Kinh tế Malaysia nhắm mốc tăng trưởng 5% trong năm 2024

Malaysia ước đạt tăng trưởng 5% trong năm nay, mức cao nhất trong ngưỡng dự báo, nhờ chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu trong quý II/2024 thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc nhanh hơn dự tính.

Container được tập kết tại khu cảng Port Klang, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Arif Kartono/AFP

Container được tập kết tại khu cảng Port Klang, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Arif Kartono/AFP

Ngân hàng Trung ương Malaysia và cơ quan thống kê nước này hôm 16/8 công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 5,9% trong quý II/2024, so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cao hơn mức ước tính sơ bộ là 5,8%.

Tại buổi họp báo diễn ra cùng ngày ở Kuala Lumpur, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Abdul Rasheed Ghaffour cho biết nền kinh tế nước này ước đạt tốc độ tăng trưởng cao trong ngưỡng dự báo từ tăng 4 - 5% của cơ quan này.

Dự báo trên kỳ vọng về sự phục hồi mạnh hơn của nền kinh tế Malaysia sau khi tăng trưởng chậm lại còn 3,6% trong năm 2023 do nhu cầu toàn cầu ảm đạm. Các khoản đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn và sự bùng nổ của các trung tâm dữ liệu nhằm đáp ứng nhu cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) đang giúp kinh tế Malaysia tăng tốc.

Trong khi đó, chi tiêu của khách du lịch trong nửa đầu năm nay đã vượt quá cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát; qua đó thúc đẩy tiêu dùng tư nhân.

Theo Ngân hàng Trung ương Malaysia, tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm sẽ được duy trì nhờ xuất khẩu, chi tiêu hộ gia đình và lượng khách quốc tế đến quốc gia này. Ngoài ra, tiến độ thực hiện các dự án kéo dài nhiều năm cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng đầu tư, bao gồm cả đầu tư vào trung tâm dữ liệu.

Đặc biệt, nhu cầu toàn cầu mạnh hơn đối với chất bán dẫn sẽ thúc đẩy xuất khẩu điện và điện tử của Malaysia trong năm nay.

Thống đốc Abdul Rasheed Ghaffour cho biết áp lực giá sẽ tăng trong nửa cuối năm nay do chính phủ cho phép giá dầu diesel tăng vọt vào tháng 6 và chuyển hướng sang hỗ trợ có trọng điểm. Tuy nhiên, ông cho rằng các tác động sẽ có thể kiểm soát được.

Người đứng đầu cơ quan tiền tệ Malaysia cho biết lạm phát toàn phần của nước này khó có thể vượt quá 3%, trừ khi có thêm cú sốc, đồng thời khẳng định họ vẫn giữ nguyên dự báo lạm phát trung bình từ 2 - 3,5% trong năm nay. Ngoài. ra, lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Trung ương Malaysia ấn định ở mức 3% vẫn đang hỗ trợ nền kinh tế, theo Thống đốc Abdul Rasheed Ghaffour.

Bà Lavanya Venkateswaran, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC (Singapore), đánh giá: "Triển vọng tăng trưởng vững chắc và áp lực lạm phát được kiểm soát tốt, mặc dù có xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2024, sẽ giúp Ngân hàng Trung ương Malaysia có dư địa để giữ nguyên lãi suất cơ bản trong thời gian còn lại của năm nay".

Chỉ số giá tiêu dùng của Malaysia thấp hơn ước tính vào tháng 6, bất luận chính phủ nước này xóa bỏ trợ cấp dầu diesel toàn diện trong cùng tháng. Các quan chức Malaysia cho biết họ không vội hành động tương tự với xăng RON95 - loại nhiên liệu được trợ cấp nhiều và dùng phổ biến nhất ở nước này.

Rủi ro vẫn bao trùm nền kinh tế Malaysia. Đơn cử, tăng trưởng chậm chạp ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của quốc gia Đông Nam Á này. Số lượng chuyến hàng đến Trung Quốc sụt giảm đã phần nào khiến tăng trưởng xuất khẩu tháng 6 của Malaysia thấp hơn dự kiến.

Hiện tại, sự lạc quan đối với nền kinh tế Malaysia đã thúc đẩy đồng nội tệ ringgit. Các nhà phân tích tại Citigroup đã nâng dự báo tăng trưởng của Malaysia lên 5,2% vào tháng 7, trong khi dự báo trung bình của các nhà kinh tế cho năm nay là 4,5%.

Thống đốc Abdul Rasheed Ghaffour cho biết Ngân hàng Trung ương Malaysia sẽ tiếp tục phối hợp với chính phủ để hỗ trợ đồng ringgit, vì các rủi ro địa chính trị toàn cầu đe dọa làm chao đảo thị trường. Đồng thời, họ khuyến khích các công ty, quỹ liên kết với nhà nước cũng như các công ty tư nhân chuyển lợi nhuận về nước để giúp củng cố đồng ringgit.

Ringgit là đồng tiền hoạt động tốt nhất tại các thị trường mới nổi trong năm nay sau khi phục hồi từ mức thấp nhất trong 26 năm được ghi nhận vào tháng 2, theo Bloomberg. Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, giảm bớt áp lực lên các đồng tiền ở các nền kinh tế đang phát triển.

"Hỗ trợ đồng ringgit trong tương lai là điều tích cực", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia nhận xét, đồng thời khẳng định: "Đồng tiền này đang đi đúng hướng khi phản ánh tốt hơn các yếu tố cơ bản của chúng tôi và triển vọng mạnh mẽ của nền kinh tế".

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kinh-te-malaysia-nham-moc-tang-truong-5-trong-nam-2024-d222587.html
Zalo