Kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công
Chiều 27/11, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành III tổ chức Tọa đàm 'Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công (NCC) giai đoạn 2021-2023 tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương'.
TS. Vũ Ngọc Tuấn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III, ThS. Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán chủ trì Tọa đàm; cùng tham dự có đại diện các đơn vị trực thuộc KTNN.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Hà Minh Tuấn cho biết: Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16/02/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ” với ba đối tượng và hai chính sách đầu tiên, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng đã ban hành và sửa đổi, bổ sung 07 lần, đến nay hệ thống chính sách ưu đãi người có công đã được mở rộng lên 12 đối tượng, cơ bản bao phủ các đối tượng người có công với cách mạng.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định quan điểm nhất quán về thực hiện tốt chính sách với người có công, với quyết tâm chính trị: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với NCC trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm NCC và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú”.
Giai đoạn 2021-2023, tổng dự toán kinh phí thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC là 100.906 tỷ đồng, kinh phí đề nghị quyết toán là 97.064 tỷ đồng. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC được quan tâm, tăng từ 1.624.000 đồng năm 2020 lên 2.055.000 đồng năm 2023 (tăng 26,5% so với năm 2020), năm 2024 là 2.789.000 đồng (tăng 35,7% so với năm 2023), giúp đời sống NCC và gia đình được cải thiện và nâng cao.
Đến hết năm 2023, cả nước có 99,29% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; việc triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC đã được quan tâm với phạm vi thực hiện chính sách rộng, số lượng đối tượng thụ hưởng lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách về người có công trong thực tiễn còn một số hạn chế một số khoản hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn và lộ trình tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi, tiền lương cơ sở qua các năm.
Chính vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm toán, đánh giá việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, việc tuân thủ các quy định trong quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân quan tâm, từ đó đề ra những giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để việc chăm sóc người có công ngày một tốt hơn,Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Hà Minh Tuấn nhấn mạnh.
Năm 2024, KTNN tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC giai đoạn 2021-2023, thực hiện kiểm toán tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bến Tre, Nam Định, Thái Bình, Gia Lai. Để thực hiện thống nhất trong toàn ngành, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Đề cương kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC giai đoạn 2021-2023.
Kết quả kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC giai đoạn 2021-2023 đã chỉ ra một số bất cập trong việc quản lý, sử dụng kinh phí ưu đãi NCC với cách mạng, cũng như những vướng mắc về chế độ, chính sách, từ đó có những kiến nghị tương ứng.
Theo đó, các Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 có hiệu lực từ ngày 15/02/2022 và Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 có hiệu lực từ ngày 15/9/2021) ban hành chậm so với thời điểm Pháp lệnh Ưu đãi NCC có hiệu lực (01/7/2021) nên các địa phương lúng túng về trình tự thủ tục, hồ sơ, thời điểm cho các đối tượng thụ hưởng, tăng thủ tục hành chính và thời gian của người được thụ hưởng.
Mặc dù mức chuẩn trợ cấp ưu đãi và các khoản trợ cấp ưu đãi được Đảng, Nhà nước quan tâm điều chỉnh tăng, song còn một số đối tượng đang hưởng mức trợ cấp hàng tháng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là hỗ trợ thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe; mức sống của một bộ phận hộ gia đình NCC còn thấp hơn mức sống bình quân của cộng đồng dân cư nơi cư trú…
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, hồ sơ công nhận, thẩm quyền giải quyết đối với một số trường hợp là NCC và thân nhân NCC nên các địa phương vướng mắc trong công tác công nhận; chưa quy định rõ thời điểm được hưởng, hưởng lại hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp ưu đãi của một số đối tượng dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết chế độ ưu đãi, ảnh hưởng đến quyền lợi của NCC.
Cơ sở dữ liệu về NCC hiện đang lưu trữ tại cấp tỉnh, cấp huyện và sử dụng nhiều phiên bản phần mềm, nhiều loại cơ sở dữ liệu khách nhau, một số địa phương chưa có phần mềm quản lý thông tin đối tượng NCC trong khi dữ liệu về NCC khá lớn, phức tạp nên cũng khó khăn cho công tác cập nhật, quản lý, tích hợp dữ liệu về NCC. Trong khi đó, các địa phương chưa cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu theo đề nghị của Cục NCC, nhiều hồ sơ (bản cứng) đã cũ, rách đang từng bước khôi phục và số hóa...
Chính sách NCC là chính sách quan trọng, có tính lan tỏa, được Đảng, Nhà nước và người dân đặc biệt quan tâm. Vì vậy, việc triển khai kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC là rất cần thiết, đảm bảo các chính sách được thực thi hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng. Từ những thành công của cuộc kiểm toán, KTNN có thể lựa chọn nhiều địa phương khác để tiếp tục triển khai kiểm toán. Đồng thời, để nâng cao chất lượng kiểm, các Đoàn kiểm toán cần nâng cao chất lượng từ khâu khảo sát, thu thập thông tin, lựa chọn và đào tạo kiểm toán viên, tăng cường trao đổi, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Đoàn kiểm toán.
TS. Vũ Ngọc Tuấn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III
Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, trình Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với một số quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP không có trong quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14; rà soát cơ chế, chính sách hiện hành, tổng hợp khó khăn, vướng mắc về chính sách ưu đãi NCC đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về NCC, tránh lãng phí nguồn lực, phục vụ công tác quản lý đối tượng, lập, phân bổ, giao dự toán, quyết toán kinh phí thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công.
Ngoài nguồn NSNN, cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác chăm lo NCC. Bên cạnh việc thực hiện các kiến nghị xử lý tài chính, UBND các tỉnh kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật các dự án, công trình thuộc lĩnh vực NCC chưa xác định rõ nguồn vốn thực hiện.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ thông tin về tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi NCC phát hiện qua công tác kiểm toán tại các địa phương; bất cập của cơ chế, chính sách và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi NCC qua kết quả kiểm toán tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, phối hợp thực hiện kiểm toán và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC…