Kinh tế tích cực, thị trường lao động khởi sắc
Với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta duy trì xu hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, thị trường lao động đã nhiều nét khởi sắc. Số lượng và tỷ lệ lao động thiếu việc làm trong quý IV/2024 giảm thấp nhất kể từ sau đại dịch Covid. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) đã có cuộc trao đổi với báo chí về chủ đề này.
PV: Xin bà cho biết một vài nét chính của thị trường lao động quý IV và năm 2024?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Thị trường lao động quý IV và năm 2024 có nhiều khởi sắc với số người có việc làm tăng cao. Lao động có việc làm quý IV /2024 đạt 52,1 triệu người, tăng 414,9 nghìn người so với quý trước và tăng 639,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng lên trong những tháng cuối năm do có nhiều sự kiện, lễ lớn. Tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong quý IV/2024 duy trì xu hướng tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm của người lao động cũng giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2024 là 2,22%, giảm 0,01 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV/2024 khoảng 764,6 nghìn người, giảm 98,8 nghìn người so với quý trước và giảm 142,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý này là 1,65%, giảm 0,22 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,32 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đây là quý thấp nhất cả về số lượng và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi của nước ta kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay.
Về thu nhập, quý IV/2024 đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý này là 8,2 triệu đồng, tăng 550 nghìn đồng so với quý trước và tăng 890 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV/2024 (đạt 12,2%) gấp gần hai lần tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của quý IV/2023.
Tính chung năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,7 triệu đồng, tăng 8,6%, tương ứng tăng 610 nghìn đồng so với năm trước.
PV: Bên cạnh những kết quả tích cực này, thị trường lao động còn có những hạn chế gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Nhìn chung, thị trường lao động vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, tuy nhiên chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cả nước vẫn còn 71,4% lao động chưa qua đào tạo, có bằng chứng chỉ.
Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn ba phần năm tổng số lao động có việc làm của cả nước.
Theo báo cáo “Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên năm 2024” của ILO, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn cầu năm 2023 là 13% và dự kiến sẽ giảm xuống mức 12,8% trong năm 2024 và 2025. Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi trong quý IV/2024 ở mức 7,96%, thấp hơn so với mức trung bình của toàn cầu nhưng vẫn duy trì mức cao.
PV: Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong vài năm vừa qua, mức sinh của Việt Nam đang giảm mạnh. Bà có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 cho thấy, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam là 1,91 con/phụ nữ. Đây là mức sinh thấp nhất quan sát được từ trước đến nay.
Kể từ năm 2009 đến năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, 2023 - 2024, mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn.
Năm 2023, TFR của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024. TFR của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ).
Rõ ràng, mức sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm và giảm khá nhanh trong những năm gần đây. Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới như: các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại. Năm 2022, các nước OECD có TFR là 1,5 con/phụ nữ; TFR Nhật Bản là 1,26 con/phụ nữ; Hàn Quốc: 0,78 con/phụ nữ.
Nếu chúng ta không sớm có những chính sách kịp thời, mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Vừa qua Bộ Y tế đã có đề xuất không xử lý kỷ luật với Đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Đây cũng là một đề xuất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, có thể nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích sinh phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa Việt Nam để mức sinh không giảm quá nhanh khi kinh tế phát triển.
PV: Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng nhưng cũng đang ở giai đoạn già hóa nhanh. Có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng già hóa này không? Liệu nguy cơ già trước khi giàu của Việt Nam có trở thành hiện thực?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với hai người trong độ tuổi lao động thì có một người phụ thuộc. Trong đó, tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3%.
Năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024. Như vậy, Việt Nam đang ở trong thời kỳ già hóa nhanh do tuổi thọ người dân tăng cao và mức sinh giảm.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng già hóa dân số phản ánh sự thành công trong việc cải thiện điều kiện kinh tế, sức khỏe và phúc lợi xã hội của người dân. Sự tiến bộ của y tế và các chính sách chăm sóc sức khỏe đã giúp giảm nguy cơ tử vong, giúp người dân khỏe mạnh hơn và có tuổi thọ cao hơn.
Chính vì vậy, ngoại trừ chính sách duy trì ổn định mức sinh, không để mức sinh giảm quá nhanh, thì việc đặt vấn đề ngăn chặn tình trạng già hóa dân số là không phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Thay vào đó, chúng ta cần phải tìm giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số.
PV: Xin cảm ơn bà!
Việt Nam vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng
Tính chung năm 2024, lao động có việc làm đạt 51,9 triệu người, tăng 585,1 nghìn người (tương ứng tăng 1,14%) so với năm 2023. Lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính đạt 28,3%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, Việt Nam vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm, đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động.