Kinh tế 2024 - Dự báo 2025: Đột phá hạ tầng cho vận tải bứt tốc
Chiều 30/12, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành giao thông vận tải theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại nhiều điểm cầu trên cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo tại hội nghị.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của ngành giao thông vận tải, chia sẻ những khó khăn, vất vả cũng như khối lượng công việc nặng nề của ngành giao thông vận tải đã thực hiện trong năm 2024.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định giao thông là ngành có vai trò hết sức quan trọng, tạo ra kết nối các lĩnh vực kinh tế, địa phương và các quốc gia. Tới đây, ngành giao thông vận tải tiếp tục phát huy vai trò đi trước mở đường, để giao thông đi đến đâu mở ra không gian phát triển đến đó, và giao thông không chỉ là đường bộ mà còn đường sắt, đường thủy, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, sau hội nghị này sẽ có mô hình tổ chức mới cho ngành giao thông vận tải khi sáp nhập với ngành xây dựng, từ đó phát triển vấn đề giao thông, kết cấu hạ tầng then chốt với kết cấu đô thị và nông thôn. Tất cả để hướng tới thay đổi theo hướng mạnh lên, đồng bộ hơn, song vẫn bảo đảm hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Điều này cũng đặt ra bài toán ngành giao thông vận tải giai đoạn tới cần bứt tốc với kết quả mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bô Giao thông vận tải Trần Hồng Minh chia sẻ, năm 2024 là năm bản lề, đóng vai trò quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động kép từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại, toàn ngành giao thông vận tải đã duy trì sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, thực hiện nhiệm vụ với phương châm hành động “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Qua đó tiếp tục tạo sự chuyển biến toàn diện, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực quản lý với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Về đột phá hạ tầng, năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án. Nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam, đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng.
Về đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, đã khởi công 8 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 7 dự án, đặc biệt hoàn thành 2 Dự án thành phần còn lại đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm để hoàn thành toàn bộ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước đến nay lên 2.021 km; đã rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt tổ chức triển khai để hoàn thành mục tiêu 3.000 km vào năm 2025; đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư 8 trạm dừng nghỉ, đang triển khai mời thầu 13 trạm dừng nghỉ còn lại.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; tiến độ các dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành, dự án Nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cơ bản được bảo đảm, đặc biệt Dự án thành phần 2, Dự án thành phần 3 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có nhiều hạng mục vượt kế hoạch.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đang tích cực triển khai dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025; phối hợp với thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đưa vào khai thác các dự án đường sắt đô thị gồm đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội và tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng; tiến độ triển khai Dự án thành phần 4 Cảng Hàng không quốc tế Long Thành còn chậm. Nguồn cung cấp cát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.
Mặc dù nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, tuy nhiên các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát điều hành giao thông chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân. Việc thu hút nguồn vốn xã hội trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đồng thời, tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Theo ghi nhận từ Báo cáo Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Bộ Giao thông vận tải, với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các địa phương trong quá trình chuẩn bị, triển khai 9 dự án đường bộ cao tốc do địa phương là cơ quan chủ quản.
Nhiều khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án, nhất là trong thẩm định dự án, thủ tục khai thác vật liệu phục vụ thi công, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, công tác tác tổ chức thi công, quản lý dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phối hợp, hỗ trợ, cùng các địa phương tháo gỡ kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sớm cho chủ trương.
Đối với công tác giải ngân đầu tư công, với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu các chủ thể liên quan trong giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải đi đôi với kết quả thực chất là sản lượng trên công trường.
Năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã được được giao khoảng 75.481 tỷ đồng; trong đó, 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024, 4.193 tỷ được giao bổ sung từ tháng 11 năm 2024. Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.
Hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định 2 con số gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2024, sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5%; Vận chuyển hành khách ước đạt 4.7 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với năm 2023./.