Kinh tế tập thể đồng hành cùng đồng bào miền núi

Liên minh HTX tỉnh vừa khởi động các phần việc của mình khi tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trả lời Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, ông Lê Quang Hiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết:

Một hợp tác xã ở huyện Sơn Hòa ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc trồng rau, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: PV

Một hợp tác xã ở huyện Sơn Hòa ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc trồng rau, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: PV

- Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là chương trình) là chủ trương lớn với sự tham gia của nhiều sở, ngành, đơn vị trong tỉnh. Chương trình gồm 10 dự án, trong mỗi dự án lại có nhiều tiểu dự án. Liên minh HTX tỉnh thực hiện 2 tiểu dự án thuộc Dự án 3 và Dự án 10.

Cụ thể, Dự án 3 - Phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, Liên minh HTX trực tiếp tham gia tiểu dự án 2 - Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đối với Dự án 10 - Truyền thông, tuyên truyền vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình thì Liên minh HTX tham gia tiểu dự án 2 - Ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Ông Lê Quang Hiệp

Ông Lê Quang Hiệp

* Hiện đơn vị đã triển khai được những phần việc gì, thưa ông?

- Từ giữa tháng 9 năm nay, Liên minh HTX bắt tay triển khai các dự án. Đến nay, đơn vị đã tổ chức được 2 lớp tập huấn tại xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) và xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa). Lớp học thu hút 60 học viên là thành viên HTX vùng miền núi tham dự. Để đảm bảo chất lượng chuyên môn, Liên minh HTX mời giảng viên của Viện Khoa học công nghệ và Môi trường tới giảng dạy.

Tại đây, thành viên HTX được tiếp cận kỹ năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và cách tìm kiếm, khai thác thông tin trên internet; kỹ năng quản trị gian hàng thương mại điện tử, xúc tiến thương mại và xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm trên nền tảng số. Đồng thời, Liên minh HTX lồng ghép, hướng dẫn các HTX tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2023.

Những hoạt động này thuộc tiểu dự án 2 của Dự án 10 gắn với nội dung chính là hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hoàn tất các thủ tục cần thiết để tập trung triển khai tiểu dự án 2 của Dự án 3 theo lộ trình giai đoạn 2021-2025.

* So với vùng đồng bằng, kinh tế tập thể (KTTT) vùng miền núi của tỉnh hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Việc được tham gia chương trình có ý nghĩa như thế nào trong kiện toàn, đổi mới, nâng cao hoạt động của các HTX tại đây?

- Nhìn lại giai đoạn 2012-2017, KTTT vùng miền núi gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân ở đây về thành phần kinh tế này còn nặng nề với mô hình HTX kiểu cũ, dẫn tới e dè, né tránh khi thành lập. Các HTX cũng chủ yếu hoạt động cầm chừng với các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, chưa đủ sức làm chỗ dựa cho thành viên trong phát triển kinh tế hộ.

Các HTX ở vùng miền núi đang hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Thu hoạch rau thủy canh tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB, huyện Sơn Hòa. Ảnh: MINH DUYÊN

Các HTX ở vùng miền núi đang hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Thu hoạch rau thủy canh tại HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB, huyện Sơn Hòa. Ảnh: MINH DUYÊN

Từ năm 2017 đến nay, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng các dự án như trồng rừng bền vững, phát triển cây ăn trái, cây dược liệu… đã tạo ra những điển hình HTX kiểu mới ở đây. Có thể nói tới, huyện Sơn Hòa có mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao của HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB. Huyện Đồng Xuân có các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hình thành các sản phẩm thương mại từ nông sản địa phương do HTX quản trị thương hiệu, gồm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (các sản phẩm từ đậu phộng), HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Sơn Nam (sản phẩm tinh bột nghệ)… Huyện Sông Hinh tạo điểm nhấn với các mô hình HTX du lịch cộng đồng, đó là HTX Nông nghiệp du lịch cộng đồng buôn Lê Diêm, HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng VIME Farm Sông Hinh…

Từ thực tế này, KTTT kỳ vọng việc triển khai chương trình sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân vùng miền núi về mô hình HTX nhất là trong đồng bào DTTS, tạo điều kiện thúc đẩy thành lập các HTX, tổ hợp tác tại đây. Hơn hết, hiện các HTX đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đó là hội nhập kinh tế quốc tế, cánh cửa để HTX tồn tại và phát triển chính là khoa học, công nghệ. Chương trình sẽ mang đến cho các HTX, thành viên HTX nhận thức và phương thức khai thác thương mại điện tử, internet…

* Xin cảm ơn ông!

MINH DUYÊN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/321244/kinh-te-tap-the-dong-hanh-cung-dong-bao-mien-nui.html
Zalo