Kinh tế Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông trước sáp nhập tỉnh
Bình Thuận là tỉnh trội hơn về quy mô kinh tế so với 2 địa phương còn lại. Tuy nhiên, nếu sáp nhập 3 tỉnh này với nhau sẽ có nhiều dư địa để phát triển.
Bình Thuận hướng đến trở thành trung tâm năng lượng xanh
Bình Thuận là một tỉnh thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Bình Thuận nằm trên trục quốc lộ 1A, có điều kiện kết nối, phát triển tốt với vùng kinh tế Tây Nguyên và Trung Bộ. Ngoài ra, Bình Thuận còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên tương đối phong phú, đa dạng để tập trung phát triển chuyên sâu các ngành kinh tế như kinh tế biển, du lịch, năng lượng, khai thác khoáng sản và nông - lâm nghiệp.
Sau hơn 34 năm tái lập, xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Thuận đã tận dụng những lợi thế khác biệt để vượt khó, vươn lên, với quy mô nền kinh tế năm 2024 đạt 121.000 tỷ đồng.

Các dự án nhà máy nhiệt điện khí và kho cảng LNG được kỳ vọng góp phần đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước. Ảnh: PV GAS
Cụ thể, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2024 tăng 7,25%. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 10,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 12%. Du lịch phát triển, toàn tỉnh đón gần 10 triệu lượt khách, doanh thu hoạt động du lịch đạt 25.530 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, sản lượng lương thực ước đạt 873.084 tấn.
Các dự án đầu tư công được quan tâm triển khai, góp phần thu hút đầu tư tư nhân vào Bình Thuận. Tổng số dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh là 767 dự án, đến đầu năm 2025 có 699 dự án đã hoàn thành đi vào sử dụng.
Các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh với tổng công suất lắp đặt hơn 6.517 MW, chiếm tỷ lệ 8,09% công suất lắp đặt của cả nước, tiếp tục đóng góp sản lượng điện lớn cho nền kinh tế.
Tại Bình Thuận hiện có 2 dự án điện khí LNG với tổng công suất 4.500 MW, bao gồm: Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I (công suất 2.250 MW) và Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II (công suất 2.250 MW). Các dự án này thuộc Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân) và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, đồng thời xác định là những dự án trọng điểm quốc gia cũng như của ngành năng lượng.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, hiện nay, tỉnh đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển quốc gia và quốc tế; trở thành trung tâm năng lượng xanh của cả nước.
Đắk Nông - Định hình là trung tâm công nghiệp bô xít - alumin của quốc gia
Đắk Nông nằm trong khu vực Tây Nguyên, trên tuyến quốc lộ 14, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. Trên cơ sở này, tỉnh đang phát huy lợi thế về vai trò vệ tinh của các vùng kinh tế động lực trong sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào của một số ngành hàng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Đắk Nông còn là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên có đường biên giới giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia), yếu tố quốc tế này giúp phát triển giao thương hàng hóa, văn hóa...

Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Đắk Nông. Ảnh: TKV
Kết thúc năm 2024, Đắk Nông ghi nhận sự khả quan, duy trì ổn định kinh tế - xã hội. Theo đó, tăng trưởng kinh tế tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 24.500 tỷ đồng (GRDP giá so sánh năm 2010); tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 4,87% - là mức tăng trưởng đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp ước tăng 5,34%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 6,41%; khu vực dịch vụ ước tăng 4,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 3,88%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông theo giá hiện hành ước đạt hơn 55.700 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 82 triệu đồng/năm.
Đắk Nông đang hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên. Tỉnh tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo vai trò là cửa ngõ giao thương giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đồng thời, tỉnh cũng định hướng trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - alumin - nhôm của quốc gia, phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái.
Tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9,05%/năm; GRDP bình quân đầu người là trên 130 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng thu ngân sách từ 12-15%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số là từ 5%/năm trở lên. Đến năm 2030, 90% xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ngành nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Lâm Đồng
Là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Nguyên - Lâm Đồng có diện tích lớn thứ 7 cả nước, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Lâm Đồng được chia thành 3 vùng với 5 thế mạnh: Phát triển cây công nghiệp dài ngày, lâm nghiệp, khoáng sản, du lịch - dịch vụ và chăn nuôi gia súc.

Năm 2024, rau, củ, quả các loại của Lâm Đồng xuất khẩu tăng 19,5%. Ảnh: Xuân Trung
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 4,02% so với cùng kỳ, đứng thứ 61 cả nước và xếp thứ 4 khu vực Tây Nguyên. Tốc độ phát triển GRDP năm 2024 tăng 5,3% so với kế hoạch, tăng từ 7,2 - 7,8%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,2%.
Tính đến hết năm 2024, cơ cấu kinh tế Lâm Đồng có tỷ lệ đóng góp từ các khu vực bao gồm: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 43,8%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 18,0% và ngành dịch vụ chiếm 38,2%. Từ đây cho thấy, ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Lâm Đồng.
Điểm sáng của nền kinh tế nằm ở chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 985,8 triệu USD, vượt so với kế hoạch và tăng 6,1% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú đạt 7.600 nghìn lượt khách, đạt so với kế hoạch và tăng 13,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người đạt 103 triệu đồng/người/năm và tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 21%, cao hơn so với kế hoạch là 6 - 7%.
Năm 2025, tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 9 - 10%; thu nhập bình quân đầu người từ 115 - 117 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước đạt 14.500 - 15.000 tỷ đồng. Đây là những con số cao hơn rất nhiều so với kết quả đạt được trong năm 2024. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện sự quyết tâm của chính quyền, nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Trong đề án sáp nhập đơn vị hành chính, cả 3 địa phương Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông đều trong diện sáp nhập tỉnh. Với vị thế địa lý, nếu 3 địa phương này sáp nhập lại sẽ vừa có biển, có núi, có đường biên giới với Campuchia, thúc đẩy mạnh giao thương, hàng hóa của địa phương.