Kim Sang-sik và thế cờ khó của VFF
Quyết định lựa chọn nhà cầm quân Hàn Quốc cho vị trí 'lái trưởng' đội tuyển Việt Nam đang gây nên những nghi ngại nhất định bởi kinh nghiệm của ông Kim Sang-sik chưa thật sự dày. Nó cũng cho thấy những khó khăn nhất định của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thời điểm hiện tại.
Với tư cách cầu thủ, ông Kim Sang-sik từng là tiền vệ hàng đầu ở đội tuyển quốc gia Hàn Quốc với 59 lần ra sân. Ông cũng từng dự nhiều giải đấu lớn như Asian Cup hay World Cup 2006 (Đức). Dấu ấn trong sự nghiệp cầu thủ của ông còn thể hiện ở 8 danh hiệu lớn cấp CLB, bao gồm 5 chức vô địch K-League.
Tuy nhiên trên cương vị huấn luyện, kinh nghiệm của HLV Kim Sang-sik lại chưa thực sự ấn tượng. Sau chức vô địch K-League năm 2021 với Jeonbuk Hyundai Motors, bước qua năm 2023 ông đã phải từ chức vì chuỗi trận không thành công hồi đầu mùa giải của đội bóng. Ông vấp phải sự phản ứng quyết liệt của một bộ phận nhỏ CĐV, yếu tố thúc đẩy HLV Kim Sang-sik phải ra đi và phần nào cho thấy khả năng quản trị tình hình không thực sự tốt.
Một điểm trừ trong hồ sơ ứng cử của HLV Kim Sang-sik là ông chưa từng dẫn dắt ĐTQG ngoài thời gian làm trợ lý ở tuyển Hàn Quốc năm 2001-2002 dưới thời nhà cầm quân Hà Lan Guss Hiddink. Đây cũng là giai đoạn ông Kim Sang-sik làm bạn với HLV Park Hang-seo, người được mô tả là “cánh tay số 2” của ông Hiddink.
Có vẻ như do ảnh hưởng của vị trí thi đấu, HLV Kim Sang-sik thiên về xây dựng đội bóng theo thiên hướng phòng ngự-phản công. Ở mùa giải đăng quang chức vô địch K-League, Jeonbuk Hyundai Motors ghi 71 bàn sau 38 trận, thành tích khá tốt, và để thủng lưới ít nhất trong số các đội bóng với chỉ 37 bàn.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết 2 sơ đồ chiến thuật ưa thích của HLV Kim Sang-sik là 4-1-4-1 và 4-2-3-1, đều có xu hướng phòng ngự-phản công. Lối chơi thiếu mượt mà và đẹp mắt của Jeonbuk Hyundai Motors phần nào không thỏa mãn được đòi hỏi của các CĐV, bởi đây là đội có thực lực mạnh ở K-League.
Trên thực tế VFF gặp những khó khăn nhất định sau khi chia tay HLV Philippe Troussier. Đầu tiên là quỹ thời gian khá gấp để kịp cho đội tuyển Việt Nam chuẩn bị 2 lượt trận cuối Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, với Iraq và Philippines. Phương án HLV nội gần như bị gạch ngay từ đầu, bởi theo tiết lộ của 1 lãnh đạo VFF, có rất ít HLV nội chịu được sức ép ngồi ghế “nóng” ở đội tuyển Việt Nam, ngoài các yêu cầu về chuyên môn.
HLV châu Âu có bất lợi cần nhiều thời gian để làm quen cũng như tìm hiểu bóng đá châu Á cũng như Đông Nam Á. Thất bại của ông Troussier cũng khiến cho việc lựa chọn một cái tên đến từ châu Âu thời điểm hiện tại trở thành canh bạc mạo hiểm. Tài chính là một vấn đề khác trong bối cảnh tình hình kinh tế chung gặp nhiều khó khăn.
Một yếu tố khác tác động tới lựa chọn của VFF là đội tuyển Việt Nam gần như đã không còn cơ hội đi tiếp ở Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á. Nó khiến cho mục tiêu dài hạn của VFF trong 2 năm tới bị ảnh hưởng. Thực lực của đội tuyển Việt Nam cũng đang suy yếu do sự sa sút của “thế hệ vàng” của những Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Duy Mạnh… trước đây, buộc VFF thực tế hơn trong việc đưa ra các mục tiêu. Cụ thể như ở AFF Cup 2024, VFF chỉ giao nhiệm vụ chuyên môn với ông Kim Sang-sik là tối thiểu vào tới bán kết còn tốt hơn thì vào chung kết. Tương tự, VFF cũng không đặt ra chỉ tiêu phải giành HCV với đội tuyển U23 Việt Nam ở SEA Games 2025.
Hy vọng ông Kim Sang-sik đem lại là chiến thuật phòng ngự-phản công vốn phù hợp với đội tuyển Việt Nam. Cần lưu ý là các chức vô địch AFF Cup năm 2008 và 2018 của đội tuyển Việt Nam là kết quả từ chiến thuật này được mài sắc, với lực lượng mạnh cũng những HLV giàu cá tính. Cả ông Calisto và Park Hang-seo về sau đều nổi tiếng với bầu máu nóng, nhiệt huyết ngoài đường biên và HLV Kim Sang-sik được chờ đợi có thể tiếp nối 2 người tiền nhiệm.