Kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, con đường phục hồi còn gập ghềnh

Các số liệu về tình hình kinh tế Việt Nam 8 tháng năm 2024 cho thấy, kinh tế đã phục hồi tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như trước đại dịch. Tuy nhiên, con đường phục hồi phía trước còn không ít ghập ghềnh, thử thách, nhất là khi tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Sản xuất công nghiệp trong 8 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi nhanh. Ảnh tư liệu

Sản xuất công nghiệp trong 8 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi nhanh. Ảnh tư liệu

Kinh tế tốt hơn cùng kỳ năm trước trên hầu hết các lĩnh vực

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 8 tháng qua, nền kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều phạm vi cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng tăng 4,04% so với cùng kỳ, trong mức kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội.

Làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão lũ

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại; làm tốt công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3; bảo đảm xuất cấp gạo hỗ trợ kịp thời, không để một người dân nào bị đói, bị rét.

Trong đó, tình hình tài chính – ngân sách tiếp tục được cải thiện. Tổng thu NSNN 8 tháng ước đạt 78,5% dự toán năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Cũng trong 8 tháng, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất gần 90 nghìn tỷ đồng, dự kiến cả năm khoảng 187 nghìn tỷ đồng.

Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ, 8 tháng tăng 8,6%.

Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8/2024 đạt 52,4 điểm, xếp thứ 2 Đông Nam Á (sau Singapore). Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 8 tháng tăng lần lượt 16,7%, 15,8% và 17,7% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 19,1 tỷ USD.

Đáng chú ý là các động lực tăng trưởng từ phía cầu cũng đang phục hồi tích cực hơn. Theo đó, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 8 tháng khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ.

Những kết quả này là cơ sở để nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng của kinh tế Việt Nam. WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt 6,1% và năm 2025, 2026 đạt 6,5%; UOB dự báo tăng trưởng vượt 6%; HSBC dự báo tăng 6,5%... Các tổ chức quốc tế (WB, IMF, ADB và OECD) nhận định, tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực.

Các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn

Tuy vậy, con đường phục hồi còn không ít ghập ghềnh, thử thách. Trước hết, các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn. Về phía cung, khu vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao; tình hình bão lũ, mưa lớn, nhất là ở khu vực phía Bắc đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Trong khi đó, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là do các yếu tố bên ngoài. Tốc độ tăng CPI bình quân 8 tháng có dấu hiệu giảm, nhưng áp lực lạm phát cần được theo dõi sát, nhất là biến động giá cả thế giới, giá lương thực, thực phẩm tại các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và tâm lý, kỳ vọng của người dân. Tín dụng tăng trưởng chưa cao…

Đáng lo là tình hình thiên tai, bão lũ, ngập lụt… diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Mới tính trong 8 tháng, thiệt hại do thiên tai khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi phải nỗ lực lớn hơn nữa, chủ động, tích cực thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục bám sát mục tiêu đã đề ra, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 và 2025 cao hơn để bù lại cho 3 năm trước của nhiệm kỳ.

Để ưu tiên cho tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tập trung giữ ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.

Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.

ÔNG PAULO MEDAS, TRƯỞNG PHÁI ĐOÀN VIỆT NAM TẠI QUỸ TIỀN TỆ QUỐC TẾ (IMF): Nền kinh tế Việt Nam chứng minh khả năng phục hồi khá tốt

Nền kinh tế Việt Nam đã chứng minh được khả năng phục hồi khá tốt, mặc dù có những cú sốc lớn. Với diễn biến kinh tế mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế rất có thể sẽ đạt trên 6% cho cả năm nhờ sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất trong nước. Theo IMF, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2024.

Chính phủ Việt Nam đang kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng GDP 7% cho năm nay. Tuy nhiên, có những yếu tố và rủi ro khiến việc đạt mức tăng trưởng 7% năm nay trở nên khó khăn hơn như: những rủi ro như xuất khẩu có thể yếu đi, đặc biệt là nếu căng thẳng địa - chính trị gia tăng. Nhiều khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể cản trở khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng.

Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, bởi sự hỗ trợ lớn về chính sách của Chính phủ sẽ giảm dần trong tương lai. Việc tăng trưởng trên 6% đã là rất tích cực vì nền kinh tế trong nước và hệ thống tài chính vẫn đang phục hồi sau những cú sốc lớn và triển vọng tăng trưởng toàn cầu còn khiêm tốn.

ÔNG HENG KOON HOW - TRƯỞNG BỘ PHẬN CHIẾN LƯỢC THỊ TRƯỜNG, KHỐI NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG VÀ KINH TẾ TOÀN CẦU CỦA UOB: Ngôi sao kinh tế đang lên của ASEAN

Theo ông Heng Koon How, 3 thách thức chính đối với nền kinh tế Việt Nam và ASEAN thời gian tới là: sự phục hồi kinh tế không đồng đều và chậm chạp của Trung Quốc; rủi ro chính sách tiềm ẩn mà các tập đoàn và nhà đầu tư cần phải điều hướng; kết quả bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sắp tới...

Mặc dù các rủi ro vẫn còn hiện hữu, song ông Heng Koon How dự báo mức tăng trưởng tích cực đối với Việt Nam. Sự phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay của Việt Nam có thể được kỳ vọng sẽ kéo dài sang nửa cuối năm 2024. Nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ dự báo tăng trưởng thương mại và sự gia tăng dòng vốn FDI của ASEAN.

Triển vọng dài hạn của Việt Nam còn được hỗ trợ bởi lợi thế về nhân khẩu học và những xu hướng kinh tế vĩ mô tích cực. Về lâu dài, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam được hỗ trợ bởi các xu hướng nhân khẩu học và kinh tế vĩ mô tích cực trong dài hạn. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành ngôi sao kinh tế đang lên của ASEAN.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-lay-lai-da-tang-truong-con-duong-phuc-hoi-con-gap-ghenh-159122.html
Zalo