Kinh tế 2024: Chặng đua về đích
Chỉ còn vài bước chạy nữa là kinh tế Việt Nam sẽ về đích kế hoạch năm 2024. Thời gian không còn nhiều, nhưng vẫn cần những nỗ lực để đạt được kết quả cao nhất.
“Ngôi sao” tăng trưởng
Tiếp tục những dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam được đưa ra. Trong báo cáo vừa được công bố, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 lên mức 7%, thay vì 6,5% như dự báo trước đó.
Kết quả tích cực này, theo các chuyên gia của HSBC, được dẫn dắt bởi sản xuất, xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Trong đó, đà tăng tốc của khu vực sản xuất là rất đáng chú ý, với chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất nhập khẩu cũng tích cực và đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài vẫn đang gia tăng.
Nhấn mạnh việc năm nay là năm thứ 3 liên tiếp, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 20 tỷ USD (11 tháng năm nay, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân là 21,68 tỷ USD - PV), các chuyên gia HSBC dự báo, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất có khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Nhắc đến việc Shunsin, một công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang, cũng như mối quan tâm của các tập đoàn lớn như Google, NVIDIA với Việt Nam, HSBC đã nhấn mạnh, “năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện”.
Vì năng lực sản xuất không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, nên thương mại hàng hóa luôn trở thành một điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Năm nay cũng vậy. Con số vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến ngày 15/12/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt trên 747,13 tỷ USD, tăng 14,7%, tương ứng tăng 95,98% về con số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 385,35 tỷ USD, tăng 13,9%, tương ứng tăng 46,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023, tiến ngày càng gần đến cột mốc 400 tỷ USD.
Khi sản xuất, xuất khẩu được thúc đẩy, tăng trưởng kinh tế sẽ tích cực hơn. Nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gần như chắc chắn đạt được con số 7% trong năm nay. Ông Lương Văn Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ có sự bứt phá lớn, với dự báo đạt 7%, lấy lại đà tăng trưởng như trước thời kỳ Covid-19.
“Nếu so với các nước ASEAN, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 10/2024, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc diện cao nhất khu vực”, ông Lương Văn Khôi nói.
Trong báo cáo mới nhất, Oxford Economics cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ cao hơn so với mức tăng chung của nhóm 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN-6), có lẽ không chỉ trong năm nay, mà cả trong những năm tới. Hãng nghiên cứu này cũng nhắc đến “những luồng gió mới” trong ngành sản xuất chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)…, bên cạnh những động lực tăng trưởng như chế tạo, xuất khẩu, tiêu dùng và thương mại.
Bước nhảy cuối cùng
Dù những dự báo với kinh tế Việt Nam 2024 là tích cực, nhưng để đạt được kết quả cao nhất có thể, mà một trong những kỳ vọng là tăng trưởng GDP có thể đạt trên 7%, vẫn cần những nỗ lực trong “bước nhảy cuối cùng”.
Trong cuộc trao đổi gần đây với báo giới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, khi rà soát lại tất cả các động lực tăng trưởng từ nay tới cuối năm, thì thấy có cơ hội để “gia tăng thêm phần tăng trưởng”. Đó là thị trường xuất khẩu hiện tương đối tốt, mà “cố thêm một chút nữa có thể tăng trưởng thêm”.
Trong bối cảnh các khó khăn bên ngoài gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công và những chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ là các biện pháp cần thiết để kích thích hơn nữa cầu nội địa.
- Ngân hàng ADB nhận định khi công bố dự báo kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam
Tương tự là thu hút đầu tư nước ngoài, là đầu tư trong nước và động lực tiêu dùng. “Khi thị trường đầu tư trên thế giới ảm đạm, thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất tốt. Đây là điều khiến chúng ta có thể tự tin nói rằng, động lực đầu tư rất tích cực, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả năm”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự cải thiện của đầu tư trong nước, khi mà gần đây, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới gia tăng trở lại, qua đó thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, liên quan đến động lực tiêu dùng, có thể tận dụng cơ hội chi tiêu của người dân vào thời điểm lễ Noel, Tết Dương lịch để thúc đẩy tăng trưởng của tiêu dùng nội địa.
Không chỉ là tiêu dùng nội địa, mà việc chỉ trong tháng 11/2024, đã có hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam cũng là một chỉ dấu tích cực. Nếu tháng 12 cố gắng hơn, đón được 2 triệu lượt khách, thì cả năm có thể đạt được mục tiêu 18 triệu lượt khách quốc tế. Và khi cả khu vực dịch vụ và tiêu dùng nội địa được cải thiện, sẽ góp phần “gia tăng tăng trưởng”.
Hơn nữa, giải ngân đầu tư công cũng là một trong các động lực tăng trưởng quan trọng. Chưa có số liệu của 12 tháng, nhưng 11 tháng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, riêng giải ngân vốn của các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đạt hơn 87% kế hoạch.
Khác với các chỉ số kinh tế khác, con số được chốt sổ vào ngày cuối năm, thì với giải ngân vốn đầu tư công, ngày chốt sổ sẽ là 31/1/2024 (ngày kết thúc của niên hạn ngân sách 2024). Do vậy, vẫn còn hơn 1 tháng nữa để “chạy… deadline”. Nếu nỗ lực giải ngân đạt 95% kế hoạch trong tổng nguồn lực 670.000 tỷ đồng của năm 2024, như mục tiêu Chính phủ đặt ra, sẽ hỗ trợ tích cực tới tăng trưởng kinh tế.
Không chỉ là “kích thích hơn nữa cầu nội địa”, mà đẩy mạnh đầu tư công không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế giai đoạn sau.