Kinh tế học thời khó nhọc

Một số nhà kinh tế học cho rằng, thế kỷ 20 là thời kỳ phát triển cực thịnh của nền kinh tế. Trong thế kỷ mới, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn, muốn tiến lên, các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ.

 Trong vài năm trở lại đây, do khó khăn về tài chính, nhiều người tiêu dùng đã quay lưng với các thương hiệu xa xỉ. Ảnh: T.N.

Trong vài năm trở lại đây, do khó khăn về tài chính, nhiều người tiêu dùng đã quay lưng với các thương hiệu xa xỉ. Ảnh: T.N.

"Phải chăng tăng trưởng đã chấm dứt?". Hai nhà sử học kinh tế tại Đại học Northwestern của Chicago đang đứng ở vị trí trung tâm của cuộc thảo luận này.

Robert Gordon cho rằng kỉ nguyên tăng trưởng cao khó có thể trở lại. Chúng tôi mới chỉ gặp gordon một lần. Nhìn bề ngoài, trông ông có vẻ khá dè dặt; cuốn sách của ông, tuy vậy, chẳng dè dặt chút nào.

Ở phía bên kia là Joel Mokyr, người mà chúng tôi biết rõ hơn nhiều, một người đàn ông cực kì hoạt bát, với đôi mắt lấp lánh và những lời hay ý tốt dành cho mọi người; những gì ông viết tràn ngập một thứ năng lượng tích cực dễ lây lan, rất nhất quán với cái nhìn lạc quan chung của ông đối với tương lai.

Gordon đã tiến một bước rất táo bạo khi dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức trung bình khiêm tốn 0,8%/năm trong 25 năm tới. “Nhìn vào đâu”, ông nói trong một cuộc tranh luận với Mokyr, “Tôi cũng thấy mọi thứ đang giẫm chân tại chỗ. Tôi thấy các văn phòng dùng máy tính để bàn và chạy các phần mềm gần y như cách họ đã làm cách đây mươi, mười lăm năm.

Tôi thấy các cửa hàng bán lẻ nơi chúng ta thanh toán bằng máy quét mã vạch hệt như ngày xưa; hàng vẫn được chất lên giá bằng sức người, chứ không phải nhờ robot; đứng sau quầy thái thịt và phô mai vẫn là con người”. Các phát minh của ngày nay, theo quan điểm của ông, đơn giản là không triệt để như điện và động cơ đốt trong. Cuốn sách của Gordon đặc biệt táo bạo.

Ông khoái trá dẫn ra một loạt các đổi mới mà các nhà tương lai học dự đoán và lần lượt giải thích tại sao, theo ý kiến của ông, không đổi mới nào có thể có tính cải hóa như thang máy hay điều hòa không khí, và tại sao chúng không thể đưa ta trở lại kỉ nguyên tăng trưởng nhanh chóng. Robot không thể gấp quần áo.

In ba chiều (3D) không thể tác động đến sản xuất quy mô lớn. Trí thông minh nhân tạo và học máy “chả có gì mới mẻ”. Chúng đã xuất hiện ít nhất từ năm 2004 và chẳng giúp gì cho sự phát triển v.v..

Dĩ nhiên, rõ ràng là những gì Gordon nói không loại trừ khả năng một thứ gì đó hoàn toàn bất ngờ, có lẽ là một sự kết hợp không tưởng xưa nay của các thành phần quen thuộc, sẽ tỏ rõ quyền năng cải hóa. Chỉ là, ông linh cảm điều đó sẽ không xảy ra.

Mokyr, trái lại, nhìn thấy một tương lai tươi sáng cho tăng trưởng kinh tế, được thúc đẩy bởi việc các quốc gia đua nhau chiếm vị trí dẫn đầu về khoa học công nghệ, và kết quả là các đổi mới được lan truyền nhanh chóng ra khắp toàn cầu. Ông thấy tiềm năng của tiến bộ trong công nghệ laser, khoa học y tế, kĩ thuật di truyền, và in 3D.

Trước tuyên bố của Gordon rằng chẳng có thay đổi căn bản nào trong cách thức sản xuất của con người trong vài thập kỉ qua, ông phản bác: “Các công cụ chúng ta có ngày nay khiến bất cứ thứ gì ta có ngay cả hồi năm 1950 trông giống như những món đồ chơi thô vụng”.

Nhưng chủ yếu Mokyr cho rằng cách nền kinh tế thế giới đã thay đổi và trở nên toàn cầu hóa đã tạo ra môi trường thích hợp cho các đổi mới nở rộ và thay đổi thế giới theo những cách thức mà chúng ta thậm chí không thể hình dung ra nổi.

Ông dự đoán một nhân tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng: chúng ta sẽ có thể làm chậm lại quá trình lão hóa của não. Tất nhiên nó sẽ cho ta thêm thời gian để nghĩ ra những ý tưởng hay hơn. Mokyr, người vẫn quyến rũ và sáng tạo ở tuổi 72, là một ví dụ sinh động cho luận điểm của chính ông.

Abhijit V. Banerjee & Esther Duflo/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/kinh-te-hoc-thoi-kho-nhoc-post1503416.html
Zalo