Kinh tế thế giới: Ông Trump 'chốt hạ' đòn thuế quan, EU tăng vọt nhập khí đốt Nga, quốc gia đóng góp nhiều nhất cho Mỹ, 'con nợ' lớn nhất của IMF

Tổng thống Donald Trump chính thức công bố mức thuế đối với hàng nhập khẩu, lý do EU tăng vọt nhập khẩu khí đốt Nga, kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc tăng, Nhật Bản đóng góp nhiều nhất cho Mỹ, quốc gia là 'con nợ' lớn nhất của IMF… là những tin kinh tế thế giới nổi bật.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. (Nguồn: GK Images/Alamy Stock)

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. (Nguồn: GK Images/Alamy Stock)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chính quyền Washington cũng áp dụng thuế đối ứng mới với các quốc gia khác mà Nhà Trắng coi là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ. Mức thuế này bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó áp dụng cho hàng xuất khẩu của Mỹ.

* Theo trang web Bộ Tài chính Mỹ, Washington ngày 2/4 đã công bố gói biện pháp trừng phạt mới liên quan đến Nga. Theo đó, 5 cá nhân và 4 tổ chức đã được bổ sung vào danh sách đen của Washington.

* Doanh số các loại xe bán tải và xe thể thao đa dụng (SUV) tại Mỹ đã tăng trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái, trước lo ngại rằng việc áp thuế nhập khẩu ô tô của Tổng thống Donald Trump có thể đẩy giá xe tăng thêm hàng nghìn USD.

Đứng đầu danh sách là General Motors (GM) với mức tăng trưởng doanh số 17%. Ford Motor báo cáo doanh số giảm 1,3%, vì hãng ngừng sản xuất một số mẫu xe và ảnh hưởng từ lịch trình bán hàng cho các đội xe cho thuê. Chi nhánh ở Bắc Mỹ của Toyota Motor ghi nhận mức tăng khoảng 1%. Các nhà sản xuất ô tô châu Á như Hyundai, Mazda và Honda cũng báo cáo doanh số quý I tăng.

Kinh tế Trung Quốc

* Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trong hai tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ của nước này đạt 1.309,56 tỷ NDT (180,6 tỷ USD), tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu dịch vụ của Trung Quốc đạt 549,58 tỷ NDT (78,8 tỷ USD), tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu dịch vụ đạt 759,98 tỷ NDT (104,8 tỷ USD), tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt thương mại dịch vụ là 210,4 tỷ NDT (29 tỷ USD), giảm 8,33 tỷ NDT (1,15 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.

* Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ rót 500 tỷ NDT (69 tỷ USD) vào bốn ngân hàng lớn nhất nước này thông qua các đợt phát hành cổ phiếu, thực hiện cam kết tăng cường dự trữ vốn.

Các ngân hàng gồm Bank of Communications Co., Bank of China Ltd., Postal Savings Bank of China Ltd. và China Construction Bank Corp. dự kiến huy động tối đa 520 tỷ NDT (72 tỷ USD) thông qua các đợt phát hành cổ phiếu bổ sung giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ là nhà đầu tư lớn nhất trong tất cả các đợt phát hành cổ phiếu này, khi đăng ký mua tổng cộng 500 tỷ NDT.

Kinh tế châu Âu

* Ngày 1/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) đã có một kế hoạch mạnh mẽ nhằm đáp trả động thái áp thuế của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ không do dự hành động nếu cần thiết.

Bà von der Leyen nhấn mạnh EU không nhất thiết muốn trả đũa nhưng sẵn sàng bảo vệ người dân và sự thịnh vượng của khối. Liên minh 27 quốc gia thành viên này cũng đã lập một kế hoạch đáp trả trong trường hợp cần thiết.

* Tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember mới công bố báo cáo cho thấy lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào Liên minh châu Âu (EU) đã tăng vọt 18% trong năm 2024. Bất chấp kế hoạch loại bỏ năng lượng của Nga vào năm 2027, lượng nhập khẩu khí đốt vào Cộng hòa Czech, Italy và Pháp đã thúc đẩy sự gia tăng này.

Mặc dù nhu cầu không tăng, nhưng lượng nhập khẩu lại tăng, nhất là khi EU có kế hoạch tăng 54% năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) với việc các quốc gia thành viên tìm kiếm các nhà cung cấp khí thay thế Nga.

* EC ngày 1/4 đã công bố đề xuất điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn khí thải CO2 đối với xe ô tô và xe tải nhẹ mới, nhằm mang lại sự linh hoạt hơn cho các nhà sản xuất ô tô trong việc đáp ứng các mục tiêu khí thải giai đoạn 2025-2027. Đề xuất này là một phần của Kế hoạch Hành động Công nghiệp của EC dành cho ngành công nghiệp ô tô châu Âu, được thông qua vào ngày 5/3 vừa qua.

* Theo số liệu sơ bộ do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 31/3, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế nước này đã giảm nhẹ trong tháng 3/2025.

Destatis cho biết trong tháng 3/2025, lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng trung bình 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 1 và tháng 2 trước đó, mức tăng lạm phát đều là 2,3%. Như vậy so với mức tăng trong hai tháng đầu năm, lạm phát trong tháng 3 đã giảm nhẹ. Điều này cũng tương ứng với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản vẫn giữ được sự lạc quan trong quý đầu tiên, ngay cả khi Mỹ đe dọa áp thuế quan nặng nề lên các sản phẩm do các công ty này sản xuất.

Trong khảo sát Tankan của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), các công ty tham gia được hỏi liệu điều kiện kinh doanh là “thuận lợi”, “không thuận lợi lắm” hay “không thuận lợi”. Chỉ số dương có nghĩa là những người trả lời "thuận lợi" nhiều hơn các công ty trả lời "không thuận lợi".

Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 1/4, chỉ số chính cho các nhà sản xuất lớn là 12 điểm, cho thấy sự tin tưởng vào triển vọng kinh doanh. Con số này giảm từ 14 điểm vào tháng 12/2024 - và là lần giảm đầu tiên kể từ quý I năm ngoái.

* Theo một cuộc khảo sát ý kiến công chúng được tiến hành tại Mỹ vào năm tài chính 2024, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Nhật Bản được nhiều chuyên gia Mỹ đánh giá là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho Mỹ.

Từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2/2025, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã khảo sát 1.000 người lớn được chọn ngẫu nhiên và 206 người từ chính phủ, các tập đoàn lớn, học viện và các lĩnh vực khác tại Mỹ.

Cuộc khảo sát yêu cầu các chuyên gia chọn ra quốc gia đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản được xếp hạng đầu tiên trong cả ba hạng mục - thương mại, đầu tư và tạo việc làm - trong năm thứ hai liên tiếp.

* Theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 3 được công bố ngày 2/4, hai “ông lớn” trong ngành sản xuất ô tô của Hàn Quốc là Hyundai Motor và Kia đã phá kỷ lục về doanh số tại Mỹ, kéo dài chuỗi tăng trưởng trong tháng thứ sáu liên tiếp trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng thuế nhập khẩu ô tô.

Báo cáo kết quả kinh doanh tháng Ba của Hyundai Motor cho thấy, doanh số bán hàng của Hyundai Motor tại Mỹ đạt 87.019 xe, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay cho thời điểm tháng 3 hằng năm và là doanh số bán hàng theo tháng cao thứ hai của công ty.

* Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) ngày 1/4 công bố kết quả khảo sát đối với 2.107 doanh nghiệp chế tạo trên toàn quốc về tác động của chính sách thuế quan của Mỹ, trong bối cảnh Washington sắp công bố áp thuế đối ứng và thuế quan với ô tô nhập khẩu.

Kết quả cho thấy 60,3% doanh nghiệp trả lời sẽ chịu hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ các biện pháp thuế quan này của Washington. Cụ thể, 46,3% doanh nghiệp cho biết sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp, và 14% chịu tác động trực tiếp.

Xét theo ngành nghề, lĩnh vực chịu ảnh hưởng cao nhất là pin với 84,6%, tiếp đến là ngành ô tô và phụ tùng ô tô với 81,3%.

Kết quả khảo sát của KORCHAM cho thấy, trong số các doanh nghiệp chế tạo chịu ảnh hưởng có nhiều nhà cung cấp phụ tùng và vật liệu trung gian cho các tập đoàn lớn Hàn Quốc đang đầu tư tại Mỹ.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Tangerang, Banten của Indonesia vừa đưa vào vận hành gần 100 cổng nhập cảnh tự động, với mục đích đơn giản hóa các bước kiểm tra nhập cảnh, giúp hành khách tiết kiệm thời gian và tránh ùn tắc tại sân bay, đặc biệt là trong dịp lễ al-Fitr vào ngày 31/3 tới.

Đại diện Văn phòng Xuất nhập cảnh sân bay cho biết đã triển khai hơn 500 người để đảm bảo quá trình xử lý nhập cảnh diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, đồng thời ban hành hướng dẫn chi tiết cho các nhân viên, giúp hỗ trợ hành khách sử dụng các cổng tự động.

* Nhiều trung tâm mua sắm tại Thái Lan đã mở cửa trở lại sau trận động đất ở Myanmar vào chiều ngày 28/3. Hoạt động tàu trên cao BTS và tàu điện ngầm MRT tại khu vực đô thị Bangkok khôi phục hoạt động kể từ sáng 29/3, trong khi các trung tâm mua sắm như Siam Paragon, MBK Center, Paradise Park, The Nine Center Rama 9, The Nine Center Tiwanon và các trung tâm thương mại thuộc hệ thống của Central Pattana Public Company Limited (CPN) mở cửa trở lại bình thường trong cùng ngày.

Các nhà điều hành trung tâm thương mại cho biết đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo tình trạng an toàn và ổn định cho các tòa nhà và khu vực mua sắm.

* Bộ trưởng Kinh tế Argentina Luis Caputo ngày 27/3 cho biết nước này đã đề xuất Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho vay thêm 20 tỷ USD nhằm duy trì dự trữ ngoại hối trong bối cảnh đồng peso suy yếu. Ngoài IMF, Argentina cũng đang đàm phán một gói vay khác với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB).

Hiện tại, Argentina đang là "con nợ" lớn nhất của IMF và khoản vay mới sẽ phải chờ được Ban điều hành của định chế này thông qua. Nếu được chấp thuận, tổng số tiền vay của Argentina riêng tại IMF sẽ lên tới 64 tỷ USD.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-ong-trump-chot-ha-don-thue-quan-eu-tang-vot-nhap-khi-dot-nga-quoc-gia-dong-gop-nhieu-nhat-cho-my-con-no-lon-nhat-cua-imf-309790.html
Zalo