Kinh doanh pháo hoa dịp Tết Nguyên đán, cần lưu ý những quy định gì?
*Bạn đọc hỏi: anh Phát, trú Q.Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) hỏi: Tôi đang có dự định kinh doanh pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025 sắp tới để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Tuy nhiên, tôi còn băn khoăn về các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này. Cho tôi hỏi, việc mua bán pháo hoa trong dịp Tết có được pháp luật cho phép không? Nếu được phép, tôi cần đáp ứng những điều kiện nào để kinh doanh hợp pháp và loại pháo hoa nào được phép kinh doanh, sử dụng theo quy định pháp luật?
*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:
Việc kinh doanh pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn từ phía người dân, nhất là khi nhu cầu sử dụng tăng cao trong thời gian này. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi phải có sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật nhằm đảm bảo an toàn và trật tự xã hội. Chính vì vậy, để đảm bảo việc kinh doanh pháo hoa được thực hiện một cách hợp pháp, chúng ta cần hiểu rõ các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là các loại pháo hoa được phép kinh doanh, điều kiện để kinh doanh cũng như các quy định pháp luật liên quan.
Thứ nhất, các loại pháo hoa được phép kinh doanh và sử dụng trong dịp Tết
Đầu tiên, cần phân biệt giữa “Pháo hoa” và “Pháo nổ”. Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định:
Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.”
Khoản 2 Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về việc sử dụng pháo hoa như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa”
Như vậy, kinh doanh pháo hoa tại Việt Nam hiện nay chỉ được phép đối với các loại pháo hoa (không gây tiếng nổ), thuộc danh mục được sản xuất và phân phối bởi các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép. Loại pháo hoa được phép kinh doanh hiện nay là: Các loại pháo hoa phát sáng, không gây tiếng nổ như pháo hoa que, pháo hoa phụt sáng,... phải được sản xuất và phân phối bởi tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Thứ hai, về điều kiện kinh doanh pháo hoa
Theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
“2. Việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường;
b) Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy;
c) Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn;
d) Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.”
Như vậy, anh Phát không được phép kinh doanh pháo hoa, vì theo quy định pháp luật, chỉ các doanh nghiệp, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng mới được thực hiện hoạt động này. Nếu anh Phát hoặc người dân có nhu cầu mua pháo hoa để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán thì có thể mua từ các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định nêu trên. Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (còn được biết đến với tên gọi Nhà máy Z121) là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng được cấp phép sản xuất và phân phối các sản phẩm pháo hoa.
Thứ ba, mức phạt đối với hành vi kinh doanh pháo hoa không tuân thủ quy định pháp luật
Việc kinh doanh pháo hoa, pháo nổ mà không tuân thủ quy định pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, 40.000.000 đồng đối với tổ chức, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 15 năm tù, tùy mức độ vi phạm, cụ thể như sau:
Tại Điểm a Khoản 3, Điểm e khoản 4, Điểm a Khoản 7 và Điểm b Khoản 8 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo như sau:
“3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
e) Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm d và đ khoản 1; các điểm a, b, c, e và g khoản 2; các điểm a, c, d, đ, e, h, i và k khoản 3; các điểm a, b, c, d, đ, e, h và i khoản 4 và khoản 5 Điều này;
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm b và c khoản 2; các điểm a, b, c, d, đ, e và k khoản 3; các điểm a, c, d, e và i khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều này;”
Tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi năm 2017 có quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm như sau:
“ Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
...
c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Có tính chất chuyên nghiệp;
..
g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a)Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
b)Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425