Kim Bình - nơi ghi dấu Đại hội II của Đảng

Ngày này 74 năm trước, tại Kim Bình, Chiêm Hóa, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp phiên bế mạc. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Đảng từ bí mật trở lại hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

Những quyết sách quan trọng

Sau 15 năm, 8 tháng kể từ Đại hội Đảng lần thứ nhất, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã họp từ ngày 11 đến 19-2-1951. Đại hội có 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 766.000 đảng viên. Dự Đại hội có đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Thái Lan.

Hội trường nơi tổ chức Đại hội lần thứ II của Đảng tại Kim Bình.

Hội trường nơi tổ chức Đại hội lần thứ II của Đảng tại Kim Bình.

Đại hội II Kim Bình đã thông qua Nghị quyết khẳng định: Đường lối đoàn kết toàn dân, kháng chiến trường kỳ giành độc lập, dân chủ là hoàn toàn đúng, Đảng cần kiện toàn thêm sự lãnh đạo kháng chiến, tập trung lực lượng lớn hơn nữa để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; phải xây dựng Đảng Lao động Việt Nam có chính cương, điều lệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam và sẽ xây dựng những tổ chức cách mạng thích hợp với hoàn cảnh của Cao Miên và Lào...

Đại hội đã quyết nghị đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng.

Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Bộ Chính trị của Trung ương Đảng gồm có 7 ủy viên chính thức và một ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Đảng là đồng chí Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là đồng chí Trường Chinh.

Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương được bầu hợp thức trong một Đại hội đại biểu toàn quốc.

Những đóng góp của Tuyên Quang với Đại hội

Thành công của Đại hội II năm ấy có sự góp sức không nhỏ của Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang, nhất là Nhân dân các xã Vinh Quang, Kim Bình và các xã lân cận của Chiêm Hóa. Bà con vinh dự được tham gia công việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho đại hội. Chỉ trong vòng 4 tháng, gần 30 ngôi nhà bằng gỗ, tre, nứa, lá đã được xây dựng kiến trúc giản tiện và trang nhã, gồm hội trường lớn, nhà ở của đại biểu, nhà khách quốc tế, nhà triển lãm, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, chỗ ở của các nhà báo, quay phim, nhiếp ảnh, nhà ở của bộ đội bảo vệ và khu vực hậu cần...

Quang cảnh Đại hội II của Đảng tại Kim Bình. Ảnh tư liệu

Quang cảnh Đại hội II của Đảng tại Kim Bình. Ảnh tư liệu

Bên cạnh hội trường lớn, Nhân dân đào hầm chắc chắn, đắp cao như gò, có dầm chống kiên cố, nóc hầm trồng cây xanh, xung quanh hầm là hệ thống hào giao thông. Công việc xây dựng tiến hành hết sức khẩn trương và luôn đảm bảo bí mật, đúng như lời Bác dặn “trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì”.

Số vật liệu đóng góp cụ thể hiện được lưu tại bảo tàng Cách mạng: “Vật liệu: đều lấy ở xung quanh. Đã dùng trên 100 cây mí, 1 vạn cây mai, 10 vạn cây nứa, 8 vạn lá cọ, 5 ngàn thước vuông gỗ xẻ. Làm đất: Đào đắp trên 3.000 thước khối để làm nền nhà, đường đi, hầm tránh máy bay. Nhân dân đã dùng trên 7.000 công chuyên môn và 1 vạn dân công”.

Ngoài ra, Nhân dân Chiêm Hóa, Nhân dân Tuyên Quang còn đóng góp hàng chục tấn lương thực, thực phẩm phục vụ Đại hội; tham gia canh gác vòng ngoài và nhất là giữ bí mật tuyệt đối hai địa điểm Kiên Đài và Kim Bình suốt quá trình trước, trong và sau Đại hội; và các sự kiện lớn tổ chức sau đó là Hội nghị thống nhất Việt Minh Liên Việt, Hội nghị liên minh Việt Miên Lào, Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất.

Do làm tốt công tác bảo vệ, đảm bảo bí mật tuyệt đối nên suốt thời gian Đại hội không phải đánh một hồi kẻng báo động, các trận địa bảo vệ không phải nổ súng. Đóng góp của quân dân Tuyên Quang đối với An toàn khu và cuộc kháng chiến là rất lớn. Tuyên Quang hoàn thành xuất sắc vị trí Thủ đô của nhà nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược.

Khi đến thăm Kim Bình trước thềm Xuân Tân Mão 2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, vùng đất Kim Bình đã ghi dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, từ đây đã tỏa ra ánh sáng đường lối chiến lược của Đảng là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí mong muốn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Xuân Ất Tỵ 2025 này là 74 năm Đại hội Đảng lần thứ II tổ chức tại Kim Bình. Những quyết sách, chủ trương lớn của Đại hội II chính là tiền đề thành công cho các kỳ Đại hội tiếp theo của Đảng sau này, giúp đất nước ta có được cơ đồ, vị thế, uy tín như hôm nay và vững tin vươn mình vào kỷ nguyên phát triển mới.

Kỷ niệm 74 năm Đại hội II của Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Tuyên Quang thêm tự hào được đóng góp làm nên thành công của Đại hội; đồng thời thêm quyết tâm tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

Mạnh Quang

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kim-binh-noi-ghi-dau-dai-hoi-ii-cua-dang-206938.html
Zalo