Kính áp tròng giúp nhìn trong bóng tối: Bước tiến mới trong công nghệ thị giác
Các nhà khoa học vừa phát triển thành công một loại kính áp tròng giúp con người nhìn thấy trong bóng tối, điều tưởng chừng chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng.

Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo trang Daily Mail (Anh), không giống như các thiết bị nhìn đêm thông thường vốn cần đến nguồn điện, loại kính áp tròng mới hoạt động hoàn toàn không dây, sử dụng công nghệ tiên tiến để cảm nhận ánh sáng hồng ngoại – thứ mà mắt người không thể thấy được một cách tự nhiên. Điều đặc biệt là chúng thậm chí hoạt động hiệu quả hơn khi người dùng... nhắm mắt.
Theo Giáo sư Tian Xue tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đây có thể là bước đệm đưa con người tiến gần hơn đến khả năng “siêu thị lực”. Ông chia sẻ: “Nghiên cứu của chúng tôi mở ra tiềm năng cho các thiết bị đeo không xâm lấn, giúp mở rộng giới hạn thị giác của con người”.
Ánh sáng mà mắt người có thể nhìn thấy chỉ nằm trong khoảng 380 – 700 nanomet, được gọi là quang phổ ánh sáng khả kiến. Tuy nhiên, phần lớn năng lượng từ Mặt Trời lại tồn tại dưới dạng ánh sáng hồng ngoại, nằm ngoài phạm vi cảm nhận tự nhiên của chúng ta.
Kính áp tròng mới được tích hợp các hạt nano đặc biệt có thể hấp thụ ánh sáng hồng ngoại (800–1600 nanomet) và chuyển đổi nó thành ánh sáng khả kiến, cho phép người đeo “thấy” điều mà trước đây họ hoàn toàn không nhận ra.
Trước đây, nhóm nghiên cứu từng thử nghiệm tiêm các hạt nano này vào mắt chuột, giúp chúng nhìn thấy trong bóng tối bằng ánh sáng hồng ngoại. Nhưng với mong muốn tìm ra giải pháp an toàn và ít xâm lấn hơn cho con người, họ đã tích hợp công nghệ này vào vật liệu mềm dẻo, không độc hại của kính áp tròng thông thường.
Kết quả thật ấn tượng. Người đeo có thể phát hiện chính xác tín hiệu ánh sáng hồng ngoại dưới dạng các tín hiệu nhấp nháy giống mã Morse – ngay cả khi đang ở trong bóng tối hoàn toàn.
Giáo sư Xue giải thích:“Nếu không đeo kính, người dùng không thể thấy gì. Nhưng khi đeo vào, họ có thể nhận ra rõ ràng các chớp sáng hồng ngoại.”

Một người tham gia nghiên cứu đeo kính áp tròng. Ảnh: Daily Mail
Công nghệ này còn có thể phân biệt các bước sóng hồng ngoại khác nhau bằng cách chuyển đổi chúng thành các màu khác nhau. Ví dụ bước sóng 980nm - ánh sáng xanh dương, bước sóng 808nm - ánh sáng xanh lá, bước sóng 1.532nm - ánh sáng đỏ.
Điều này giúp người đeo có khả năng nhận diện chi tiết tốt hơn về môi trường xung quanh, đặc biệt hữu ích trong các tình huống yêu cầu độ chính xác cao như an ninh, cứu hộ hoặc phát hiện giả mạo.
Ngoài ra, công nghệ mới cũng mở ra hy vọng hỗ trợ người bị mù màu. Bằng cách chuyển ánh sáng mà họ không thể phân biệt được sang bước sóng mà họ có thể nhìn thấy, kính áp tròng có thể giúp họ tiếp cận thế giới một cách trọn vẹn hơn.
Hiện tại, kính áp tròng này chỉ phát hiện được ánh sáng hồng ngoại từ nguồn LED. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục cải tiến để tăng độ nhạy, hướng tới khả năng phát hiện ánh sáng hồng ngoại yếu hơn, trong điều kiện tự nhiên hơn.
Giáo sư Xue cho biết:“Chúng tôi kỳ vọng sẽ phát triển được loại kính áp tròng có độ phân giải không gian cao hơn và độ nhạy vượt trội, với sự hợp tác của các chuyên gia quang học và vật liệu học”.
Trong bài báo đăng trên tạp chí Cell, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: “Ánh sáng là kênh truyền tải thông tin quan trọng nhất từ thế giới bên ngoài tới sinh vật sống. Tuy nhiên, phần lớn ánh sáng – đặc biệt là hồng ngoại – vẫn bị bỏ qua bởi giới hạn tự nhiên của thị giác động vật có vú”.
Với bước tiến này, giới khoa học đang mở rộng đáng kể phạm vi cảm nhận của con người, đưa thị giác tiến gần hơn đến ranh giới của khoa học viễn tưởng – nhưng nay đã thành hiện thực.