Kinh tế Trung Quốc có 'đòn bẩy' rất mạnh - 'sức sống' cần thiết cho toàn cầu?

Kinh tế Trung Quốc tăng tốc phục hồi, bất chấp mọi khó khăn trong năm nay. Đà đi lên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mang lại 'sức sống' rất cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu, đang bị che mờ bởi tốc độ tăng trưởng chậm và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Khách du lịch ở Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc, ngày 12/7. (Ảnh: Yang Guanyu/Xinhua)

Khách du lịch ở Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc, ngày 12/7. (Ảnh: Yang Guanyu/Xinhua)

Không thể phủ nhận, một số lĩnh vực của Trung Quốc vẫn đang phải hứng chịu những "cơn gió ngược" kinh tế từ cả trong và ngoài. Nhưng trong ba quý năm 2023, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu thành tích mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu

Nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% đặt ra cho năm 2023.

Thời gian gần đây, đất nước tỷ dân có những dấu hiệu phục hồi và chính phủ đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong dài hạn.

Thị trường tiêu dùng của nước này - được củng cố bởi dân số hơn 1,4 tỷ người và nhóm thu nhập trung bình ngày càng mở rộng - sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước và thu hút các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.

Chi tiêu tiêu dùng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp 83,2% vào tăng trưởng kinh tế trong ba quý đầu năm.

Bên cạnh đó, là thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới và thị trường thương mại điện tử lớn nhất, quốc gia này đã chứng kiến doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng, với mức tăng 7,6% trong tháng 10/2023.

Ngoài ra, lĩnh vực chuyển phát nhanh của Trung Quốc đã xử lý kỷ lục 120 tỷ bưu kiện trong năm nay. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng liên tục phục hồi.

Trong 15 năm tới, nhóm thu nhập trung bình của đất nước dự kiến vượt quá 800 triệu người, tạo nên một thị trường tiêu dùng khổng lồ.

Dân số ngày càng thịnh vượng và quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu dùng và đầu tư còn khá lớn. Những điều này sẽ thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát triển ổn định về lâu dài.

Khả năng phục hồi đáng chú ý

Nền kinh tế Trung Quốc thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý. Nước này tăng cường điều tiết kinh tế vĩ mô trong năm nay để đối phó với những thách thức từ bên ngoài và duy trì sự ổn định kinh tế - xã hội.

Khi các chính sách của chính phủ dần có hiệu lực, lạm phát tiêu dùng vẫn được Trung Quốc duy trì ở mức thấp; việc làm, thu nhập của người dân ổn định và rủi ro tài chính được kiểm soát.

Dù vẫn còn lượng nợ khổng lồ, tình trạng thất nghiệp gia tăng và loạt vấn đề cần giải quyết nhưng ông Neumann nhìn nhận, Trung Quốc vẫn có “đòn bẩy" rất mạnh bởi theo một nghĩa nào đó, các vấn đề không đủ tệ để thực sự gây ra một cuộc khủng hoảng lớn.

Trong khi đó, nợ chính phủ ở mức trung bình và thấp trên phạm vi quốc tế, kết hợp với lạm phát nhẹ, các nhà hoạch định chính sách có nhiều không gian để nghiên cứu chính sách và nhiều lựa chọn để hành động trong trường hợp xảy ra những thách thức bất ngờ.

Không chỉ thế, còn có các yếu tố khác đóng góp vào khả năng phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt là công nghiệp. Trong 13 năm liên tiếp (2009-2022), lĩnh vực sản xuất của nước này đứng đầu thế giới về quy mô, đóng góp tới hơn 30% tổng giá trị của thế giới.

Song song với đó, lĩnh vực công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, Chỉ số đổi mới - thước đo khả năng đổi mới của đất nước - đã tăng 5,9%, lên 155,7 điểm vào năm 2022 so với năm 2021.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% đặt ra cho năm 2023. (Nguồn: Reuters)

Nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% đặt ra cho năm 2023. (Nguồn: Reuters)

Vẫn còn một “ngọn đồi dốc phải leo lên”

Thế giới đang háo hức nhìn vào tiềm năng của Trung Quốc trong thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu, khi nước này tiếp tục cơ cấu lại kinh tế và mở cửa hơn nữa.

Pin mặt trời, pin lithium-ion và xe điện - đã thay thế quần áo, thiết bị gia dụng và đồ nội thất - để trở thành động lực hàng đầu cho ngoại thương của Trung Quốc. Ba lĩnh vực này duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng, với tổng giá trị xuất khẩu tăng 41,7% trong ba quý đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2022.

Nền kinh tế lớn thứ hai đang theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon. Công suất lắp đặt năng lượng tái tạo của quốc gia này đã vượt qua năng lượng than vào tháng 6. Năng lượng tái tạo cũng chiếm gần một nửa tổng năng lượng của cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Frederic Neumann, kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á (Ngân hàng HSBC), nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn một “ngọn đồi dốc phải leo lên”.

Theo số liệu công bố chính thức, xuất khẩu của Trung Quốc tháng 11/2023 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng này trái ngược hoàn toàn với dự báo sụt giảm 1,1% của các chuyên gia phân tích. Trong tháng 10/2023, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11/2023 tuy nhiên lại giảm 0,6%, trái ngược so với dự báo tăng 3,3% của chuyên gia cũng như mức tăng trưởng 3% của tháng 10/2023. Thực tế này không khỏi khiến nhiều người lo lắng về kịch bản nhu cầu nội địa vẫn còn ở ngưỡng yếu.

Ông Frederic Neumann nhấn mạnh: “Sẽ không có bước tiến nào về phía xuất khẩu trong vài tháng tới. Và khi nhập khẩu lại giảm, điều đó chỉ rõ rằng, để tạo đà tăng trưởng mạnh, Bắc Kinh vẫn còn một ngọn đồi dốc phải leo lên".

Vị chuyên gia này cho biết thêm, nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm trong năm nay do tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

“Tất cả các chỉ số hướng tới tương lai - ví dụ như các đơn đặt hàng mới cho thiết bị điện tử, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới - đều cho thấy rằng, nhu cầu không tăng. Trên thực tế, nhiều khả năng nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại trong năm tới và phần các thị trường mới nổi cũng vậy. Vì thế, rất có thể, tình hình xuất khẩu của Trung Quốc chưa được cải thiện", kinh tế trưởng khối Nghiên cứu kinh tế châu Á (Ngân hàng HSBC) khẳng định.

Thời gian qua, chính phủ đã "tung" biện pháp kích thích tài chính để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ ngày càng gia tăng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, mức tăng trưởng GDP là 5,4% trong năm nay và 4,6% vào năm 2024.

Dù nước này vẫn còn lượng nợ khổng lồ, tình trạng thất nghiệp gia tăng và loạt vấn đề cần giải quyết nhưng ông Neumann nhìn nhận, Bắc Kinh vẫn có “đòn bẩy" rất mạnh bởi theo một nghĩa nào đó, các vấn đề không đủ tệ để thực sự gây ra một cuộc khủng hoảng lớn. Nhờ đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn có thể mang lại "sức sống" rất cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu.

(theo Xinhua, CNBC)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-co-don-bay-rat-manh-suc-song-can-thiet-cho-toan-cau-253052.html
Zalo