái chế vật liệu và giải pháp đốt rác phát điện, mô hình carbon hóa không dùng năng lượng hướng tới phục hồi tài nguyên; Công tác quản lý chất thải rắn tại Vịnh Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh..

Mô hình Vrac Bank của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh

Mô hình Vrac Bank của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh

Hội thảo cũng đã tiến hành thảo luận và đi thực tế, thăm quan mô hình phân loại chất thải rắn, thu gom rác nổi tại Vịnh Hạ Long; mô hình giảm nhựa sử dụng một lần tại Khách sạn Sài Gòn Hạ Long; Mô hình Ngân hàng rác - Đổi rác lấy tiền và giải pháp đồng xử lý chất thải rắn trong lò nung clinker xi măng của Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh; mô hình nâng cao hiệu quả hấp thụ của các bể hấp thụ khí nhà kính thông qua tăng cường công tác trồng rừng, phủ xanh các bãi thải, các vùng đất trống trên toàn bộ diện tích mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam.

Đại diện cơ quan quản lý môi trường tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng những ý kiến chia sẻ tại hội thảo sẽ là cơ sở để Quảng Ninh nghiên cứu, ứng dụng, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại địa phương.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả hội thảo sẽ giúp cho cơ quan này hoàn thiện chính sách, các cơ chế khuyến khích, các quan hệ đối tác/sáng kiến nhiều bên, các giải pháp nhằm giúp nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Bài và ảnh: Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-te-tuan-hoan-chia-khoa-giai-quyet-bai-toan-chat-thai-ran-331661.html
Zalo