Kinh nghiệm hòa giải dân tộc sau chiến tranh ở một số nước
Triển vọng về các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Trung Đông và Ukraine đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về khả năng giải quyết hòa bình. đa phần đó là câu chuyện về điều kiện chấm dứt chiến tranh, ít ai bàn về những gì sẽ xảy ra sau đó. Mặc dù thực tiễn đã chứng minh việc tái thiết sau xung đột là một quá trình phức tạp và đau đớn. bài viết phân tích các giai đoạn chính của quá trình này qua các ví dụ ở Rwanda, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kết thúc chiến tranh
Bước đầu tiên tiến tới hòa giải luôn luôn là chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra một cách hòa bình.
Cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994 chỉ chấm dứt khi quân đội của người Tutsi, sau nhiều năm xây dựng lực lượng ở nước ngoài, trở về đè bẹp người Hutu bằng sức mạnh quân sự. Tiếp theo, diễn ra các phiên tòa xét xử những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác diệt chủng, và chỉ sau đó, ban lãnh đạo mới của đất nước mới bắt đầu nghĩ đến hòa giải.
Trong trường hợp Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ, xung đột dường như đã chuyển sang một giai đoạn khác thay vì kết thúc. Những mâu thuẫn đối kháng về việc thừa nhận tội ác diệt chủng người Armenia và quan điểm đối lập về xung đột ở Nagorno-Karabakh khiến tất cả các cuộc đàm phán đều thất bại. Sau khi Liên Xô tan rã, Thổ Nhĩ Kỳ đã công nhận nền độc lập của Armenia, nhưng quan hệ ngoại giao giữa hai nước gián đoạn từ năm 1993. Tuy nhiên, vào mùa thu năm 2022, lãnh đạo hai nước lần đầu tiên tiến hành các cuộc đàm phán, khôi phục các chuyến bay chở khách và hàng hóa giữa hai quốc gia, các cuộc đàm phán về mở cửa biên giới đất liền thường xuyên diễn ra.
Thừa nhận lỗi lầm
Bước đi hợp lý sau khi kết thúc xung đột là bên gây hấn thừa nhận lỗi lầm của mình. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra. Đôi khi, thay vì lời xin lỗi, bên bị hại chỉ nhận thêm những lời cáo buộc mới.
Tại Tòa án Hình sự Quốc tế về Rwanda, Jean Kambanda, cựu Thủ tướng trong chính phủ lâm thời suốt 100 ngày diễn ra cuộc diệt chủng, đã thừa nhận tội lỗi của mình. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử khi người đứng đầu chính phủ bị kết án tội diệt chủng và thừa nhận tội lỗi của mình tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Hiện nay, Kambanda đang thụ án tù chung thân tại Mali.
Giống như hàng chục quốc gia khác, Armenia coi các sự kiện diễn ra trong Thế chiến thứ nhất là một cuộc diệt chủng, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lời xin lỗi của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara chính thức bác bỏ nhận định này. Thay vì thừa nhận lỗi lầm, Thổ Nhĩ Kỳ lại buộc tội Armenia là dối trá, thiên vị và phóng đại con số tổn thất, đồng thời khẳng định rằng "logic và các bằng chứng đã bác bỏ những tuyên bố về nạn diệt chủng".
Các sáng kiến pháp lý
Một trong những phương pháp cải thiện quan hệ giữa các quốc gia sau xung đột là ban hành các đạo luật đặc biệt, về thực chất, áp đặt cho bên từng là kẻ xâm lược một lối tư duy quản lý quốc gia mới, hoặc để xây dựng “tình hữu nghị” và các giá trị chung giữa những cựu thù.
Chẳng hạn, năm 1999, ở Rwanda, vài năm sau thảm họa diệt chủng, Ủy ban Thống nhất và Hòa giải Quốc gia đã được thành lập, và chính quyền đã triển khai một số chương trình quan trọng:
Ingando (hoặc trại đoàn kết) - chương trình giáo dục tập trung vào việc nghiên cứu lịch sử Rwanda, tìm hiểu nguồn gốc của sự chia rẽ trong dân cư, bồi dưỡng lòng yêu nước và chống lại hệ tư tưởng diệt chủng.
Itorero - chương trình phát triển xã hội, củng cố hệ giá trị của Rwanda và giáo dục các thành viên xã hội tích cực. Cả Ingando và Itorero đều khuyến khích việc thực hiện các bài tập rèn luyện thể chất, huấn luyện quân sự, bồi dưỡng văn hóa và học tập chính trị.
Umuganda - hàng tháng các công dân Rwanda có khả năng lao động từ 18 đến 65 tuổi tập trung làm một công việc gì đấy. Umuganda là một phần của chương trình hòa giải. Ai từ chối tham gia có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí bị bắt giam.
Phần lớn các sáng kiến này tập trung vào việc xây dựng một cộng đồng xã hội thống nhất, gắn kết mọi người trong quá trình học tập, nghỉ ngơi và làm việc. Qua đó, chính quyền kỳ vọng tạo nên “một công dân Rwanda mới” với bộ giá trị, quan điểm và tri thức nhất định. Để đạt được điều này, chính phủ đã đầu tư đáng kể vào việc “giáo dục công dân”.
Những hoạt động chung của các quốc gia
Sau khi xung đột kết thúc hoặc trong thời gian tạm lắng, các quốc gia đôi khi cố gắng thực hiện những bước đi thận trọng đáp ứng nguyện vọng của nhau trên phương diện chính thức. Điều này không phải lúc nào cũng nói về một lộ trình dứt khoát tiến tới hòa giải, nhưng chắc chắn gửi đi những tín hiệu tích cực rằng quan hệ giữa các quốc gia đã bắt đầu đi đúng hướng.
Ví dụ, Tổng thống đầu tiên của Armenia, Levon Ter-Petrosyan, đã cố gắng khôi phục quan hệ với Ankara. Năm 1993, ông tham dự lễ tang của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Turgut Ozal. Theo nhận định của ông Tigran Grigoryan, Giám đốc Trung tâm Dân chủ và An ninh Khu vực tại Yerevan, đây là bước đi mang tính biểu tượng khá quan trọng vào thời điểm đó.
Năm 1993, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới với Armenia để ủng hộ Azerbaijan, khi lực lượng quân đội Armenia giành quyền kiểm soát quận Kelbajar ở Azerbaijan. Biên giới vẫn còn bị đóng, mặc dù vào tháng 3/2023, hai nước thông báo đã đạt thỏa thuận mở cửa biên giới cho các bên thứ ba.
Trong suốt ba mươi năm, hai quốc gia đã cố gắng thiết lập quan hệ ngoại giao và mở cửa biên giới. Thành công lớn nhất đạt được vào cuối những năm 2000 nhờ "ngoại giao bóng đá".
Năm 2008, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul, nhận lời mời của Serzh Sargsyan (khi đó là Tổng thống Armenia) đến thăm Armenia để xem trận đấu bóng đá giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia tại Yerevan. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tới Armenia trong lịch sử hai quốc gia. Năm sau, Sargsyan đã có chuyến thăm đáp lễ đến thành phố Bursa để xem trận đấu giữa hai đội tuyển bóng đá quốc gia.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tiến hành giải quyết xung đột, và thậm chí các văn bản liên quan đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao và mở lại biên giới cũng đã được ký kết. Tuy nhiên, chúng không được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn, và sau đó Armenia cũng từ chối thực hiện điều này. Nguyên nhân là do Azerbaijan tuyên bố rằng "việc bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia trước khi quân đội Armenia rút khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Azerbaijan hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của Azerbaijan và làm lu mờ tình đoàn kết giữa Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ".
Một nỗ lực mới nhằm điều chỉnh quan hệ đã được thực hiện sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai năm 2020: các quan chức Armenia đã đến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia đã gửi viện trợ nhân đạo và đội cứu hộ đến Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất, Thủ tướng Nikol Pashinyan đã tham dự lễ nhậm chức của ông Recep Erdogan. Ngoài ra, hai nước đã bổ nhiệm các đại diện đặc biệt để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những bước đi mang tính biểu tượng, chưa thể nói đến hòa giải, các quá trình thiết lập quan hệ giữa Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan gắn bó rất chặt chẽ. Nếu không có tiến triển trong quan hệ Armenia - Azerbaijan, khó có thể kỳ vọng vào sự tiến bộ đáng kể trong quan hệ Armenia-Thổ Nhĩ Kỳ. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng đã phát biểu về điều này vào năm 2021. Ông cho biết Ankara sẽ phối hợp tất cả các biện pháp nhằm bình thường hóa quan hệ Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ với Baku.
Kết quả hòa giải
Mặc dù các quốc gia đã thực hiện nhiều biện pháp hòa giải khác nhau, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng khả quan, với nhiều thăng trầm. Thậm chí, đôi khi hai quốc gia được coi là thân thiện, nhưng nhân dân của họ vẫn có thể không tin tưởng nhau.
Chẳng hạn, dù đã có nhiều hoạt động chung ở cả cấp nhà nước lẫn cộng đồng, nhưng quan hệ giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ sau một giai đoạn hòa dịu đang trải qua thời kỳ khó khăn. Năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các hoạt động quân sự cùng với Azerbaijan. Điều này không thể không ảnh hưởng đến quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Armenia.
Năm 2022, hai nước đã nối lại đường bay, nhưng đến tháng 5/2023, Thổ Nhĩ Kỳ tạm thời đóng cửa không phận đối với các hãng vận tải Armenia để đáp trả việc Yerevan dựng tượng đài tưởng niệm những người tham gia chiến dịch chống các quan chức đế quốc Ottoman mà Armenia coi là chịu trách nhiệm về nạn diệt chủng người Armenia.
Quan hệ giữa hai nước hiện vẫn còn phức tạp, cả ở cấp độ nhà nước lẫn trong nhận thức của người dân. Thật khó đánh giá xã hội của hai nước sẵn sàng đến đâu cho quá trình bình thường hóa quan hệ. Theo Tigran Grigoryan: “Nếu xem xét các cuộc thăm dò được thực hiện ở Armenia sau cuộc Chiến tranh Karabakh lần thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng đầu danh sách các mối đe dọa từ bên ngoài. Đa số người dân Armenia nhìn nhận Thổ Nhĩ Kỳ như vậy”.
Đồng thời, theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ cần có quan hệ tốt với Armenia để cải thiện hình ảnh nước này trong mắt các đối tác phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Ngoài ra, xét về mặt nào đó, nó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại “chính sách láng giềng tốt” với các nước gần gũi, một chính sách gắn liền với mười năm đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Erdogan.
Đến lượt mình, hình như Rwanda đã thành công trong việc khắc phục sự chia rẽ và thù hận giữa các tầng lớp dân cư. Tuy nhiên, thật khó đánh giá chính xác tâm trạng xã hội: các chuyên gia nhận xét rằng chính quyền Rwanda không ủng hộ những người bất đồng chính kiến. Thực chất, đất nước này đã dùng sức mạnh để buộc dân chúng hòa giải. Mười năm sau cuộc diệt chủng, chính quyền Rwanda tuyên bố việc chia rẽ sắc tộc là bất hợp pháp: những cuộc thảo luận như vậy có thể bị truy tố hình sự, cũng như mọi hành vi phân biệt đối xử.
Hiện nay, Rwanda nằm trong danh sách những quốc gia an toàn nhất châu Phi. Dù vậy, nhìn lại lịch sử đất nước, chính quyền Rwanda vẫn dựa vào lực lượng vũ trang để đạt được các mục tiêu đối nội và đối ngoại, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một đội quân hùng mạnh đối với Rwanda và toàn bộ châu Phi.