Kinh tế thị trường của Việt Nam, xu thế không thể đảo ngược

Ngoại trưởng John Kerry - người đã từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam và sau này lại trở thành 'cầu nối' vun đắp cho mối quan hệ Việt - Mỹ, trong một chuyến công cán đến Hà Nội đã nhận xét rằng, Việt Nam là một nền kinh tế đã tạo ra 'niềm hứng khởi'.

Cũng từ thời điểm đó, Việt Nam đã đề nghị phía Mỹ xem xét Việt Nam là một nền kinh tế thị trường (KTTT) và được rất nhiều người Mỹ ủng hộ.

Trước ngưỡng thu nhập trung bình cao

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, chính những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi, đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu đáng kể trong những giai đoạn khủng hoảng.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có một chu kỳ dài tăng trưởng cao và đều đặn. Theo số liệu của WB, trong năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt gần 430 tỷ USD, và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347USD/người.

Đây là con số rất cao so với mức khoảng 100USD/đầu người khi Việt Nam mới mở cửa nền kinh tế, và khoảng hơn 1.000USD khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam rất nhanh, vượt tốc độ ở nhiều nước khu vực, trong đó có Thái Lan, Philippines…

Theo phân loại mới tính từ ngày 1-7-2023 đến 1-7-2024, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia được chia thành 4 nhóm: Các quốc gia có thu nhập bình quân dưới 1.135USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập thấp; các quốc gia có thu nhập bình quân trong khoảng 1.136-4.465USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp; các quốc gia có thu nhập bình quân trong khoảng 4.466-13.845USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Các quốc gia có thu nhập bình quân trên 13.845 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập cao.

Như vậy tính tới năm 2023, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347USD/người, thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Nhưng với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2024 giả sử đạt mức 6,5% và dân số tăng thêm không nhiều, mỗi người dân Việt Nam sẽ có thêm hơn 280USD, đủ để lọt nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao với tiêu chí có 4.516-14.005USD/người.

WB cũng thể hiện sự lạc quan trong dự báo về kinh tế Việt Nam, khi dự kiến GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm 2024, nhờ nhu cầu toàn cầu tăng và niềm tin của người tiêu dùng trong nước được khôi phục. Tăng trưởng GDP thực dự kiến sẽ phục hồi trong 3 năm tới, đạt mức trung bình trước đại dịch vào năm 2026. Điều này cũng có nghĩa, cơ hội để Việt Nam bước vào nhóm quốc gia thu nhập trung bình cao đang đến rất gần.

Dấu ấn đậm nét về độ mở kinh tế

Một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá một quốc gia đó có phải là nền KTTT hay không, đó là về giao thương và độ mở về kinh tế. Kể từ khi hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên Việt Nam tham gia cách đây hơn 30 năm (với khối ASEAN), đến nay Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 19 Hiệp định FTA.

Trong đó 16 FTA đã ký kết và thực thi, 3 FTA đang đàm phán. FTA mới nhất được ký kết trong năm 2023 là FTA với Israel (VIFTA), đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, và có quan hệ thương mại trong khu vực mậu dịch tự do với hơn 60 nền kinh tế.

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Mỹ, Nhật Bản,Trung Quốc, EU, Anh, Nga... Các Hiệp định FTA được ví như các “tuyến cao tốc” để nền kinh tế nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.

Bên cạnh thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là điểm nhấn ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Nếu như năm 1991, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 2,07 tỷ USD, thì đến nay số vốn FDI đăng ký đã lên tới hơn 487 tỷ USD. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Khu vực FDI đóng góp đáng kể vào GDP với mức độ đóng góp tăng dần qua các năm. Cụ thể, tỷ trọng của khu vực FDI đóng góp vào GDP các năm từ 2016 đến 2020 lần lượt là: 17%, 17,8%, 18,6%, 18,7% và 18,8%.

Mới đây, việc Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo cho biết chưa công nhận Việt Nam là nền KTTT là một sự đáng tiếc. Sự đáng tiếc không chỉ có người Việt mà còn từ chính người Mỹ - những doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Việt Nam. Thực tế, những nỗ lực từ Việt Nam trong việc đáp ứng 6 tiêu chí để công nhận quy chế KTTT được thực hiện từ khá lâu, và đã được cụ thể hóa sau khi hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Hiện nhiều bên lên tiếng ủng hộ việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền KTTT như: Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA), Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI), Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ (NASDA), Hiệp hội Dệt may và da giày Mỹ (AAFA). Việt Nam cũng đã được 73 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận quy chế KTTT, trong đó có Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh.

Rõ ràng, dù chưa được phía Mỹ công nhận là KTTT, thực tế nền kinh tế Việt Nam đã có sự “lột xác” hoàn toàn trong gần 40 năm qua kể từ khi Đổi mới. Đây là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Hiện Việt Nam cũng đã đặt ra những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế cần tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm 6% trong 25 năm tới.

Theo cập nhật Báo cáo chẩn đoán Quốc gia mới nhất của WB, để vượt qua những thách thức này và đáp ứng các mục tiêu phát triển, Việt Nam cần cải thiện đáng kể hiệu quả thực thi chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, môi trường, chuyển đổi kỹ thuật số, giảm nghèo/an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng. Và như vậy Mỹ công nhận Việt Nam có nền KTTT chỉ còn là vấn đề thời gian.

THANH HÀ

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/kinh-te-thi-truong-cua-viet-nam-xu-the-khong-the-dao-nguoc-post116197.html
Zalo