Kinh tế tập thể góp phần xây dựng nông thôn mới ở Hải Lăng
Đến nay, huyện Hải Lăng có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. Đóng góp vào kết quả chung đó, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò rất quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo ra sự thay đổi diện mạo nông thôn tại các địa phương.
Đến nay, trên địa bàn huyện Hải Lăng có 1 liên hiệp HTX, 53 HTX nông nghiệp. Chất lượng hoạt động của HTX ngày càng nâng lên, tổng doanh thu các dịch vụ bình quân của một HTX trên 2 tỉ đồng, lãi trên 180 triệu đồng...
Để thúc đẩy các HTX phát triển, nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX nông nghiệp đã được triển khai. Năm 2023, thực hiện Quyết định 3011/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; Thông báo số 28/TB-SKH-KTN của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thông báo vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển KTTT, HTX , đã có 2 HTX được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm với kinh phí được hỗ trợ là 900 triệu đồng. Năm 2024, 4 HTX được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm và đang triển khai thực hiện với kinh phí được hỗ trợ 1.070 triệu đồng.
Đồng thời, huyện Hải Lăng đã đề xuất HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Văn Quỹ, xã Hải Phong tham gia thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả của địa phương giai đoạn 2021-2025 và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi tham gia đề án, HTX Văn Quỹ đã mở rộng sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư máy móc trang thiết bị, nhà xưởng, hợp đồng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật và các chế phẩm trong canh tác hữu cơ. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa các hộ nông dân, các công ty để sản xuất, tiêu thụ lúa hữu cơ, lúa giống và lúa thương phẩm tạo ra giá trị cao trên đơn vị diện tích từ 80 - 100 triệu đồng/ha canh tác.
Mức độ tham gia thành viên HTX đạt 100%, HTX đã thành lập được 2 tổ sản xuất lúa hữu cơ gồm 60 thành viên tham gia, 1 tổ sản xuất lúa giống 30 thành viên và 1 tổ sản xuất lúa thương phẩm 50 thành viên. Thành viên tham gia liên kết sản xuất được HTX đảm bảo đầu ra sản phẩm bền vững, được đào tạo về kỹ thuật trồng trọt theo tiêu chuẩn mới. HTX có tầm ảnh hưởng tích cực và lan rộng, nâng cao năng lực sản xuất tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
KTTT với nòng cốt là HTX tại huyện Hải Lăng bước đầu thể hiện chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả. Số lượng HTX tăng lên, doanh thu và thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi, tùng bước xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.
Ngoài việc tổ chức thực hiện các dịch vụ thiết yếu như thú y, bảo vệ thực vật, giống, điều hành sản xuất cho thành viên, các HTX đã mở rộng tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh thêm các dịch vụ khác đáp ứng yêu cầu sản xuất của hộ thành viên. Đến nay có trên 50% HTX tích lũy được vốn để thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, các HTX có kinh tế phát triển khá,, từng bước thể hiện được mô hình HTX kiểu mới.
Cùng với đó, các HTX đã từng bước đổi mới, thực hiện tốt điều hành sản xuất, cung cấp các dịch vụ, giúp kinh tế hộ ngày càng phát triển, thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao. Tích cực sử dụng các nguồn quỹ cùng vốn, quỹ của HTX đã chủ động xây dựng giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, cho vay không lãi hoặc lãi suất thấp để mua các công cụ sản xuất...
Đóng góp cùng với chính quyền địa phương đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn và các hoạt động xã hội như xây dựng các công trình giao thông, giao thông nội đồng, bê tông hóa kênh mương, công trình hạ tầng văn hóa, xã hội, xây dựng quỹ tình nghĩa, quỹ khuyến học, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đoàn thể. Qua đó góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình xây dựng NTM tại địa phương.
Để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế HTX phát triển ngày càng hiệu quả, huyện Hải Lăng cần quan tâm có chủ trương, chính sách ưu đãi đối với các HTX nông nghiệp, chính sách thu hút cán bộ trẻ có tâm huyết, chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế HTX, phát triển nông thôn về công tác ở các HTX ngoài những chính sách của trung ương, tỉnh đã có.
Đồng thời, cần đầu tư hỗ trợ khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ các HTX, THT ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề nông thôn. Tập trung đầu tư vào những trang thiết bị thiết thực trong lĩnh vực công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, cải tiến chất lượng sản phẩm các ngành nghề ở khu vực nông thôn.