Kinh nghiệm để chuyển đổi xanh là hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực

Không chỉ chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi công nhiệp xanh, để phát triển bền vững, nhiều đại biểu tham gia Đối thoại Hữu nghị TP.HCM năm 2024 còn bày tỏ mong muốn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác trong quá trình chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM.

Tại Đối thoại Hữu nghị TP.HCM năm 2024 diễn ra ngày 24/9, các đại biểu đến từ các địa phương của nhiều quốc gia đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi công nhiệp xanh, để phát triển bền vững. Trong đó, nhiều địa phương đã chuyển đồi thành công nhờ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, mở rộng hợp tác quốc tế.

Đào tạo nguồn nhân lực

Ông Komura Masahiro, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản chia sẻ, trong hợp tác quốc tế, Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Theo ông, Việt Nam là điểm đến hứa hẹn của các doanh nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt, sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là những lĩnh vực được nhiều công ty Nhật quan tâm. Đến nay, có khoảng 90 dự án hợp tác giảm phát thải carbon đã triển khai với Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản tiếp tục khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực này.

Lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Bộ Ngoại giao chụp ảnh cùng đoàn đại biểu quốc tế đến từ các nước về tham dự Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần 2 (Friendship Dialogue -FD).

Lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Bộ Ngoại giao chụp ảnh cùng đoàn đại biểu quốc tế đến từ các nước về tham dự Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần 2 (Friendship Dialogue -FD).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh việc TP.HCM cần thúc đẩy các nỗ lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư cho các công ty Nhật Bản. Ông cho biết hiện có hơn 2.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại đây, đưa TP.HCM trở thành nơi hoạt động lớn nhất của các công ty Nhật Bản. Những năm qua, sự phát triển kinh tế của TP.HCM đã thu hút thêm nhà đầu tư vì thị trường tiêu thụ hấp dẫn. Đồng thời, ở Nhật Bản có nhiều người Việt Nam trẻ tuổi là sinh viên, thực tập sinh đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội Nhật Bản.

Ông Komura Masahiro khẳng định địa phương này sẽ tiếp tục hợp tác với TP.HCM để phát triển nhân sự. Nghĩa là người Việt Nam trẻ sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức, kỹ năng mới thông qua học tập, làm việc tại Nhật. Sau đó, họ quay về phát triển đất nước, là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Còn ông Stefano Lo Russo, Thị trưởng Thành phố Torino (Italia), nhìn nhận việc phát triển quan hệ giữa các tỉnh, thành phố trên thế giới ngày càng có vai trò quan trọng. Bởi vì, theo ông, trong một quốc gia, chính các địa phương trở thành trung tâm của các mô hình hợp tác mới. Chính tại các địa phương, các chính sách mới được triển khai, những giải pháp thực sự đã được triển khai chứ không chỉ còn nằm ở sáng kiến. Và sự hợp tác công tư cho ra kết quả bền vững.

Tại chương trình Đối thoại, lãnh đạo TP.HCM đã được nghe những chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững của các địa phương ở nhiều quốc gia.

Tại chương trình Đối thoại, lãnh đạo TP.HCM đã được nghe những chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững của các địa phương ở nhiều quốc gia.

Còn ông Stefano Lo Russo nhấn mạnh, Thành phố Torino đã trải nghiệm tầm quan trọng của việc gắn phát triển với đào tạo, hợp tác này. Con đường chuyển đổi công nghiệp và sinh thái mà họ thực hiện được là nhờ sự đối thoại liên tục giữa chính quyền, doanh nghiệp, trường đại học. Sự hiện diện của các trường học xuất sắc đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án đổi mới trong những lĩnh vực chiến lược.

Thị trưởng Thành phố Torino cho biết, hai ngành chiến lược của thành phố này là ô tô và hàng không vũ trụ. Đây cũng là cái nôi của các trường đại học tiên tiến với nhiều ngành nghề mới đang hình thành và phát triển, tạo nhiều cơ hội mới cho kinh tế. Tương tự, TP.HCM là một đô thị lớn, sôi động cũng đang đối mặt với nhiều thách thức phát triển bền vững nên hợp tác, trao đổi giữa hai thành phố có thể tạo sự phát triển cho cả hai bên.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 60% các sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cả trong và ngoài nước.

Ông Trịnh Hướng Đông, Phó Thị trưởng TP Trùng Khánh (Trung Quốc) chia sẻ, Trùng Khánh là địa phương đông dân, GDP lớn, chú trọng phát triển kinh tế gắn với môi trường sinh thái và xác định chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là con đường phát triển bền vững, mang đến tương lai tươi sáng hơn. Trùng Khánh mong muốn cùng TP.HCM hợp tác thúc đẩy du lịch, thương mại, giao lưu nhân dân, trao đổi về chuyển đổi số, chế biến nông sản, khoa học kỹ thuật.

Ông Trịnh Hướng Đông, Phó Thị trưởng TP Trùng Khánh, Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm và bày tỏ mong muốn hợp tác với TP.HCM.

Ông Trịnh Hướng Đông, Phó Thị trưởng TP Trùng Khánh, Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm và bày tỏ mong muốn hợp tác với TP.HCM.

Ông Trịnh Hướng Đông cho rằng Trùng Khánh phát triển thịnh vượng là nhờ mở cửa sớm và mở rộng hợp tác quốc tế. Đây là thành phố nội địa của Trung Quốc mở cửa sớm nhất. Hiện Trùng Khánh đã hợp tác với 54 tỉnh và thành phố trên thế giới và có quan hệ hữu nghị với 157 tỉnh và thành phố.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chuyển đổi công nghiệp đã trở thành xu hướng toàn cầu, với việc đầu tư vào công nghệ cao và kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt khoảng 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Chúng ta đang sống trong thời kỳ chuyển đổi công nghiệp sâu rộng, nơi mà đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững trở thành các yếu tố quyết định cho thành công.

Với TP.HCM, chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, buộc TP phải đổi mới và thích ứng.

Trọng tâm của TP.HCM hiện nay là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu trước các thách thức toàn cầu mới, dựa trên hai trụ cột chính là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Trong đó, hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo không gian và động lực cho quá trình chuyển mình của TP.HCM.

Thông qua tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Thị trưởng 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh hợp tác quốc tế là cần thiết trong xây dựng nền kinh tế bền vững.

Thông qua tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Thị trưởng 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh hợp tác quốc tế là cần thiết trong xây dựng nền kinh tế bền vững.

Theo Chủ tich UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP.HCM xác định hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực để chuyển đổi công nghiệp nhanh hơn, thành công hơn. TP.HCM cũng nhận được sự cam kết hợp tác, hỗ trợ từ các thành phố hợp tác kết nghĩa. Từ đây sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới trên cơ sở những trọng tâm, thế mạnh đã xác định.

Kết thúc Đối thoại Hữu nghị 2024 với 36 tỉnh, thành phố của 16 quốc gia có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã Thông qua tuyên bố Chủ tịch của hội nghị Thị trưởng 2024. Tuyên bố được nêu ra với nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi công nghiệp, ý thức các địa phương là những mảnh ghép quan trọng của cộng đồng quốc tế phải chuyển đổi để đảm bảo phát triển bền vững, hiểu rõ rằng hợp tác quốc tế là cần thiết để tăng lợi ích và giảm thiểu các hạn chế của quá trình trên.

Minh Hạnh, Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/kinh-nghiem-de-chuyen-doi-xanh-la-hop-tac-quoc-te-va-dao-tao-nguon-nhan-luc-post1123813.vov
Zalo