Kiêu hãnh Lý Sơn
Lấp lánh trong niềm tin của người dân xứ đảo là sự kiêu hãnh về hòn đảo tiền tiêu. Trải qua biết bao biến thiên của lịch sử, của đời người, cuộc sống của người dân Lý Sơn đã có nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng trong ấm no của vùng đảo như ám tiêu chắn trước cửa ngõ biển Đông của xứ biển miền trung.
Thao thiết với cù lao
Tiếng ốc u vang lên thâm nghiêm và đầy khắc khoải, ban bô lão hoàn thành lễ tiết của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trong niềm thành kính của cư dân Lý Sơn. Các thanh niên trai tráng mạnh mẽ khiêng những chiếc thuyền tế với hình nhân thế mạng hướng ra biển Hoàng Sa để thả xuống dòng nước xanh ngăn ngắt tưởng nhớ tiền nhân.

Cột cờ chủ quyền trên đảo Lý Sơn.
Hơn 400 năm rồi Cù Lao Ré (tên gọi cũ của huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) mang nặng những thao thức của hòn đảo tiền tiêu, nơi những đội hùng binh Hoàng Sa đều đặn hằng năm vượt muôn trùng sóng nước ra khai thác sản vật trên miền “Cát vàng” (tên gọi cũ của quần đảo Hoàng Sa). Bây giờ, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó cũng là một cách khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải nằm ngay giữa trung tâm huyện lỵ. Ở đó, nơi có nhiều hiện vật còn lại của những đoàn binh phu từng vượt gió đạp sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa. Cùng với đó là rất nhiều tư liệu khẳng định bờ cõi của đất Việt trên biển, như ảnh biển chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa chụp năm 1930; bản đồ “Phía Đông Ấn Độ và những vùng lân cận” xác định rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, xuất bản tại London (Anh) năm 1969... và cả vẻ hào hùng, bi tráng của tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải sừng sững giữa đất trời.
Một lão ngư trầm ngâm nhìn những chiếc thuyền tế lênh đênh trên mặt biển, nhìn xa mãi ra phía hướng Đông, nơi bao tiền nhân đã nằm lại. Hồn biền ở đó, hồn người ở đó và ở cả trong tâm trí từng người dân xứ đảo này. Đã bao đời qua, người dân đảo Lý Sơn vẫn đắm mình vì biển cho cuộc sống mưu sinh. Có những ngư dân nhiều đời nối nhau làm nghề đi biển, đời ông gắn với biển, đời cha gắn với biển, rồi tới đời này và đời sau nữa cũng trưởng thành từ những chuyến biển như thế. Những ngư dân ấy luôn tự hào, bảo rằng đời cha, đời ông mình đi biển bằng những con tàu nhỏ cũ kỹ mà vẫn vươn tới được Hoàng Sa, Trường Sa. Bây giờ tàu của mình đã to hơn, nhiều người hơn, lại được trang bị nhiều thiết bị tối tân hơn thì phải vươn xa hơn. Dù có sóng gió bão bùng nhưng vẫn ra biển không một ngày ngưng nghỉ. Bởi, phía sau mình còn là hậu phương, còn là gia đình và cả Tổ quốc nữa. Biển cả cũng đã “ban tặng” cho ngư dân những căn nhà khang trang, những trang thiết bị đắt tiền, những trẻ em được cắp sách đến trường.


Những thuyền tế với hình nhân thế mạng hướng ra Hoàng Sa để thả xuống biển tưởng nhớ tiền nhân.
Nhiều ngư dân ở xứ đảo này đều rất trân trọng lá cờ Tổ quốc. Ngư dân Phạm Nhi, đã ngoài 50 tuổi, gần một đời lênh đênh với biển, mỗi lần nói về biển cả và cờ Tổ quốc, ánh mắt ông như hừng hực lửa. Ông bảo, có lênh đênh giữa biển trời mới hiểu được Quốc kỳ, linh hồn Tổ quốc thiêng liêng như thế nào. Chính lá cờ Tổ quốc đã tiếp thêm cho ngư dân sức mạnh vượt qua bão tố, thiên tai để vững lòng bám biển. Mỗi lúc gian nguy giữa đại dương, ngước nhìn lên lá cờ là lại như thấy Tổ quốc mình, đồng bào mình đang ở bên cạnh vậy. Có khi, trong suốt hành trình đánh bắt, những tàu cá mang theo hàng chục lá cờ Tổ quốc, cần thiết là thay ngay khi cờ bị rách hay bạc màu, để đảm bảo Quốc kỳ trên nóc tàu luôn đỏ thắm, tươi rói. Tổ quốc là linh thiêng, cờ Tổ quốc là nơi những ngư dân đi khơi Lý Sơn gửi gắm niềm tin và mơ ước của mình. Dẫu có bao sóng gió và cả những hiểm nguy, nhưng Tổ quốc vẫn là mãi mãi! Những ngư dân như ông Phạm Nhi ngồi bên mép sóng cũng khẳng định chắc nịch, tiếng nói át cả những con sóng ấm ào vỗ vào bờ đá.

Đồn Biên phòng Lý Sơn tổ chức tuyên truyền, cấp phát tờ rơi chống khai thác IUU, tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ cho ngư dân.
Niềm tin trên ngọn sóng
Cuộc sống của cư dân nơi đây bây giờ cũng không khác gì trong đất liền, cũng có những nhà hàng rộng rãi, những quán cà phê nhạc xập xình, chợ búa bán đủ loại nhưng nhiều nhất vẫn là các loài hải sản như bào ngư, tôm, cá, mực. Ngoài hải sản, các loại mặt hàng khác có giá cao hơn so với đất liền bởi khoảng cách biển trời nhưng không đến nỗi quá đắt đỏ. Những ngôi nhà nhiều tầng mọc lên san sát, truyền hình cáp được sử dụng, có trường học để trẻ em trên đảo đến lớp, bệnh viện, bệnh xá phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân và rất nhiều khối cơ sở vật chất đồ sộ được xây dựng phục vụ đời sống của hơn 23.000 nhân khẩu. Huyện đảo Lý Sơn đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch đảo du lịch của quốc gia. Việc đi lại của người dân cũng được rút ngắn hơn, từ 3 tiếng lênh đênh trên biển cả giờ chỉ còn 35 phút di chuyển với mỗi ngày gần 10 chuyến tàu qua lại giữa đảo và đất liền.
Một phụ nữ luống tuổi hồ hởi khoe: “Các anh thấy hòn đảo của chúng tôi đẹp không? Có đáng được gọi là thiên đường du lịch không?”. Nhận được cái gật gù, người phụ nữ rất hài lòng. Bà bảo, nghề chính trên đảo chỉ là đi biển, trồng hành tỏi và làm du lịch. So với nghề đi biển, thì làm du lịch cũng chỉ mới ngót nghét chục năm trở lại đây thôi, còn trước đó, từ người già đến trẻ con đều lấy mũi tàu làm hướng mưu sinh. Những năm trở lại đây, Quảng Ngãi chủ trương lấy Lý Sơn làm hạt nhân để đẩy mạnh phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với 30 điểm di sản địa chất cùng văn hóa đan xen và tích hợp lẫn nhau, Lý Sơn mê hoặc lòng người bởi những Vách Hang Câu, miệng Giếng Tiền, núi Thới Lới. Với vẻ đẹp độc đáo và bí ẩn của những rạn san hô nổi và chìm, của san hô hóa thạch hình cối xay, của các miệng núi lửa nằm sâu trong lòng biển, của cổng tò vò trên cạn và dưới nước, bí ẩn của những phương thức canh tác độc đáo tạo nên một vương quốc tỏi và hành giữa đại dương bao la.
Huyện đảo Lý Sơn sở hữu những tài nguyên du lịch độc đáo bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đủ để từng bước biến hòn đảo tiền tiêu này thành một thiên đường du lịch giữa đại dương. Con đường của huyện đảo Lý Sơn là phát triển kinh tế lấy du lịch làm trung tâm, trở thành hạt nhân cho phát triển du lịch toàn tỉnh. Con đường đó đang được Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lý Sơn nỗ lực hết mình.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với nhân dân, những cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng trên đảo Lý Sơn đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để huyện đảo Lý Sơn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Trung tá Ngô Doãn Tú, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lý Sơn chia sẻ, những năm qua Đồn Biên phòng Lý Sơn đã triển khai các mô hình quản lý, bảo vệ biên giới được các cấp, ngành đánh giá cao, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Đồn Biên phòng Lý Sơn vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới biển, vừa bảo vệ ngư dân, cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, thực hiện các chương trình hỗ trợ người khó khăn, vận động giúp đỡ dân. Tổ chức các buổi tuyên truyền về biển đảo, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đêm trên đảo tiền tiêu bừng sáng ánh điện, nhiều người vẫn cứ thao thiết mãi không thôi về sức sống của con người nơi đầu sóng. Họ là những ngọn đèn trên biển nước tiền tiêu canh giữ biển trời đất nước suốt bao đời nay. Giữ cho hồn biển là những tiếng ru của bà, của mẹ, những nhịp trống ngày hội đua thuyền tứ linh, là tiếng ốc u của lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa... tất cả đều là tiếng gọi sâu thẳm để người dân gắn bó tự nhiên với đảo. Bất kỳ người dân nào trên đảo cũng là một chứng nhân giữ đảo. Sự sống được gieo trồng mấy trăm năm qua chẳng phải đơn giản chỉ là mưu sinh.
Những cuộc vật lộn với gió với biển không chỉ là nghề nghiệp. Đêm cù lao yên bình, những tiếng sóng vỗ dạt dào vào ghềnh đá như tiếng ru của biển tự ngàn xưa. Đảo thu mình lại trong giấc ngủ sau một ngày chào đón khách. Xa xa, ánh sáng của các thuyền câu mực ban đêm lóng lánh như những đàn đom đóm lập lòe giữa đêm biển đen đặc. Cả không gian nồng nàn mùi hoa bàng vuông bung nở, hương thơm lan khắp nơi theo gió biển. Trên những chồng lớp đất và cát biển, bọt nước và mây trời này là sự sinh sôi, tiếp nối. Những cuộc tạo sinh không ngừng là cách làm giàu cho một vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đây cũng là cách gốc rễ bền vững để giữ gìn, bảo vệ biển trời quê hương.
Lúc chia tay, tàu rẽ sóng ra khơi, mùa này biển êm ả lăn tăn những con sóng nhẹ lướt qua chiếc tàu lừng lững rời Lý Sơn về đất liền. Hai bên sóng nước rẽ ra sủi bọt trắng xóa, biển trong xanh đến vô cùng, thấp thoáng những chiếc tàu cá đang buông neo thả lưới, chờ đợi những khoang thuyền nặng đầy để trở về.