Kinh tế Hungary bị kéo xuống vực suy thoái, châu Âu quyết 'quay lưng' dồn đồng minh của Nga đến chân tường?

Mối quan hệ 'cơm không lành, canh không ngọt' của Hungary với Liên minh châu Âu (EU) đang góp phần làm trầm trọng hơn những khó khăn kinh tế của nước này.

Kinh tế Hungary bị kéo xuống vực suy thoái, EU 'quay lưng' dồn đồng minh của Nga ở châu Âu đến chân tường? (Nguồn: visegradinsight.eu)

Kinh tế Hungary bị kéo xuống vực suy thoái, EU 'quay lưng' dồn đồng minh của Nga ở châu Âu đến chân tường? (Nguồn: visegradinsight.eu)

Trong quý III/2024, Hungary đã chính thức công khai mức giảm GDP 0,7% theo quý, sau khi đã giảm 0,2% trong quý trước đó. Với hai quý liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng âm, Hungary đã chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật. Trong khi đó, hiệu suất công nghiệp yếu kém của một loạt ngành quan trọng, từ nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng... đang tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của quốc gia thành viên EU này.

Hungary là thành viên duy nhất của EU giữ mối quan hệ thân thiết với Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra (2/2022).

Hy vọng của Thủ tướng Viktor Orbán

Liệu cuộc suy thoái bất ngờ của kinh tế Hungary có làm tiêu tan hy vọng của Thủ tướng Viktor Orbán, khi cuộc bầu cử quốc hội năm 2026 ngày càng đến gần?

Ông Orbán nóng lòng thúc đẩy tăng trưởng tăng trở lại ngay trong năm nay để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc bầu cử quốc hội vào năm sau, nhưng trước mắt, nền kinh tế Hungary đang đối mặt với rất nhiều khó khăn để trở lại mức tăng trưởng dương.

Các báo cáo gần đây cho thấy một cuộc đua sít sao đang diễn ra giữa đương kim Thủ tướng Orbán và ứng cử viên đối lập - Nghị sĩ Nghị viện châu Âu (MEP) Péter Magyar với đảng Tisza (đảng Tôn trọng và tự do). Vượt lên trước đảng cầm quyền Fidesz (Liên minh công dân Hungary), đảng của ông Magyar gần đây thường giành vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận.

Do đó, chính phủ của Thủ tướng Orbán hy vọng sẽ sớm khởi động lại quá trình phục hồi cho nền kinh tế hiện đang bị kéo vào bờ vực suy thoái. Tất nhiên, một nỗ lực như vậy có thể đối mặt với đầy thách thức, vì hiệu suất công nghiệp năm 2024 của Hungary đã giảm sâu đến mức các ngành chủ chốt, từ sản xuất ô tô, điện tử và dược phẩm, đều đang phải vật lộn với nhu cầu yếu.

Các số liệu chính thức gần đây nhất cho thấy, sản lượng trong nhiều ngành công nghiệp Hungary là những lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng. Báo cáo của Văn phòng thống kê Hungary cho thấy, sản lượng của nền kinh tế quốc gia Trung Âu này đã giảm mạnh 3,1% khi tính toán theo số ngày làm việc, trong khi tính trong cả giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10, sản lượng công nghiệp giảm tới 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Phân tích dữ liệu trên, Bộ Kinh tế Hungary đã chỉ ra rằng, môi trường khu vực "phức tạp" là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kém hiệu quả này. Suy thoái kinh tế đồng thời diễn ra ở một số quốc gia châu Âu đang gây áp lực, đánh tụt nhu cầu đối với đầu ra ngành công nghiệp hướng đến xuất khẩu của Hungary.

Ảnh hưởng mạnh nhất đối với nền kinh tế Hungary chính là tình trạng “phi công nghiệp hóa cấp tính” đang diễn ra ở đối tác hàng đầu - Đức, khi nền công nghiệp ô tô số 1 khu vực buộc phải cắt giảm sản lượng, do tình trạng đơn đặt hàng giảm mạnh và giá năng lượng tăng cao, sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga-EU.

Trên thực tế, các nhà sản xuất Hungary phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng của các nhà máy Đức, đặc biệt, các công ty trong ngành ô tô hiện đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng. Một phân tích của Tập đoàn tài chính ING công bố hồi đầu tháng 11/2024 cho thấy, khối lượng sản xuất công nghiệp ở Hungary đã thấp hơn 4,8% so với sản lượng trung bình hằng tháng trong năm 2021.

Như vậy, nhu cầu giảm mạnh chính là rào cản lớn đối với sự tăng trưởng của nền công nghiệp Hungary. Hồi tháng 11/2024, Ngân hàng Trung ương Hà Lan cũng công bố một nghiên cứu cho thấy, công suất ngành công nghiệp Hungary còn tiếp tục xấu đi trong quý IV/2024.

“Sự kết hợp ba yếu tố: niềm tin mong manh của người tiêu dùng trong nước (có thể suy yếu hơn khi đồng nội tệ Forint tiếp tục mất giá), sự thận trọng của thị trường và đầu tư chậm chạp của doanh nghiệp khiến triển vọng kinh tế Hungary càng trở nên ảm đạm”, theo phân tích của ING. Theo đó, “ngành công nghiệp Hungary gần như chắc chắn trở thành lực cản đáng kể đối với tăng trưởng GDP năm 2024 của nước này, có khả năng sẽ chỉ ở mức 0,5 - 1,0%”.

Công bố vào ngày 15/11, Ủy ban châu Âu (EC) ước tính, Hungary có thể chỉ đạt tăng trưởng GDP thực tế là 0,6% vào năm 2024, đi kèm một đánh giá "đầu tư chậm chạp là yếu tố cơ bản dẫn đến hiệu suất kém cỏi này”.

Cụ thể, EC trích dẫn - sự chậm trễ trong các khoản đầu tư công theo kế hoạch và lòng tin kinh doanh yếu kém là những yếu tố chính đã ảnh hưởng đến tăng trưởng nền kinh tế Hungary trong năm qua; cùng với nhu cầu đặt hàng yếu từ các đối tác thương mại quan trọng, đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này, như máy móc và thiết bị vận tải.

Mâu thuẫn tiếp tục bị khoét sâu

Trong khi đó, vừa bước vào những ngày đầu năm mới, Budapest đã nhận tin xấu khi bị EU “phũ phàng” từ chối hơn 1 tỷ Euro tiền tài trợ từ các quỹ của liên minh với lý do không thực hiện các cải cách như yêu cầu. Đây là lần đầu tiên một quyết định như vậy được trao cho một quốc gia thành viên.

Giống như các nước ở Trung và Đông Âu khác, Hungary trước đây từng nhận được các khoản tiền tài trợ đáng kể từ EU, giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP và hỗ trợ các số liệu tài chính và nợ.

Nhưng từ cuối năm 2022, EU đã phong tỏa khoảng 6,3 tỷ Euro - khoản hỗ trợ dành cho Hungary với lý do vi phạm các giá trị và tiêu chuẩn cơ bản có hiệu lực ở EU, trong đó những rủi ro liên quan đến hệ thống mua sắm công là một vấn đề chính. Do đó, EC đã quyết định thu hồi vĩnh viễn quyền được hưởng 1,04 tỷ Euro vì thỏa thuận này đã hết hạn vào ngày 31/12/2024.

“Nếu Budapest không có khả năng hoặc không muốn đáp ứng các điều kiện còn lại do EU đặt ra để giải ngân, Hungary cuối cùng có thể mất một khoản tiền tài trợ và các khoản vay chi phí thấp đáng kể”, các nhà phân tích của Moody’s Ratings đưa ra nhận định khi thực hiện đánh giá xếp hạng tín dụng và quyết định hạ triển vọng nợ của nền kinh tế này từ "Ổn định" xuống "Tiêu cực", hồi cuối tháng 11/2024.

Moody’s cũng cảnh báo thêm rằng, các khoản tiền bị EU đóng băng có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và làm trầm trọng thêm các vấn đề nợ hiện có của nền kinh tế quốc gia Trung Âu này.

Đáp lại, Budapest khẳng định, các biện pháp trừng phạt như vậy là kết quả của những bất đồng chính trị với EU, với việc Thủ tướng Orbán tìm cách theo đuổi một chiến lược trung lập hơn về kinh tế đối với các đối thủ của liên minh và phương Tây, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc.

Trước đó, người đứng đầu chính phủ Hungary cũng đã rất nhiều lần chỉ trích khối này vì cách tiếp cận đối với xe điện của Trung Quốc, mà ông cho rằng - có khả năng dẫn đến một "Chiến tranh lạnh về kinh tế" với Bắc Kinh.

Theo Financial Times, hồi tháng 12/2024, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Hungary János Bóka phân tích - "rất khó" để không hiểu việc thu hồi các khoản tài trợ là "áp lực chính trị", đồng thời nói thêm rằng, Budapest sẽ hành động để "khắc phục tình trạng phân biệt đối xử này".

Đầu tháng 12/2024, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đe dọa sẽ phủ quyết ngân sách giai đoạn 7 năm tiếp theo của EU nếu khối không giải phóng các quỹ dành cho Budapest đang bị phong tỏa.

Mâu thuẫn vẫn tiếp tục bị khoét sâu, khiến quan hệ EU-Hungary dường như đã vào thế đối đầu, khi liên tục gia tăng bất đồng trong mối quan hệ lâu nay vốn phức tạp. Các diễn biến gần nhất đánh dấu một chương mới cực kỳ căng thẳng, trong bối cảnh mối quan hệ đầy bất ổn EU-Budapest - đã kéo dài hàng thập niên chưa biết khi nào mới được hóa giải.

Hungary không chỉ bị EU cáo buộc "vi phạm các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền" của khối, mà còn mở rộng đến nhiều vấn đề khác như hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine... Hungary, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Viktor Orbán, đã nhiều lần bất đồng với liên minh về các vấn đề quan trọng, đặc biệt là về lập trường đối với Nga và cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong khi EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế và hạn chế thị thực đối với Nga, Hungary vẫn duy trì một quan điểm mềm mỏng hơn đối với Moscow và nhiều lần kêu gọi đàm phán. Lập trường của Hungary khiến một số thành viên EU không hài lòng, thậm chí có thành viên còn kêu gọi Budapest nên rời khỏi tổ chức này và thành lập liên minh với Nga.

Những "rạn nứt" ngày càng rộng ra khi Thủ tướng Orbán hồi tháng 7/2024 đến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow khi đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU (tháng 6-12/2024). Mâu thuẫn cũng được nhân lên khi ông Orban công khai nhiều quan điểm trái ngược giữa Budapest và Brussels. Thủ tướng Hungary thẳng thắn phát biểu rằng - người dân châu Âu cần hòa bình, nhưng “các nhà lãnh đạo EU lại muốn chiến tranh”.

Diễn biến mới nhất là việc Ukraine gợi ý sẵn sàng "thế chỗ" của Hungary trong EU và NATO, sau khi Ngoại trưởng Hungary chỉ trích Kiev khóa van trung chuyển khí đốt Nga, gây khó khăn cho nhiều nền kinh tế thành viên khối 27 quốc gia. "Nếu phía Hungary ưu tiên tăng cường quan hệ với Nga thay vì EU và Mỹ, Kiev sẽ sẵn sàng lấp bất kỳ vị trí trống nào...", Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố hôm 8/1.

Budapest hiện chưa bình luận về lời gợi ý của Kiev. Nhưng bất chấp những động thái mới nhất của EU, người đứng đầu chính phủ Hungary vẫn nhiều lần thẳng thắn đưa ra quan điểm rằng - nạn nhân chính của chiến lược Ukraine do EU và Mỹ dẫn đầu chính là "nền kinh tế và người dân châu Âu", mọi việc chính phủ của ông làm là để bảo vệ người dân và nền kinh tế.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-hungary-bi-keo-xuong-vuc-suy-thoai-chau-au-quyet-quay-lung-don-dong-minh-cua-nga-den-chan-tuong-300841.html
Zalo