Kinh tế du lịch sẽ tạo đột phá lớn
Năm 2024, Quảng Trị đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 168 nghìn lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đây là tín hiệu đáng mừng khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung đầu tư, qua đó tạo đột phá giúp Quảng Trị chuyển mình, phát triển.
Hơn 3 triệu lượt khách du lịch đến Quảng Trị
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Lê Minh Tuấn cho biết, lượng khách du lịch đến Quảng Trị năm 2024 ước đạt 3.014.000 lượt, tăng 48,6% so với năm 2023; trong đó khách quốc tế 168.000 lượt, khách nội địa 2.846.000 lượt. Đây là con số tiệm cận với chỉ tiêu Nghị quyết 35/2017/NQ-HĐND, ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh đề ra đến năm 2025, thu hút 3.250 nghìn lượt khách du lịch.
Bên cạnh đó, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt khoảng 2.400 tỉ đồng, tăng 31,8% so với năm 2023, trong đó doanh thu chuyên ngành ước khoảng 823 tỉ đồng, tăng 31,2% so với năm 2023. Điều này cho thấy, việc tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để tập trung đầu tư lâu dài là đúng đắn.
Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Quảng Trị từ các thị trường Lào, Thái Lan, cùng với đó là các nước như Mỹ, Australia, Tây Âu, các nước Đông Bắc Á... Các sản phẩm du lịch thu hút du khách có thể kể đến “Ký ức chiến tranh - Khát vọng hòa bình”, “Cửa ngõ Hành lang Kinh tế Đông - Tây”, kết nối, liên kết du lịch “Con đường di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”; các tour du lịch DMZ, “Một ngày ăn cơm 3 nước”, Caravan “Biển gọi”, “Khám phá du lịch miền Tây Quảng Trị”... Bên cạnh đó, du lịch biển cũng thu hút sự quan tâm của du khách. Đặc biệt, thông qua Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024, rất nhiều du khách trong nước, quốc tế yêu chuộng hòa bình đã đến với Quảng Trị.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 236 cơ sở lưu trú, với 3.481 phòng, 5.977 giường, trong đó có 66 khách sạn từ 1 - 4 sao và khách sạn đạt tiêu chuẩn, 170 nhà nghỉ, nhà khách và homestay; 26 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và 16 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với Quảng Trị.
Hạ tầng du lịch được đẩy mạnh đầu tư
Giám đốc Sở VH, TT&DL Lê Minh Tuấn nhấn mạnh: Từ năm 2017 - 2024, nguồn lực bố trí cho hạ tầng du lịch là 48.109,361 tỉ đồng. Các dự án được đầu tư gồm: Cơ sở hạ tầng Khu dịch vụ - du lịch bãi tắm cộng đồng Gio Hải; đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây; đường kết nối trung tâm huyện Vĩnh Linh đến các xã ven biển, hạ tầng Khu du lịch Cửa Tùng và bãi tắm cộng đồng Vĩnh Thái (giai đoạn 1).
Nhiều công trình như đường nối các điểm du lịch huyện Hướng Hóa; phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 - Tiểu dự án Quảng Trị gồm có 4 hợp phần hạ tầng du lịch các bãi tắm Trung Giang, Gio Hải, Cửa Việt và đầu tư hạ tầng cảng du lịch Cửa Việt với tổng mức đầu tư 11,434 triệu USD cũng được xây dựng trong giai đoạn này. Ngoài ra có các dự án bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp di tích lịch sử cách mạng trọng điểm tỉnh Quảng Trị như Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn; Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị, Khu di tích Địa đạo Vịnh Mốc.
Để có chiến lược lâu dài, công tác quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai. Đến nay, các khu du lịch tiềm năng đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt quy hoạch và chỉ đạo đầu tư cơ sở hạ tầng như Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt (191,17 ha), Khu du lịch Cửa Tùng (135 ha), Khu dịch vụ - du lịch ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt (746,17 ha), Khu dịch vụ - du lịch ven biển Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc (174,5 ha), Khu dịch vụ - du lịch Vĩnh Thái (518 ha), Khu du lịch huyện đảo Cồn Cỏ (45,49 ha), Khu dịch vụ du lịch Triệu An - Triệu Vân (300 ha)... Hiện nay, Sở Xây dựng đang tham mưu hoàn thiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị đến năm 2045.
Đặc biệt, Khu du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh sách quy hoạch các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 509/QĐ-TTg, ngày 13/6/2024. Đây là khu du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, góp phần quan trọng tạo cú hích để du lịch Quảng Trị tăng tốc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Đồng thời để phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo điều chỉnh và mở rộng quy hoạch phân khu khu du lịch Cửa Việt, Cửa Tùng, Vĩnh Thái; khu du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt; khu phức hợp nghỉ dưỡng biển Mũi Trèo, khu du lịch nghỉ dưỡng Eden Charm, khu du lịch - dịch vụ Gio Hải, các khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi (Đakrông), Brai -Tà Puồng (Hướng Hóa).
Ngoài ra, các khu vực giàu tiềm năng du lịch như: Khu du lịch cộng đồng Gio An; làng Văn hóa du lịch cộng đồng - sinh thái Tùng Luật; các khu du lịch sinh thái Rừng Bần, thác Chơờng, Bàn Đá Nậy (Cam Lộ); quần thể du lịch - khách sạn - nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, văn hóa thể thao tại khu vực đập tràn Hải Lệ... được đưa vào kế hoạch và đang tập trung chỉ đạo triển khai quy hoạch.
Tạo sức hút cho du khách
Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở VH, TT&DL Nguyễn Tiến Lực cho biết, để du khách nhận diện du lịch Quảng Trị, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết, hợp tác du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch được chú trọng. Theo ông Lực, ngoài các chuyên đề quảng bá, xúc tiến, trong thời đại 4.0, du khách muốn đến Quảng Trị dễ dàng tìm hiểu thông tin du lịch của địa phương thông qua các trang web như: dulichquangtri.com.vn; dulich.quangtri.gov. vn; ipa.quangtri.gov.vn. Các trang mạng xã hội ngày càng phát huy thế mạnh trong quảng bá như “Visit Quang Tri”, “Checkin Quang Tri”. Thống kê cho thấy, fanpage “Visit Quang Tri” có 13.000 lượt theo dõi, group “Checkin Quang Tri” có 35.900 thành viên.
Về liên kết, hợp tác du lịch, tiến hành hợp tác phát triển du lịch giữa 3 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet - Mukdahan; 3 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế định kỳ luân phiên tổ chức hội nghị hợp tác phát triển du lịch với quyết tâm liên kết đưa 3 tỉnh trở thành một vùng du lịch lớn có sức cạnh tranh với các vùng, điểm du lịch trong cả nước và khu vực. Tham gia làm thành viên của Khối liên kết 5 tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình) với chủ điểm “Du lịch miền Trung - Miền di sản diệu kỳ”.
Tham gia diễn đàn Liên kết phát triển du lịch với TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng; ký kết hợp tác với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, các tỉnh Tây Nguyên - đây là những thị trường gửi khách quan trọng của các tỉnh miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng. Thực hiện ký kết với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) và Công ty Du lịch SaiGontourist chương trình hợp tác giai đoạn 2022 - 2025 nhằm tăng cường liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch và đưa du khách đến Quảng Trị.
Đối với sản phẩm du lịch, tỉnh từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có, đồng thời tập trung đầu tư các sản phẩm du lịch mới nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Thành công của Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình” đã tạo điều kiện để tỉnh tổ chức các lần tiếp theo với nhiều hoạt động đặc sắc, phong phú, có tính đặc trưng, hấp dẫn, không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn đối với khách quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm bảo tồn, khôi phục và duy trì một số lễ hội truyền thống như: chợ đình Bích La, Ariêuping (bốc mã), mừng lúa mới, cồng chiêng, các hoạt động tri ân Tháng 7 và lễ hội Thống nhất non sông...
Ông Nguyễn Hoàng Anh (38 tuổi) - một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin đến từ quận Đống Đa, Hà Nội - cho biết: “Tôi rất ấn tượng với chuỗi hoạt động trong Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024. Đây là sự khác biệt, đặc sắc và có tính cạnh tranh so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, biển Quảng Trị rất đẹp và hoang sơ, cần đầu tư để phát triển. Nếu các thế mạnh đó được phát huy mạnh mẽ sẽ biến Quảng Trị trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách”.