Kinh doanh ăn uống đang trải qua cuộc 'đại thanh lọc', hơn 30.000 cửa hàng đã đóng cửa
Ngành kinh doanh ẩm thực (F&B) đang trải qua cuộc 'đại thanh lọc' khi có số lượng cửa hàng giảm đến gần 4%, tương đương 30.000 cửa hàng đã đóng cửa
Ngày 21-8, tại hội nghị "Vietnam F&B Summit 2024" do Công ty CP iPOS.vn – doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp quản lý chuyên biệt dành riêng cho ngành F&B tổ chức ở TP HCM, iPOS.vn đã công bố "Báo cáo ngành F&B Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024".
Theo báo cáo, tính tới hết tháng 6 năm 2024, cả nước có khoảng 304.700 cửa hàng kinh doanh ăn uống giảm gần 4% so với số liệu từ năm 2023. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa trong khi số lượng mở mới hạn chế. TP HCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với số lượng cửa hàng bị giảm gần 6%, trong tại Hà Nội vẫn tăng trưởng nhẹ 0,1%.
"Đây là giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành F&B nói riêng. Số lượng cửa hàng với tuổi thọ ngắn (dưới 3 tháng hoạt động) đang diễn ra nhiều hơn tại các thành phố lớn. Thời điểm này được coi là cuộc đại thanh lọc" – báo cáo nhận định.
Dù ngành F&B gặp khó khăn nhưng doanh thu lại gây bất ngờ khi cán mốc 403.900 tỉ đồng, đạt 68,46% doanh thu của cả năm 2023. Nguyên nhân một phần do lạm phát và tổng số lượng giao dịch tăng trưởng đáng kể do các cửa hàng F&B tung nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu.
Một điểm đáng chú ý là thời tiết nắng nóng kéo dài đã mang đến cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp đồ uống. Cụ thể, 21,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định rằng họ đã thu được lợi nhuận đáng kể nhờ vào nhu cầu tiêu thụ đồ uống tăng cao trong những đợt nắng nóng kéo dài.
Tuy vậy, nhìn chung, các doanh nghiệp F&B đang dè chừng trong việc phát triển kinh doanh trong 6 tháng cuối năm. Theo khảo sát, có 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, trong khi chỉ 34,4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới trong kỳ cùng kỳ 2023, số lượng doanh nghiệp F&B có tham vọng tương tự lên tới 51,7%.
Về phía người tiêu dùng, kinh tế khó khăn không ảnh hưởng quá nhiều tới việc đi ăn ngoài của người Việt. Thay vì giảm chi tiêu cho ăn uống bên ngoài, thực khách vẫn duy trì tần suất đi ăn ngoài, nhưng có kế hoạch cụ thể hơn về chi tiêu, ít chi tiêu ngẫu hứng.
Theo khảo sát, các mức tần suất cao (3-4 lần/tuần, hàng ngày) đều gần như không thay đổi so với năm 2023. Đồng thời, nhóm khách hàng có tần suất 1-2 lần/tuần, có xu hướng tăng lên 4,1% so với năm trước. Nhìn chung, nhóm khách hàng trung thành vẫn duy trì thói quen ăn uống như trước đây, cho thấy sức hút của ngành F&B vẫn rất lớn.
Báo cáo cũng cho thấy buổi trưa của thực khách phổ biến từ 31.000 – 50.000 đồng/suất (chiếm 61,4% trong khi báo cáo năm ngoái là 47,7%); các suất ăn trưa từ 30.000 đồng trở xuống trở nên ít ỏi hơn vì các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn trong vận hành cho thấy chi phí bữa trưa của thực khách trở nên đắt đỏ hơn.