Kinh doanh xăng dầu: Xưa quy định có 6 trang A4, giờ hàng chục trang ngặt nghèo

Nếu như trước đây, một quyết định về kinh doanh xăng dầu chỉ gói gọn trong 6 trang A4 thì nay đã kéo dài nhiều chục trang. Do đó, cần lược bỏ bớt các quy định rườm rà để tạo ra hành lang pháp lý cởi mở, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thị trường xăng dầu đang trong quá trình 'thanh lọc' khi nhiều đại gia xăng dầu như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức... bị xử lý hình sự. Điều này cho thấy kinh doanh xăng dầu vẫn tồn tại nhiều bất cập về chính sách cũng như năng lực của các doanh nghiệp. Nếu không có những điều chỉnh phù hợp, ngành này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề rắc rối nảy sinh.

VietNamNet thực hiện tuyến bài ghi nhận các ý kiến đóng góp từ phía chuyên gia, DN, nhà quản lý nhằm khắc phục những lỗ hổng trên thị trường xăng dầu, hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, đảm bảo an ninh năng lượng bền vững.

Loạt đại gia xăng dầu bị xử lý

Trong thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như Xuyên Việt Oil, Hải Hà Petro và Thiên Minh Đức đã bị phát hiện vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.

Xuyên Việt Oil được xác định đã có hành vi chiếm dụng và sử dụng trái phép Quỹ Bình ổn giá (BOG) cùng tiền thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể, Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch công ty này đã lợi dụng việc Xuyên Việt Oil được giao thu hộ, quản lý, sử dụng tiền Quỹ bình ổn giá, chỉ đạo Nguyễn Thị Như Phương (Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) không chuyển 219 tỷ đồng tiền quỹ vào tài khoản Xuyên Việt Oil, mà chuyển tới các tài khoản của mình rồi rút ra sử dụng vào mục đích cá nhân. Đồng thời, Mai Thị Hồng Hạnh không nộp 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường được giao thu hộ. Hành vi trên của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Như Phương đã đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Bà Hạnh cùng đồng phạm đã hối lộ tổng cộng hơn 31 tỷ đồng cho 8 cá nhân, trong đó có 6 cựu quan chức thuộc Bộ Công Thương, nhằm được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu khi chưa đủ điều kiện.

Hải Hà Petro, một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại Thái Bình, cũng bị phát hiện sử dụng sai Quỹ BOG và nợ thuế bảo vệ môi trường lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Công ty này đã không kết chuyển số tiền trích lập Quỹ BOG vào tài khoản quỹ theo quy định, mà để lại trong tài khoản thanh toán của doanh nghiệp.

Quá trình điều tra xác định, từ năm 2017 đến ngày 12/1/2024, Hải Hà Petro phải thực hiện trích lập Quỹ BOG tổng số tiền gần 613 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi dụng việc được giao quản lý quỹ này, Trần Tuyết Mai trực tiếp chỉ đạo Kế toán trưởng là Lê Thị Huệ nộp hơn 295 tỷ đồng; còn nợ hơn 317 tỷ đồng.

Với số tiền này, Trần Tuyết Mai đã chỉ đạo rút 266,3 tỷ đồng khỏi Quỹ BOG, sau đó chuyển tiền cho công ty khác để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.

Thiên Minh Đức, một doanh nghiệp xăng dầu lớn tại Nghệ An, cũng bị phát hiện nhiều vi phạm.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Tham ô tài sản; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" xảy ra tại Tập đoàn Thiên Minh Đức và các đơn vị có liên quan.

Trước loạt sai phạm của các doanh nghiệp xăng dầu bị phanh phui, Bộ Công Thương đã xây dựng và lấy ý kiến sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, hướng đến thị trường minh bạch, lành mạnh hơn.

Theo Vụ Thị trường trong nước, nguyên tắc xây dựng Nghị định là đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu... Dự thảo gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.

"Xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Kế thừa những ưu điểm của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn kinh doanh xăng dầu. Do vậy, khi Nghị định đi vào hoạt động được kỳ vọng tạo hành lang cho thị trường xăng dầu vận hành tốt hơn", Vụ thị trường trong nước cho biết.

Tránh để doanh nghiệp chạy vạy khắp nơi xin giấy phép

Sau khi nghiên cứu dự thảo thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được Chính phủ và Bộ Công Thương lấy ý kiến, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn thảo kỹ lưỡng, đặc biệt là liên quan đến giá bán xăng dầu và quy trình cấp phép.

Dự thảo nghị định đã cắt bỏ một số thủ tục hành chính, nhưng vẫn còn nhiều điều kiện ngặt nghèo như quy định về số lượng cửa hàng, yêu cầu kho bãi,... Theo ông Bảo, những quy định này cần linh hoạt, phù hợp với thực tế thị trường.

"Quy trình cấp phép cần theo cơ chế một cửa, tránh để doanh nghiệp chạy vạy khắp nơi xin giấy phép", ông nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV.VietNamNet.

Ông cũng nhắc lại rằng, hơn 20 năm qua, các quy định về kinh doanh xăng dầu ngày càng phức tạp hơn. Nếu như trước đây, một quyết định về kinh doanh xăng dầu chỉ gói gọn trong 6 trang A4 thì nay đã kéo dài đến hàng chục trang. Dù một số thủ tục đã được lược bỏ nhưng vẫn còn nhiều quy định nặng nề.

Do đó, theo Chủ tịch VINPA, dự thảo nghị định cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Việc quản lý vẫn phải đảm bảo chặt chẽ nhưng đồng thời cũng cần tạo không gian để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thị trường xăng dầu cần tránh tình trạng mua bán chộp giật như trước đây

Thị trường xăng dầu cần tránh tình trạng mua bán chộp giật như trước đây

Một điểm chưa hợp lý khác trong dự thảo nghị định là quy định cấm thương nhân phân phối xăng dầu mua bán lẫn nhau. Theo ông Bảo, điều này tạo thuận lợi cho quản lý Nhà nước nhưng lại gây cản trở cho doanh nghiệp.

"Thương nhân phân phối không chỉ là khâu trung gian mà còn đóng vai trò điều tiết hàng hóa, cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp đầu mối bằng cách ứng trước tiền để nhập hàng. Do đó, cấm họ mua bán lẫn nhau là chưa hợp lý", ông phân tích.

Về quản lý, với sự phát triển của số hóa, Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo chi tiết lượng nhập, bán ra và danh sách đối tác. Điều này giúp kiểm soát thị trường tốt hơn, tránh tình trạng mua bán chụp giật như trước đây. Vì vậy, không nhất thiết phải cấm thương nhân phân phối mua hàng từ các nguồn khác nhau.

Cân nhắc sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá

Hiện có 9 mặt hàng thuộc diện bình ổn theo Luật Giá. Khi giá cả tác động lớn đến kinh tế và đời sống xã hội, Chính phủ sẽ quyết định giai đoạn bình ổn. Ngoài khoảng thời gian đó, giá phải vận hành theo cơ chế thị trường.

"Xăng dầu là mặt hàng bình ổn, nên việc điều chỉnh phải tuân theo quy định của luật pháp. Không thể lúc nào cũng áp dụng một công thức bình ổn cố định", ông Bảo nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh đây cũng là nội dung mà Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã kiến nghị với Bộ Công Thương.

Về việc quản lý xăng dầu, ông Bảo đồng tình với quan điểm Nhà nước cần có sự giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, cần xác định rõ thời gian bình ổn là bao lâu, còn lại phải để thị trường tự vận hành.

Một trong những đề xuất đáng chú ý là tranh luận giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ông Bảo cho rằng vấn đề này cần được cân nhắc kỹ trong dự thảo nghị định. Công thức tính giá mà Bộ Công Thương đưa ra chỉ nên áp dụng khi thực sự cần bình ổn, đúng theo luật.

"Việc để doanh nghiệp tự giữ và quản lý quỹ như hiện nay là không ổn. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã vi phạm, gây thất thoát lớn", ông nói.

Các trường hợp vi phạm thực tế của Xuyên Việt Oil, Hải Hà Petro... là điển hình.

Bộ Công Thương cũng đã phải nhắc nhở hàng chục doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về nghĩa vụ báo cáo kiểm toán Quỹ bình ổn vào tháng 4/2024.

Theo ông Bảo, quỹ này từng có vai trò quan trọng nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi cơ chế vận hành tiệm cận thị trường, vai trò của nó trở nên mờ nhạt, thậm chí không còn cần thiết.

"Nếu vẫn duy trì, cần tập trung quỹ về một đầu mối do cơ quan Nhà nước quản lý hoặc chuyển đổi thành quỹ dự trữ lưu thông bằng hàng hóa có mua có bán, thay vì trích quỹ chi như hiện nay", Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) thẳng thắn.

Bài 2: Lãnh đạo Petrolimex: Nhiều quy định 'siết' số liệu ảo, minh bạch thị trường

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kinh-doanh-xang-dau-xua-quy-dinh-chi-6-trang-a4-nay-day-may-chuc-trang-2370749.html
Zalo