Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% khả thi

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%, vượt xa mức tăng 3,72% cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.

Kết quả này cũng cho thấy, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm nay dù khó khăn nhưng hoàn toàn khả thi.

GDP quý II tăng 6,93%, tạo đà quan trọng cho các quý tiếp theo

Thông tin tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê tổ chức tại Hà Nội ngày 29-6, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tính riêng trong quý II năm nay, GDP tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II-2022 nếu xét trong 10 năm trở lại đây. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 nếu xét trong giai đoạn 2020-2024. “Con số này đã thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo”, bà Nguyễn Thị Hương thông tin.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực. Tính chung 6 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD, là mức xuất siêu lớn trong giai đoạn (2020-2024) .

Công bố của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, ước tính vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm (theo giá hiện hành) đạt hơn 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng 4,8% cùng kỳ 6 tháng năm 2023. Điều này phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh trong một phần hai chặng đường của năm 2024 ghi nhận dấu hiệu phục hồi rõ nét từ nhiều ngành, lĩnh vực, từ đó tạo động lực cho thu hút và thực hiện vốn đầu tư vào nền kinh tế.

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,5%-6% cho 6 tháng đầu năm. Như vậy, kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42% đã cao hơn mục tiêu tăng trưởng đề ra. Kết quả này cho thấy hiệu quả của những nỗ lực, sự sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm nay khả thi

Nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, nếu không có biến động lớn, khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6-6,5% như Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng cận trên khoảng 6,5% vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đề cập tới những thuận lợi trong nửa cuối năm 2024 đối với nền kinh tế, Tổng cục Thống kê cho biết, ngành công nghiệp và xây dựng, với sự phục hồi của kinh tế thế giới, công nghiệp 6 tháng đầu năm đã có tăng trưởng đáng ghi nhận là tiền đề cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm. Ngành dịch vụ có cơ hội phát triển trong 6 tháng cuối năm khi quý III tiếp tục là mùa du lịch cao điểm, khai thác tốt hoạt động du lịch sẽ lan tỏa mạnh tới khối ngành dịch vụ thị trường. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với lợi thế thị trường tiêu thụ hơn 100 triệu dân.

Một số yếu tố kích thích tiêu dùng trong nước 6 tháng cuối năm như: Chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2024 sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao đời sống, tăng tiêu dùng và năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm. Đặc biệt, thương mại quốc tế của Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh do nhu cầu thế giới dần cải thiện, sản xuất trong nước phục hồi. Xuất khẩu Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm, đặc biệt với những mặt hàng chủ lực như điện tử máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản...

Có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, song Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một loạt thách thức đối với nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2024. Đó là, áp lực lạm phát trong nước. Mặt bằng giá cả trong nước vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng cũng đang tạo áp lực lên chỉ số giá trong nước do điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình như điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế; giá thịt lợn tăng do giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị, cuộc xung đột ở Biển Đỏ, Nga-Ukraine khiến giá hàng hóa, giá xăng, dầu, giá cước vận tải tăng... làm gia tăng chi phí sản xuất. Cùng với đó là rủi ro tỷ giá cùng với việc đẩy mạnh nhập khẩu để phục vụ sản xuất sẽ gây áp lực lên giá nguyên liệu đầu vào...

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Đồng thời làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách nhà nước; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng...

KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kinh-te-phuc-hoi-manh-me-muc-tieu-tang-truong-gdp-6-6-5-kha-thi-783322
Zalo