Kiều bào là nguồn 'tài nguyên' quan trọng trong công cuộc phát triển của Thủ đô Hà Nội

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng hơn 6 triệu người ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, là nguồn lực quan trọng để xây dựng Thủ đô phát triển, thông minh, hiện đại.

Các đại biểu, kiều bào xuất sắc chụp ảnh kỷ niệm cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi gặp mặt trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2025. (Ảnh: Dương Tiêu)

Các đại biểu, kiều bào xuất sắc chụp ảnh kỷ niệm cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi gặp mặt trong khuôn khổ chương trình Xuân Quê hương 2025. (Ảnh: Dương Tiêu)

Chiều 19/1, UBND TP. Hà Nội tổ chức Chương trình Gặp mặt đoàn kiều bào tiêu biểu mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025.

Đến dự sự kiện có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông, đại diện các sở, ban, ngành của Thành phố.

Đặc biệt, chương trình ghi nhận sự hiện diện của hơn 100 đại biểu, kiều bào xuất sắc đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trong số gần 1.000 kiều bào đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ về dự Xuân quê hương 2025. Đây là những kiều bào đại diện cho lãnh đạo các hội, đoàn thể người Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nhân thành đạt và các chuyên gia trí thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau…

Trong nhiều năm qua, công tác đối ngoại của Thủ đô luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Bộ Ngoại giao và từ phía bà con kiều bào ở khắp các nước trên thế giới, đã góp phần quan trọng giúp cho Thành phố mở rộng quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác tác kinh tế, văn hóa và quảng bá hình ảnh Thủ đô Hòa bình, nghìn năm văn hiến đến với các địa phương, đối tác và bạn bè quốc tế.

Năm 2024 vừa qua, là năm thành phố Hà Nội tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025. Năm 2024 cũng là năm quan trọng Thành phố kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và đặc biệt Luật Thủ đô cũng đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực…

“Tài nguyên” quan trọng

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô thông minh, hiện đại. (Ảnh: Diệu Linh)

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô thông minh, hiện đại. (Ảnh: Diệu Linh)

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, sự có mặt của bà con và bà con về quê đón Tết tại Hà Nội chính là một minh chứng cho mong muốn và nỗ lực của Thủ đô trở thành một Thành phố sáng tạo, thu hút nhân tài người Việt trở về từ mọi quốc gia nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2021-2025 đã nêu rõ.

Thời gian vừa qua, trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bà con kiều bào nói chung và các bạn trẻ từ nước ngoài trở về Thủ đô công tác nói riêng đã có những hành động cụ thể, bài bản, khoa học, có sự phối hợp hiệu quả với các sở, ban, ngành thành phố nhằm hiện thực hóa những chỉ tiêu, thời hạn thực hiện trong các văn bản của Trung ương, Thành phố.

Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô sửa đổi - tạo thể chế, hành lang pháp lý quan trọng, cơ hội để Hà Nội phát huy tiềm năng, nội lực bước vào kỷ nguyên mới. Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Thủ đô phát huy quyền tự chủ, tháo gỡ các nút thắt trong quản lý, huy động nguồn lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Đây là công cụ pháp lý để thành phố thực hiện các nhiệm vụ chiến lược theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước, GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0-8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội còn rất nhiều bài toán hóc búa cần tới tri thức và sự nỗ lực đóng góp của những người Việt xa quê. Có được nguồn lực đó Thủ đô Hà Nội mới có thể phát triển những giải pháp hiệu quả, thiết thực nhằm phát triển bền vững, giải quyết căn cơ các bài toán đang gặp phải và sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực như Kuala Lumpur, Bangkok, Singapore... Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kêu gọi các trí thức trẻ, người lao động, doanh nhân gốc Việt trở về, cùng chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Người đứng đầu UBND TP. Hà Nội cũng gửi lời cảm ơn trân trọng tới Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức Chương trình Xuân Quê hương đầy ý nghĩa. Ông đề nghị Bộ Ngoại giao, đặc biệt là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với UBND Thành phố trong các hoạt động đưa tri thức trẻ Việt Nam, tri thức của những người Việt xa quê về cống hiến và phát triển cùng Thủ đô.

Kiều bào “hiến kế”

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu bật vai trò của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước. (Ảnh: Dương Tiêu)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu bật vai trò của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước. (Ảnh: Dương Tiêu)

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, năm nay là năm có nhiều ý nghĩa đối với kiều bào cũng như với công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là năm kỷ niệm 20 năm ra đời Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã lớn mạnh nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng hơn 6 triệu người ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ và con số này tiếp tục tăng nhanh.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, kiều bào có đóng góp rất quan trọng trong suốt quá trình giữ nước, xây dựng đất nước và trong suốt giai đoạn phát triển hội nhập. Đây không những là “nguồn tài nguyên” về tiềm lực kinh tế mà còn là nguồn lực về tri thức, chất xám, và cả lòng nhiệt huyết, tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương đất nước.

Bác sĩ Võ Toàn Trung, Trưởng khoa Phục hồi chức năng vận động thần kinh của Bệnh viện Bullion, Pháp, nêu bật tầm quan trọng của khoa học - công nghệ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Thủ đô. (Ảnh: Diệu Linh)

Bác sĩ Võ Toàn Trung, Trưởng khoa Phục hồi chức năng vận động thần kinh của Bệnh viện Bullion, Pháp, nêu bật tầm quan trọng của khoa học - công nghệ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Thủ đô. (Ảnh: Diệu Linh)

Theo bác sĩ Võ Toàn Trung, Trưởng khoa Phục hồi chức năng vận động thần kinh của Bệnh viện Bullion (Pháp), muốn vươn mình nhanh hơn nữa phải tập trung vào khoa học và công nghệ liên quan đến sự phát triển của Thủ đô. Lấy ví dụ như tại Paris, công nghệ sinh học, công nghệ trong y học, công nghệ dược phẩm những lĩnh vực đóng góp 50% GDP của thành phố này, qua đó cho thấy, khoa học - công nghệ đóng vai trò quan trọng, tạo sức bật cho phát triển.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần có cơ chế để cho các nhà khoa học nước ngoài và kiều bào có thể đầu tư với khát vọng “biến” Thủ đô trở thành sân chơi khoa học - công nghệ, tạo ra các sản phẩm “made in Viet Nam”, đó chính là cú hích để phát triển kinh tế.

Về cơ chế, để hiện thực hóa mục tiêu Hà Nội cần có những chính sách cụ thể; tăng cường trao đổi, hợp tác với các đối tác. Các chuyên gia, kiều bào sẵn sàng “hiến kế”, đóng góp xây dựng các hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi đón nhận các nguồn lực từ nước ngoài.

Hà Nội cũng nên có cơ chế hỗ trợ tài chính với các nhà khoa học - công nghệ, đặc biệt là các dự án có tính ứng dụng cao. Khi tài trợ các dự án này, chúng ta sẽ có được quyền sở hữu trí tuệ, làm chủ công nghệ. Song song với đó, Thành phố nên có nơi tiếp nhận dự án, công nghệ mà các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài muốn mang về cho đất nước.

Ông Võ Toàn Trung nhận định, “nếu Hà Nội tìm được hướng đi đúng đắn, thông qua khoa học công nghệ chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu đặt ra, trở thành thủ đô phát triển hiện đại”.

“Tất cả tấm lòng của bà con kiều bào đều hướng về đất nước, mong muốn đất nước luôn dang tay đón chào những người con xa xứ khi trở về”, ông Trung nói thêm.

Các kiều bào khác cũng đã đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng Thủ đô trở thành đầu tàu của cả nước trong sự nghiệp phát triển đất nước, đặc biệt khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại New York (Mỹ) Trương Thế Anh kiến nghị TP. Hà Nội có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài quay về phục vụ xây dựng và phát triển quê hương. (Ảnh: Dương Tiêu)

Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại New York (Mỹ) Trương Thế Anh kiến nghị TP. Hà Nội có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài quay về phục vụ xây dựng và phát triển quê hương. (Ảnh: Dương Tiêu)

Diệu Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kieu-bao-la-nguon-tai-nguyen-quan-trong-trong-cong-cuoc-phat-trien-cua-thu-do-ha-noi-301519.html
Zalo