Kinh doanh F&B đang 'chuyển trạng thái' ngày một nhanh
Năm 2024, ngành F&B trên hệ thống Food Apps (ứng dụng đặt đồ ăn online) cùng hệ thống các chuỗi quán ăn, đồ uống chịu nhiều biến động trên thị trường. Nhiều ông lớn rời đi cũng như hàng quán trên các tuyến phố ế ẩm, mặt bằng trống liên tục. Các chuyên gia và chủ kinh doanh nhận định, việc thay đổi thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới là cần thiết để gia tăng lợi thế cạnh tranh lúc này.Năm 2024, ngành F&B trên hệ thống Food Apps (ứng dụng đặt đồ ăn online) cùng hệ thống các chuỗi quán ăn, đồ uống chịu nhiều biến động trên thị trường. Nhiều ông lớn rời đi cũng như hàng quán trên các tuyến phố ế ẩm, mặt bằng trống liên tục. Các chuyên gia và chủ kinh doanh nhận định, việc thay đổi thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới là cần thiết để gia tăng lợi thế cạnh tranh lúc này.
Bắt “trend” mô hình kinh doanh chuỗi mới
Theo ghi nhận của KTSG Online vào những ngày cuối năm 2024, hoạt động kinh doanh F&B với đa dạng phân khúc, sản phẩm tại các tuyến phố ở quận 1, quận 3, TP Thủ Đức chuyên về ẩm thực trước đây vẫn chưa sôi động trở lại.
Thông tin từ Sapo, dù ghi nhận sự sụt giảm 3,9% về tổng số cửa hàng, với hơn 30.000 nhà hàng và quán cà phê phải đóng cửa, ngành F&B vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng với doanh thu 2024 dự kiến đạt 655.000 tỉ đồng, tăng 10.92% so với năm 2023. Điều này chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng vẫn mạnh mẽ, đặc biệt đối với các mô hình kinh doanh linh hoạt và thích ứng nhanh với xu hướng mới.
Theo số liệu từ báo cáo iPOS, khoảng 23% trong số 30.000 cửa hàng đóng cửa lại là những cửa hàng chạy theo xu hướng ngắn hạn như trà chanh giã tay, bánh đồng xu, lạp xưởng nướng đá…
Chuyên gia F&B Nguyễn Thái Bình, đồng sáng lập cộng đồng điểm chạm F&B (FBVI) cho biết ngoài những thương hiệu ‘non trẻ’ gặp khó sẽ là những thương hiệu đã có tuổi đời khi thị trường bão hòa, người tiêu dùng thay đổi thói quen và chọn lọc hơn (từ sản phẩm mới, xu hướng, thiết kế mới). Các đơn vị này không còn đủ nguồn lực để đổi mới theo thị trường cũng như gánh nặng về chi phí vận hành gia tăng trong khi doanh thu đi ngang hoặc giảm.
Theo chuyên gia, năm 2024 là năm đánh dấu sự tăng trưởng của các mô hình buffet hải sản (Poseidon, Cửu Vân Long…), mô hình nướng lẩu ở không gian thoáng sân vườn với diện tích lớn. Các quán ăn và thương hiệu ẩm thực gắn với Michelin Guide (Selected, Bib Gourmand, Star) tiếp tục duy trì nhịp doanh thu tốt so với mặt bằng chung nhờ vào sự ủng hộ của khách trong nước sau lễ công bố hàng năm và lượng khách du lịch tìm kiếm cửa hàng theo cẩm nang Michelin Guide.
Đặc biệt là sự trở lại của khách Trung Quốc cũng như khách Hàn Quốc tăng đột biến. Tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt 15.836.661 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường tiếp tục phát triển phân khúc trà đậm vị và trà đặc sản từ mô hình kiosk (La Si Mi, Laboong) tới các cửa hàng trải nghiệm (Phê La), phân khúc trà sữa bình dân vẫn duy trì được phong độ ổn định (May Cha, Hồng Trà Ngô Gia). Mô hình cà phê với không gian thiết kế đẹp phù hợp cho check-in và bao bì bắt mắt tiếp tục phát triển, điển hình sự gia tăng số lượng cửa hàng lên 80 địa điểm từ Katinat Coffee & Tea House.
Song song đó là mô hình cà phê 24h đáp ứng làn sóng ngồi xuyên đêm ở quán cà phê của nhân viên văn phòng, người đi làm trẻ tuổi. Theo khảo sát mới nhất, hiện tại, chuỗi đồ uống La Boong có hơn 100 cửa hàng, La Si Mi có 37 cửa hàng, Phê La có 31 cửa hàng, May Cha có 80 cửa hàng…
Chia sẻ với KTSG Online, đại diện của Starbucks Việt Nam nhận định 2024 doanh nghiệp có nhiều sự thay đổi phù hợp với chiến lược và tình hình kinh doanh hiện tại. Trong đó, những vị trí đắc địa ở các tuyến đường trọng điểm có thể không còn thu hút được nhiều thương hiệu.
Tính đến tháng 12-2024, hệ thống đã có 125 cửa hàng tại 16 tỉnh thành, cùng hơn 1.200 điểm bán kết hợp cùng các đối tác khác. Về phía doanh nghiệp, chuỗi thức uống đã hướng tới địa phương hóa sản phẩm của mình với mục tiêu phát triển rộng hơn ở cả tỉnh thành khác thay vì chỉ ở đô thị lớn.
Theo vị này, việc “thức thời” cùng xu hướng tiêu dùng mới của người trẻ khắp nơi không phải là xa rời giá trị truyền thống ban đầu của thương hiệu mà chính là cách hệ thống thích nghi với sở thích thay đổi liên tục của khách hàng.
Chẳng hạn, chuỗi đồ uống đã trẻ hóa bằng nhiều thiết kế không gian linh hoạt khác nhau đặt ở khu vực có một nhóm cộng đồng cùng sở thích, điểm du lịch check-in, thậm chí là kế hoạch phát triển ở các điểm giao thông công cộng như Metro chứ không đơn thuần ở những vị trí trung tâm, đắt đỏ.
Chuyên gia nói thêm để các tuyến phố ẩm thực được lấp đầy, các chủ cho thuê có thể linh hoạt trong điều khoản thuê, thương lượng về thời gian, phương thức thanh toán. Đồng thời, các mặt bằng nên được đầu tư, bào trì để thu hút người thuê, tìm kiếm những mô hình kinh doanh phù hợp với mặt bằng để đồng hành lâu dài.
Tối ưu kinh doanh online bằng công nghệ
Ông Trần Quang Sang, chuyên gia lĩnh vực Food Apps, đại diện DigiFnB nhìn nhận, cuộc chơi ngày càng có lợi cho các nền tảng đi đầu thị trường như GrabFood và Shopee Food sau khi Baemin và Gojek rời đi. Năm 2024 số lượng người dùng đã tăng 1,1% lên 16,5 triệu, 2027 dự kiến tiếp tục tăng trưởng lên mức 17.4 triệu. Từ năm 2025, nhà nước tập trung đánh thuế trên các nền tảng bán hàng online lẫn ứng dụng giao đồ ăn nên việc kinh doanh sẽ phải tuân thủ những quy định một cách chặt chẽ.
Số lượng nhà bán hàng tiếp tục tăng, tuy nhiên cũng không ít nhà bán hàng phải tạm bỏ cuộc chơi khi các nền tảng giao đồ ăn hiện nay đang có xu hướng tăng chiết khấu và cắt giảm chi phí bán hàng, người bán phải chi nhiều hơn.
Được biết, tỷ lệ chiết khấu được tính sau chi phí khuyến mãi, tỷ lệ chiết khấu trung bình hiện tại chiếm khoảng 21-22%. Con số này tăng theo thời gian khi nền tảng điều chỉnh chiết khấu hoặc tung ra nhiều chương trình với mục đích tăng chiết khấu đối với nhà bán hàng. Do đó thách thức đối với các chủ nhà hàng là làm sao để đảm bảo được chi phí, có doanh thu và lợi nhuận khi phải đầu tư nhiều hơn với tỷ lệ cao hơn cho ứng dụng.
Chuyên gia đầu tư trong lĩnh vực F&B, ông Andy Nguyễn chỉ ra năm 2025 khách hàng ngày càng yêu cầu các trải nghiệm ăn uống cá nhân hóa cũng như đòi hỏi các điểm ăn uống có chuyển đổi số và tiện lợi.
“Công nghệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ngành F&B, từ giao hàng nhanh đến quản lý đơn hàng qua các nền tảng số. Các doanh nghiệp cũng sẽ chuyển sang mô hình đa kênh, kết hợp cả online và offline để tối ưu trải nghiệm khách hàng”, ông nói.
Để thích ứng với xu hướng mới và giảm chi phí vận hành, các chủ cửa hàng vừa và nhỏ có thể ứng dụng giải pháp công nghệ quản lý kho để kiểm soát chặt chẽ chi phí nguyên liệu, tìm kiếm nguồn cung ứng ổn định với giá cạnh tranh, áp dụng các phần mềm quản lý nhân sự, đào tạo nhân viên đa năng để tối ưu hóa hiệu suất làm việc.
Ông Trần Tiến Thành, Giám đốc Sapo FnB dự báo, năm 2025, doanh thu ngành có thể đạt 720.000 tỉ đồng tăng trưởng 10% so với năm 2024. “Xu hướng tiêu dùng mới sẽ tập trung vào việc ứng dụng công nghệ trong dịch vụ, thiết kế không gian sáng tạo và chú trọng tính bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”, ông nói.
Đặc biệt, việc các nhà hàng tại Việt Nam được gắn sao Michelin đã tạo ra một "hiệu ứng Michelin" đáng kể, thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng trong ngành ẩm thực. Trong năm 2024, Việt Nam đã có thêm 3 nhà hàng được gắn sao Michelin, nâng tổng số lên 7 nhà hàng.