Kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 9,6 tỷ USD
Lượng kiều hối chuyển về TP.HCM ước đạt 9,6 tỷ USD trong năm 2024, tăng 140 triệu USD so với năm trước và chiếm 55% tổng lượng kiều hối gửi về của cả nước.
Số liệu này vừa được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM thông tin.
Theo ông Lệnh, trong tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM năm vừa qua, hơn 74% được thực hiện thông qua các công ty kiều hối, trong khi các tổ chức tín dụng chỉ chiếm khoảng 26%.
Thống kê cho thấy kiều hối từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt gần 54% tổng lượng kiều hối chảy về TP.HCM, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kiều hối từ châu Đại Dương tăng 20%, từ châu Mỹ tăng 4,4%, nhưng từ châu Âu lại giảm 19%.
Theo ông Lệnh, lượng kiều hối về TP.HCM luôn tăng trưởng qua các năm và chiếm tỷ trọng trên dưới 55% tổng lượng kiều hối của cả nước Việt Nam trong 3 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, vào ngày 26/9/2024, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM giai đoạn đến năm 2030" theo Quyết định số 4235/QĐ-UBND.
Đề án này đặt ra các giải pháp định hướng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, bao gồm đóng góp vào các dự án xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường.
Đồng thời, đề án khuyến khích chuyển hướng nguồn kiều hối vào các lĩnh vực như chứng khoán, cổ phiếu, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản.
Chia sẻ tại tọa đàm thị trường bất động sản 2024-2025 với chủ đề "Chuyển mình" do Viện nghiên cứu Dat Xanh Services (FERI) tổ chức mới đây, ông Huỳnh Thanh Hải - Phó tổng giám đốc Era Việt Nam - nhận định nhiều Việt kiều sau khi ổn định cuộc sống ở nước ngoài luôn mong muốn sở hữu tài sản tại quê hương. Theo ông, nhiều Việt kiều không chỉ xem đây là khoản đầu tư mà còn là chuẩn bị cho kế hoạch trở về nước để nghỉ hưu.
"Với nguồn tài chính tích lũy sau 20-30 năm làm việc, họ có khả năng chi trả từ vài trăm nghìn đến cả triệu USD để mua bất động sản tại Việt Nam", vị này chia sẻ.
Ông Hải cũng nhấn mạnh những thay đổi trong chính sách pháp luật gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Việt kiều trong việc sở hữu, kinh doanh và đứng tên bất động sản tại Việt Nam. Những chính sách này không chỉ khuyến khích cộng đồng Việt kiều mà còn mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, ông dự báo từ năm nay trở đi, thị trường bất động sản tại TP.HCM sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ với dòng vốn lớn từ cộng đồng Việt kiều, bên cạnh các nhà đầu tư phía Bắc.