Kinh tế tăng trưởng 2 con số và vai trò của cấp ủy
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 (khóa XI) đã xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của Đồng Nai phải đạt từ 10%. Đây là mục tiêu khó nhưng phải thực hiện bằng được, do đó vai trò của cấp ủy các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo là rất quan trọng.
Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn: “Năm 2025, phải thay đổi tư duy, cách làm, khắc phục cho được những tồn tại nhiều năm, trong đó có thủ tục hành chính, giải ngân vốn đầu tư công. Phải “bắt mạch” trị “bệnh” sợ trách nhiệm, đùn đầy công việc, hoặc đụng khó lại làm công văn hỏi cấp trên, dù thẩm quyền xử lý công việc thuộc về ngành, địa phương mình”.
Trị “bệnh” cũ ở năm mới
Năm 2025 là năm giao thoa giữa 2 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ cấp huyện và cấp tỉnh, vì vậy nhiệm vụ công tác và khối lượng công việc đặt ra với cấp ủy, chính quyền các cấp là rất lớn. Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội các cấp là quan trọng nhưng vẫn phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển kinh tế - xã hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên. Chính vì vậy, các sở, ngành, địa phương phải nỗ lực gấp nhiều lần ngay từ đầu năm để không bị động vào thời điểm cuối năm.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Biên Hòa HỒ VĂN NAM:
Tăng cường kiểm tra, giám sát thúc đẩy công việc
Thực tế đi kiểm tra, giám sát cho thấy, có những việc ở cơ sở không quá khó, không có gì phải sợ sai nhưng cán bộ vẫn không chịu làm. Khi có cấp trên xuống tận nơi chỉ đạo, giao thời hạn phải hoàn thành thì giải quyết rất nhanh, thậm chí trước hạn. Do đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công việc của cấp ủy với chính quyền rất quan trọng. Quá trình này còn giúp cho thường trực cấp ủy, chính quyền đánh giá được năng lực cán bộ thực thi công việc, tránh làm dở nhưng báo cáo rất hay.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 vừa qua, khi thảo luận tổ, lãnh đạo tỉnh đã chia sẻ một thực tế cần phải kiểm soát, chấn chỉnh để đảm bảo tiến độ các dự án. Đó là khâu tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Khi tổ chức đấu thầu, hồ sơ rất “đẹp”, năng lực đầy đủ nhưng khi trúng thầu và bắt tay vào thi công lại rất èo uột cả máy móc lẫn con người. Nhiều nhà thầu thường viện lý do không có mặt bằng sạch, thế nhưng ngay cả toàn tuyến thông mặt bằng rồi, công tác thi công vẫn không được nhà thầu cải thiện về tiến độ là bao.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, chậm trễ tiến độ dự án đi vào khai thác tới đây có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm rất nghiêm về hành vi lãng phí. Nếu để xảy ra vấn đề này, khi có đoàn kiểm tra, kiểm toán vào cuộc mà định lượng, tính toán được cụ thể thiệt hại lãng phí thì có thể xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi này. Do vậy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải làm hết trách nhiệm được giao.
Khơi thông tối đa nguồn lực
Theo Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh phải đạt mức tăng trưởng trên 12% trở lên mới đạt được mục tiêu phát triển tỉnh đã đề ra trong bản quy hoạch này. Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 10% năm 2025 đã nằm trong “kịch bản” khi lập Quy hoạch tỉnh. Nhiệm vụ này dù khó nhưng có nhiều động lực để hoàn thành.
Theo đó, năm 2024, kinh tế của tỉnh tăng trưởng 8,02%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Bộ máy chính quyền thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực về tư duy hành động, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế kéo dài. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký bổ sung vốn, đăng ký thành lập mới…
Với sự phân cấp, phân quyền ngày càng mạnh của Chính phủ cho địa phương, thêm vào đó nhiều dự án luật về đầu tư, đất đai… đã được sửa đổi và có hiệu lực theo hướng đơn giản hóa, Đồng Nai mạnh dạn tận dụng để huy động tối đa nguồn lực, đẩy nhanh triển khai các dự án. Điển hình là Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 15-1-2025 đã điều chỉnh quy mô dự án, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phê duyệt chủ trương đầu tư với những dự án nhóm B và C cho UBND tỉnh mà không chờ đến kỳ họp HĐND tỉnh cho chủ trương. Việc triển khai dự án sẽ được tách công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư thành dự án riêng…
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hoàn thiện công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch các phân khu để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương liên quan phải cùng phối hợp để đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại để đưa vào sử dụng, vừa giải quyết được nguồn thu, vừa giúp tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Mặt khác, phải tập trung gỡ khó cho những dự án nhà ở thương mại đang triển khai dang dở do vướng thủ tục pháp lý để tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và nguồn thu cho ngân sách.