Kinh nghiệm để hạn chế án bị hủy, sửa và xử lý hiệu quả đối với tội danh 'Rửa tiền'
Thời gian qua, Phòng 1 VKSND TP Đà Nẵng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác kiểm sát, đặc biệt là việc thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với các vụ án có liên quan đến tội danh 'Rửa tiền' quy định tại Điều 324 BLHS.
Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát án hình sự
Trong thời gian qua, Phòng 1 VKSND TP Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra và xét xử án hình sự, đặc biệt là trong các vụ án có liên quan đến tội danh “Rửa tiền” quy định tại Điều 324 BLHS.
Thành công này xuất phát từ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo VKSND TP Đà Nẵng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, cùng với tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ kiểm sát viên. Một trong những dấu ấn đáng chú ý là không có vụ án nào bị cấp trên hủy để điều tra lại – kết quả quan trọng thể hiện chất lượng công tác nghiệp vụ của Phòng 1.
Để đạt được kết quả này, Phòng 1 VKSND TP Đà Nẵng đã tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự, thực hiện có hiệu quả cơ chế gắn công tố với hoạt động điều tra theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.
Thực hiện tốt chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 6/12/2013 về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, và Chỉ thị số 05/CT-VKS ngày 27/4/2020 về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành, Phòng 1 đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, chủ động đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội. Tại các phiên tòa, kiểm sát viên chủ động tranh tụng, không bỏ sót tình tiết nào làm cơ sở để hội đồng xét xử đưa ra phán quyết về tội danh, hình phạt đối với bị cáo.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án hình sự trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đáp ứng tốt yêu cầu của cải cách tư pháp trong tình hình mới, Phòng 1, VKSND TP Đà Nẵng đã phân tích làm rõ những dạng sai lầm, vi phạm, thiếu sót từ các vụ án bị cấp phúc thẩm sửa, hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, nhất là với loại tội phạm liên quan đến “rửa tiền”. Từ đây, Phòng 1 VKSND TP Đà Nẵng đã đưa ra một số kinh nghiệm và lưu ý để không xảy ra vụ án bị cấp trên hủy, sửa.
Kinh nghiệm để hạn chế án bị hủy, sửa và xử lý hiệu quả tội danh “Rửa tiền”
Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát án hình sự và hạn chế án bị hủy, sửa đối với tội danh “Rửa tiền”, Phòng 1 VKSND TP Đà Nẵng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ việc xử lý loại tội phạm này.
Thứ nhất, trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động nghiệp vụ thì vai trò của lãnh đạo có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Phòng 1 nâng cao trách nhiệm, coi trọng việc giải quyết vụ án, vụ việc ngay từ giai đoạn tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; tập trung nghiên cứu trong việc phê duyệt các báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên ngay từ giai đoạn thụ lý tin báo, phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra.
Đối với các vụ án khó, phức tạp, lãnh đạo Phòng 1 trực tiếp tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử nhằm đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật, đúng tội danh, đúng điểm, khoản của điều luật mà bị cáo đã phạm.
Ngoài ra, khi phân công công việc, lãnh đạo Phòng dựa trên sở trường của từng Kiểm sát viên nhằm phát huy tối đa năng lực của mỗi công chức. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết án của kiểm sát viên, yêu cầu kiểm sát viên phải thường xuyên báo cáo tiến độ giải quyết các vụ án được phân công. Qua đó, kiểm soát được các hoạt động tố tụng của kiểm sát viên nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, không để án tồn đọng hoặc gia hạn không đúng.
Tiếp đó, việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu, thao tác nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm của kiểm sát viên là rất cần thiết. Đối với kiểm sát viên, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tích cực học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật, nắm bắt quy định mới của pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành của liên ngành tư pháp trung ương.
Ngoài ra, cũng cần nâng cao nhận thức áp dụng pháp luật, khả năng vận dụng các quy định của pháp luật để giải quyết, xử lý vụ án của mỗi kiểm sát viên.
Đối với những vụ án tham nhũng, chức vụ, án có dư luận xã hội quan tâm và chỉ đạo của cấp ủy địa phương, án có nhiều tình tiết phức tạp thì kiểm sát viên phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng, kịp thời và đầy đủ các yêu cầu của Ngành, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện.
Trên thực tế, sau khi hoàn tất hành vi phạm tội ban đầu, phát sinh ra thủ đoạn tẩy rửa, hợp pháp hóa những tài sản bất minh. Nếu đã vi phạm tội phạm nguồn thì hành vi đó sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử về tội đó. Sau đó, nếu thực hiện hành vi rửa tiền thì cần phải điều tra, truy tố, xét xử về tội “Rửa tiền”.
Do đó, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm được coi là tội phạm nguồn, VKSND hai cấp cần chú trọng yêu cầu mở rộng điều tra. Khi phát hiện có các hành vi nhằm hợp pháp hóa những tài sản có được do phạm tội thì cần điều tra, truy tố về tội “Rửa tiền” để tránh trường hợp bản án bị tòa án cấp trên hủy, sửa vì lọt tội danh này.
Đồng chí Nguyễn Văn Quang - Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng: Phân tích, làm rõ và đưa ra những kinh nghiệm để hạn chế án hình sự bị hủy sửa là cần thiết và mang ý nghĩa thiết thực. Việc này giúp đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, rút kinh nghiệm, tránh lặp lại các sai sót tương tự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tăng cường phối hợp, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ kỹ năng nghiệp vụ về thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.
Mục đích cuối cùng là đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự được thực hiện đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Qua đó, hạn chế tình trạng bản án, quyết định bị hủy để điều tra hoặc xét xử lại, góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.