Kiều bào về nước như về nhà

Nhà nước đã ban hành những chính sách, quy định của pháp luật ngày càng thông thoáng để đảm bảo quyền lợi tối đa cho kiều bào về nước, thể hiện nhất quán tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

“Đối với đất nước và dân tộc Việt Nam (VN), cộng đồng người VN ở nước ngoài luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời” - Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu như thế tại buổi gặp mặt đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Hội nghị người VN ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư vào ngày 23-8-2024.

Có thể nói đây là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay, mà biểu hiện rõ nhất là việc ban hành nhiều chính sách, quy định của pháp luật thông thoáng liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của kiều bào.

Nhập cảnh dễ dàng, thông thoáng

Xuất phát từ nhu cầu của kiều bào được trở về nước thăm người thân, du lịch, tìm hiểu đầu tư kinh doanh và đóng góp cho đất nước, chính sách pháp luật của VN cũng có sự chuyển động đáng kể, theo hướng ngày một mở hơn.

Cụ thể, không còn bắt buộc phải có nơi thường trú, Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) quy định kiều bào có nơi tạm trú hoặc nơi ở hiện tại ở VN cũng sẽ được cấp căn cước khi còn quốc tịch VN, có thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hay theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN 2014 (sửa đổi gần nhất vào năm 2023) thì chính sách xuất nhập cảnh và các chính sách khác đối với kiều bào đang hết sức thông thoáng, thuận lợi.

 Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư vào ngày 23-8-2024. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư vào ngày 23-8-2024. Ảnh: TTXVN

Theo luật sư (LS) Trương Ngọc Liêu (Đoàn LS TP Hà Nội), điểm đáng chú ý nhất là chính sách về việc cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ từ ngày 15-8-2023. “Thời hạn thị thực điện tử được nâng lên từ không quá 30 ngày thành

không quá 90 ngày và có giá trị một lần hoặc nhiều lần. Bên cạnh đó, theo luật mới, thời hạn tạm trú đối với công dân của nước được VN đơn phương miễn thị thực cũng được nâng từ 15 ngày lên đến 45 ngày” - LS Liêu thông tin.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho kiều bào về nước thì chính sách về miễn thị thực cho người VN định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của những người này hoặc của công dân VN với thời hạn tạm trú sáu tháng cho mỗi lần nhập cảnh, tiếp tục thực hiện theo Nghị định 82/2015. Trường hợp có nhu cầu ở lại thì họ được xem xét gia hạn tạm trú đến sáu tháng.

Rộng cửa đầu tư vào thị trường bất động sản

Một nội dung khác được kiều bào đặc biệt quan tâm là chính sách liên quan đến bất động sản. Mới đây nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua ba luật là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, cùng có hiệu lực từ ngày 1-8-2024.

Trong đó, đáng chú ý là quy định mới về việc kiều bào còn quốc tịch VN thì sẽ có đầy đủ các quyền về đất đai như cá nhân trong nước: Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; được thừa kế, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không bị hạn chế về loại đất, vị trí lô đất trong hay ngoài dự án...

LS Nguyễn Phước Vẹn (Đoàn LS TP.HCM) nhận định đây là quy định nổi bật, khẳng định quyền, địa vị pháp lý của kiều bào khi còn quốc tịch VN. Điều này sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian tới.

 Lượng kiều hối đổ về TP.HCM (Đến hết tháng 9/2024).

Lượng kiều hối đổ về TP.HCM (Đến hết tháng 9/2024).

Cũng theo LS Vẹn, đối với trường hợp kiều bào không còn quốc tịch VN nhưng có giấy xác nhận là người gốc VN và được nhập cảnh vào VN thì cũng được hưởng chính sách mới mở rộng hơn liên quan đến quyền thừa kế so với Luật Đất đai 2013.

Theo đó, đối tượng này được nhận thừa kế đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở. Trong khi đó, trước ngày 1-8-2024 thì chỉ được nhận thừa kế đất ở gắn với nhà ở mà không được nhận thừa kế các loại đất khác (nông nghiệp, thương mại dịch vụ...) trong cùng thửa đất có đất ở gắn với nhà ở.

Thực tế trước đây có nhiều trường hợp kiều bào không thể làm thủ tục nhận thừa kế và cấp giấy chứng nhận nhà ở được vì lý do trên thửa đất xây dựng nhà ở có một phần đất nông nghiệp, cho dù là rất ít. Đây là một bất cập đã được tháo gỡ bởi Luật Đất đai 2024.

Ngoài những điểm mới trên, pháp luật tiếp tục quy định kiều bào được hưởng nhiều quyền lợi khác như mua nhà ở gắn liền với đất ở không hạn chế về số lượng, vị trí dù trong hay ngoài dự án nhà ở; được mua đất nền nếu lô đất nền đó thuộc dự án phân lô, bán nền dù mua từ chủ đầu tư hay mua lại từ người khác…

Đặc biệt, kiều bào có quốc tịch VN được kinh doanh bất động sản không khác gì cá nhân trong nước; kiều bào có xác nhận là người gốc VN có thể thuê nhà ở, công trình xây dựng (biệt thự nghỉ dưỡng, nhà xưởng...) để cho thuê lại…

ĐÔNG BÍCH

Nguồn PLO: https://plo.vn/kieu-bao-ve-nuoc-nhu-ve-nha-post829410.html
Zalo