Kinh tế 2025: Vững vàng tâm thế bước vào kỷ nguyên mới
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8%, là tiền đề cho Việt Nam hướng tới giai đoạn mới, với dấu ấn bứt phá liên tục, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhằm phát triển nhanh, bền vững.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích và cũng là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; đồng thời chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%.
Tuy nhiên, với dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị sẽ phải “tăng tốc, bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 cũng như cả nhiệm kỳ; song hành phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Nhiều "động lực" lan tỏa
Tại nhiều cuộc họp gần đây,
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
khẳng định: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực. Việt Nam đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Theo đó, kinh tế tăng trưởng hơn 7%, cao hơn so với kỳ vọng đầu năm. Việt Nam thuộc nhóm ít quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Một loạt số liệu về kinh tế vĩ mô ngày càng cải thiện, thể hiện đà tăng trưởng với diễn biến khả quan. Theo Bộ Công Thương, năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8,4%. Trong cỗ xe “tam mã” là đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng thì xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD lập mốc lịch sử mới, vượt mốc lịch sử 371,82 tỷ USD của năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu gần 25 tỷ USD.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng nhiều khởi sắc, Chính phủ đã có những quyết sách nhằm tạo dựng cơ hội, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận làn sóng FDI thế hệ mới cũng như như xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài thực hiện mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030.
Chính phủ và các địa phương cũng đang thực thi giải pháp nhằm đảm bảo năng lượng ổn định, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Việt Nam là điểm đặt chân đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bán dẫn, bán lẻ... đến năng lượng tái tạo. Nhiều tên tuổi lớn trong mảng công nghệ như: Nvidia, Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor… cho biết đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Đáng chú ý trong tháng 12/2024, Chủ tịch Nvidia chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI và trung tâm dữ liệu AI. Nvidia cũng công bố thương vụ mua lại VinBrain - một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Tập đoàn Vingroup. Đây được đánh giá là bước ngoặt mang tính lịch sử, mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm R&D về AI hàng đầu châu Á. Ngoài Nvidia, Alibaba cũng tiết lộ dự định xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam hay ông lớn Google cũng xác nhận mở công ty Google Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những tích cực, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Các chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ làm giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải biến động mạnh; kinh tế, thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc; tổng cầu, đầu tư toàn cầu sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, điểm yếu quan trọng là khu vực kinh tế trong nước chưa đóng vai trò lớn trong tăng trưởng, các địa phương đầu tàu kinh tế như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đang giảm dần tỷ trọng GDP. Nguyên nhân xuất phát từ việc các địa phương này đã đạt tới mức phát triển tối đa, trong khi các tỉnh thành khác đang dần vươn lên.
Về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, dù có sự cải thiện đáng kể so với 10 năm trước, nhưng mức độ hiệu quả chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Các ngành xuất khẩu chủ lực như: da giày, may mặc và điện tử dù mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%, chủ yếu do doanh nghiệp vẫn dựa vào mô hình gia công.
Ngoài ra, thực tế cũng đặt ra yêu cầu giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh ngoài dự báo, nhất là những diễn biến liên quan đến chính sách tiền tệ, tài khóa bên cạnh việc ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề tại nhiều địa phương như siêu bão Yagi...
"Đột phá của đột phá"
Mặt khác, Bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, môi trường và phát triển bền vững. Các chương trình kết nối doanh nghiệp với nhà cung cấp uy tín trong nước và quốc tế sẽ giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Nhằm tạo dựng, phát huy hiệu quả các động lực phát triển trong kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tạo đột phá đối với các động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư vào lĩnh vực mới, công nghệ cao như bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế số…
“Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư và tới đây là Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiến hành cuộc cách mạng chuyển đổi số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới sẽ tạo khung pháp lý thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi số góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đề xuất cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ tập trung quyền lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong bộ máy nhà nước, không giới hạn thẩm quyền của các cơ quan nhằm đạt hiệu quả công việc cao nhất. Đồng thời, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cơ sở hạ tầng đồng bộ, phát triển đầy đủ các loại thị trường. Vị thế, thương hiệu đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế sẽ giúp củng cố, nâng cao quyền lực mềm quốc gia.
Dự báo năm 2025, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chuyển dịch sang Việt Nam và thị trường xuất khẩu rộng mở hơn. GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá: Thu hút FDI sẽ vẫn rất khả quan nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực kinh tế Việt Nam.
Xu hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã thay đổi, từ việc tập trung vào lao động giá rẻ sang khoa học - công nghệ và công nghệ cao. Việt Nam cũng khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và trong thời gian tới sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường để hạn chế rủi ro khi xuất khẩu tập trung vào một số thị trường như trước đây.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Chính phủ đang tập trung đôn đốc, với sự vào cuộc của cả hệ thống, các ngành, địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; quyết tâm giải ngân 95% kế hoạch. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; thành lập các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.